Kiến nghị quy định tuổi nghỉ hưu theo tuổi nghề cho nghệ sĩ (Hình từ Internet)
Tại Công văn 3436/BVHTTDL-VP ngày 13/8/2024 trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới trước kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Cà Mau gửi tới với nội dung “Đối với đặc thù nghệ sĩ, diễn viên được đào tạo lâu dài (từ 07 năm đến 12 năm, một số bộ môn từ 15 năm đến 16 năm), tuổi đào tạo nghề thường từ 10 tuổi trở lên và phải có năng khiếu. Thời gian hoạt động biểu diễn nghệ thuật rất ngắn, bình quân khoảng từ 15 năm đến 20 năm, tuổi đời của nghệ sĩ, diễn viên từ 35 tuổi đến 40 tuổi (đối với nữ) và từ 40 tuổi đến 45 tuổi (đối với nam). Càng lớn tuổi khả năng biểu diễn bị suy giảm, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng hoạt động chuyên môn của nghề biểu diễn, nhất là tại các đơn vị nghệ thuật.
Cử tri kiến nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình Chính phủ xem xét, ban hành quy định một số chế độ, chính sách đối với viên chức, người lao động chuyên môn trong các đơn vị sự nghiệp công lập lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn. Trong đó, có chính sách nghỉ hưu trước tuổi, nhằm giúp nghệ sĩ, diễn viên đã “hết tuổi nghề” có điều kiện để chuyển đổi ngành nghề khác phù hợp và giải quyết khó khăn đối với các đơn vị nghệ thuật truyền thống tinh gọn tổ chức bộ máy, tuyển dụng thêm nghệ sĩ trẻ, tài năng để phát huy sân khấu truyền thống, góp phần bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc”.
Về vấn đề này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trả lời như sau:
Căn cứ Thông tư 11/2020/TT-BLĐTBXH ban hành Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Theo đó, tại Mục XXVIII Danh mục ghi nhận công việc:
+ Điều kiện lao động loại VI gồm có: Diễn viên xiếc uốn dẻo, đế trụ, nhào lộn và xiếc khác trên cao.
+ Điều kiện lao động loại V: Múa ballet, múa cổ truyền và hát tuồng; Diễn viên rối nước; Dạy thú và biểu diễn xiếc thú; Diễn viên xiếc; Nhạc hơi, nhạc trưởng; Dựng nhà bạt, rạp xiếc lưu động, nhà trưng bày triển lãm; Chăm sóc, nuôi dưỡng thú; Nhạc công trong các dàn nhạc, đội nhạc; Làm con rối; Thông tin lưu động của các tỉnh; Diễn viên chèo, cải lương, dân ca, kịch, điện ảnh và ca sĩ chuyên nghiệp...
Trên cơ sở các quy định nêu trên, các ngành, nghề trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn thuộc Danh mục được quy định tại Thông tư 11/2020/TT-BLĐTBXH có thể nghỉ hưu trước tuổi nghỉ hưu thông thường tối đa 05 năm.
Trong quá trình triển khai xây dựng Hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định về một số chế độ, chính sách đối với viên chức, người lao động chuyên môn trong các đơn vị sự nghiệp công lập lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã gửi xin ý kiến các Bộ, ngành liên quan, trong đó Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã có ý kiến: “không thể quy định tuổi nghỉ hưu theo tuổi nghề, các cơ quan, đơn vị sử dụng cần có chính sách chuyển đổi vị trí việc làm, đào tạo lại, chuyển đổi nghề nghiệp cho phù hợp để tiếp tục sử dụng và phát huy những kinh nghiệm, sức lao động của người lao động”.
Trên cơ sở tổng hợp, tiếp thu ý kiến của các Bộ, ngành liên quan, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã hoàn thiện và có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về đề nghị xây dựng Nghị định về một số chế độ, chính sách đối với viên chức, người lao động chuyên môn trong các đơn vị sự nghiệp công lập lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn (Công văn 2467/BVHTTDL-NTBD ngày 12/6/2024), trong đó có nêu các chính sách về tuổi nghỉ hưu, hiện đang chờ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.