05 sự kiện kỷ niệm lớn trong năm 2025 là gì? Các ngày lễ lớn của đất nước

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
21/09/2024 15:30 PM

Sẽ có 05 sự kiện kỷ niệm lớn trong năm 2025, trong đó có kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025); 80 năm Ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2025).

05 sự kiện kỷ niệm lớn trong năm 2025

Nội dung được đề cập tại Công văn 3837/BTTTT-TTĐN năm 2024 hướng dẫn xây dựng Kế hoạch công tác thông tin đối ngoại năm 2025 do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành.

Theo đó, triển khai các hoạt động tuyên truyền, thông tin đối ngoại các ngày lễ lớn của đất nước trong năm 2025 theo kết luận của Ban Bí thư, gồm 05 sự kiện kỷ niệm lớn:

  1. Kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Đảng (3/2/1930 - 3/2/2025);
  2. 135 năm ngày sinh của Bác Hồ kính yêu (19/5/1890 - 19/5/2025);
  3. 80 năm ngày truyền thống Công an nhân dân Việt Nam (19/8/1945 - 19/8/2025) và 20 năm Ngày hội Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (19/8/2005 - 19/8/2025);
  4. Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025);
  5. 80 năm Ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2025).

Như vậy, đây là 05 sự kiện kỷ niệm lớn trong năm 2025 (theo Hướng dẫn xây dựng Kế hoạch công tác thông tin đối ngoại năm 2025 theo Công văn 3837/BTTTT-TTĐN năm 2024).

05 sự kiện kỷ niệm lớn trong năm 2025

05 sự kiện kỷ niệm lớn trong năm 2025 (Hình từ internet)

Quy định về các ngày lễ lớn của đất nước

Theo Điều 4 Nghị định 145/2013/NĐ-CP, các ngày lễ lớn trong nước bao gồm:

Ngày Tết Nguyên đán (01 tháng Giêng Âm lịch).

Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03-02-1930).

Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10-3 Âm lịch).

Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975).

Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ (07-5-1954).

Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890).

Ngày Cách mạng Tháng Tám (19-8-1945) và Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02-9-1945).

Các hoạt động tổ chức kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

Theo Điều 8 Nghị định 145/2013/NĐ-CP, các hoạt động tổ chức kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước được hướng dẫn như sau:

(1) Năm lẻ 5, năm khác:

- Tại Hà Nội, Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nguyên Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và thành phố Hà Nội vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Đài Tưởng niệm. Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức các hoạt động này;

- Tại thành phố Hồ Chí Minh, Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh viếng các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ thành phố Hồ Chí Minh;

- Tổ chức các hoạt động tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương.

(2) Năm tròn:

- Tổ chức lễ kỷ niệm cấp quốc gia:

Tại thành phố Hồ Chí Minh, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và thành phố Hồ Chí Minh tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm;

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước (1 trong 4 chức danh: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội), nguyên Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, đại diện kiều bào và đại diện lãnh đạo Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh dự lễ kỷ niệm;

Việc mời khách nước ngoài do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định;

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đọc diễn văn kỷ niệm;

- Các hoạt động khác được tổ chức như đối với năm lẻ 5, năm khác.

Năm tròn, năm lẻ trong kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước

Tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 145/2013/NĐ-CP có giải thích về năm tròn, năm lẻ như sau:

“Năm tròn”, “năm lẻ 5”, “năm khác” là số năm kỷ niệm (lần thứ) của các sự kiện.

“Năm tròn” là năm có chữ số cuối cùng là “0”;

“Năm lẻ 5” là năm có chữ số cuối cùng là “5”;

“Năm khác” là năm có các chữ số cuối cùng còn lại.

Riêng đối với trường hợp tổ chức ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, việc xác định “năm tròn”, “năm lẻ 5” và “năm khác” được tính theo năm dương lịch.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 14,772

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]