Một trong những luật bất thành văn ở Vinalines, qua lời khai của Sơn, là các khoản biếu sếp phải… bằng tiền mặt.
Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 25-4, khi chủ tọa hỏi Sơn, vì sao nhận khoản 1,666 triệu USD (tiền lại quả từ việc mua bán ụ nổi 83M) bằng chứng minh thư mà không chuyển bằng chứng minh thư (chuyển cho Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc- cựu Chủ tịch và TGĐ Vinalines), Sơn đáp rằng: “Bị cáo nói có thể mọi người không tin, nhưng ở TCT Hàng hải, việc đó phải bằng tiền mặt”.
Bị cáo Trần Hải Sơn. Ảnh: TN
Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines là đơn vị thành viên của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines). Công ty được Vinalines giao nhiệm vụ, ủy quyền ký, thanh toán các hợp đồng sửa chữa ụ nổi 83M thuộc Dự án Nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam. Lợi dụng việc này, Trần Hải Sơn và bộ sậu đã tham ô hơn 3,6 tỷ đồng. Trong số tiền này, Sơn chiếm đoạt 2,2 tỷ.
Quá trình điều tra, ban đầu Sơn thừa nhận nhưng sau đó lại khai báo quanh co, chối tội. Trong vụ án này, Sơn cũng khai đã đưa 150 triệu đồng cho Dương Chí Dũng (cựu Chủ tịch HĐQT Vinalines) vào các dịp lễ tết.
Và trong phiên xử phúc thẩm ngày hôm qua (28-4), Trần Hải Sơn lại tiếp tục tiết lộ: “Có nhiều thứ bất thành văn ở Vinalines. Ví dụ, bị cáo được Tổng công ty chuyển cho một khoản vốn thì phải bồi dưỡng cho người này, người kia. Cũng chỉ nói là bồi dưỡng chứ không nói cụ thể đó là khoản tiền gì”.
Tất nhiên là không thể chỉ bồi dưỡng cho “người này, người kia”, trong khi mình không được hưởng lợi gì. Dẫn chứng rõ ràng nhất là sau vụ án này, Trần Hải Sơn cũng chuẩn bị tiếp tục hầu tòa về việc tham ô tiền sửa chữa ụ nổi 83M.
Qua các phiên tòa, liệu sẽ còn lộ thêm những luật bất thành văn nào ở Vinalines nữa đây?
Thu Nguyệt
(Theo Pháp luật thành phố)