Sự cố vỡ đê, hồ đập, xả lũ và trách nhiệm phối hợp xử lý sự cố vỡ đê, hồ đập, xả lũ

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
11/09/2024 01:03 AM

Sự cố vỡ đê có phải là tình huống sự cố, thiên tai cơ bản? Trách nhiệm phối hợp xử lý sự cố vỡ đê, hồ đập, xả lũ được quy định thế nào?

Sự cố vỡ đê, hồ đập và xả lũ là tình huống sự cố, thiên tai cơ bản

Theo khoản 1 Điều 3 Nghị định 30/2017/NĐ-CP, tình huống sự cố, thiên tai cơ bản là các tình huống do thiên tai hoặc con người gây ra dẫn đến sự cố, tai nạn có nguy cơ đe dọa hoặc gây hậu quả tổn thất về người, phương tiện, tài sản, vật chất và gây ô nhiễm, hủy hoại môi trường cần thiết phải có các biện pháp kịp thời, thích hợp ứng phó nhằm giảm thiểu thiệt hại tới mức thấp nhất. Bao gồm:

+ Tai nạn tàu, thuyền trên biển;

+ Sự cố tràn dầu;

+ Sự cố cháy nổ giàn khoan, đường ống dẫn dầu, khí;

+ Sự cố cháy lớn nhà cao tầng, khu đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư;

+ Sự cố sập đổ công trình, nhà cao tầng, hầm lò khai thác khoáng sản;

+ Sự cố rò rỉ phóng xạ, bức xạ hạt nhân, tán phát hóa chất độc và môi trường;

+ Sự cố động đất, sóng thần;

+ Tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa đặc biệt nghiêm trọng;

+ Tai nạn máy bay xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam;

+ Sự cố vỡ đê, hồ đập và xả lũ;

+ Sự cố cháy rừng;

+ Bão, áp thấp nhiệt đới, lũ, ngập lụt; lũ quét, lũ ống, sạt, lở đất đá và các sự cố khác do thiên tai gây ra.

Trách nhiệm phối hợp xử lý sự cố vỡ đê, hồ đập, xả lũ

Điểm d khoản 3 Điều 6 Nghị định 30/2017/NĐ-CP, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn có nhiệm vụ phối hợp với Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai chỉ đạo các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quốc phòng, Công an, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan liên quan xử lý sự cố vỡ đê, hồ đập và xả lũ;...

Trách nhiệm phối hợp xây dựng kế hoạch cấp quốc gia ứng phó sự cố vỡ đê, hồ, đập

Cụ thể theo khoản 4 Điều 29 Nghị định 30/2017/NĐ-CP, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm: 

- Phối hợp với Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn và các bộ, ngành liên quan thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Điều 29 Nghị định 30/2017/NĐ-CP;

- Chủ trì, phối hợp với các Bộ: Quốc phòng, Công an, Công Thương, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Ngoại giao và các bộ, ngành, địa phương liên quan xây dựng kế hoạch cấp quốc gia: ứng phó sự cố vỡ đê, hồ, đập; sự cố cháy rừng; bão, áp thấp, lũ, lụt; lũ quét, lũ ống, sạt, lở đất đá và các loại hình thiên tai khác;

- Phối hợp xây dựng kế hoạch và thực hiện việc bảo đảm lương thực, thực phẩm đáp ứng yêu cầu ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong mọi tình huống.

Công điện 6844 về đảm bảo an toàn trong vận hành công trình thuỷ điện

Bộ Công Thương ban hành Công điện 6844/CĐ-BCT ngày 09/9/2024 gửi Sở Công Thương các tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc, miền Trung; Tập đoàn Điện lực Việt Nam; Các chủ sở hữu hồ đập thuỷ điện khu vực miền Bắc, miền Trung về việc tăng cường ứng phó với mưa lớn do hoàn lưu bão số 3 và đảm bảo an toàn trong vận hành công trình thuỷ điện. 

Theo đó, yêu cầu các chủ đập công trình thủy điện:

- Nghiêm túc tuân thủ quy trình vận hành liên hồ, đơn hồ chứa thủy điện đã được cấp thẩm quyền phê duyệt, đặc biệt là khi xuất hiện các tình huống bất thường; vận hành khoa học, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công trình, không để xảy ra lũ nhân tạo, góp phần cắt giảm lũ cho hạ du, trong đó phải lưu ý thông báo sớm cho người dân trước khi vận hành xả lũ.

- Huy động tối đa nguồn lực, thiết bị để thông tin cảnh báo, thông báo sớm nhất cho chính quyền địa phương, người dân khu vực phía hạ du trước khi tiến hành xả lũ theo quy trình và theo lệch vận hành của cơ quan thẩm quyền, nhất là trong tình huống xả lũ khẩn cấp.

- Tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá tình trạng đập, các thiết bị, hạng mục vận hành xả lũ, nhận nước, hệ thống cảnh báo xả lũ khu vực hạ du… và khắc phục kịp thời các khiếm khuyết (nếu có).

- Tổ chức trực ban 24/24h, giữ thông tin liên lạc thông suốt với Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai các cấp, triển khai thực hiện các phương án đảm bảo an toàn hồ đập, vùng hạ du hồ chứa và các công trình đang thi công dở dang, đặc biệt là các công trình trọng điểm, xung yếu; kịp thời cắm biển thông báo, cảnh báo cho người dân về các khu vực nguy hiểm trong phạm vi bảo vệ đập, hồ chứa thủy điện; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tại địa phương trong công tác ứng phó thiên tai và bảo đảm an toàn cho người dân khu vực hạ du, nhất là trong tình huống xả lũ khẩn cấp.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,258

Bài viết về

Phòng chống lụt bão

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]