Tranh cãi chung quanh tiêu chí phá sản

27/05/2014 08:34 AM

Đã xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều khi thảo luận luật Phá sản (sửa đổi) tại Quốc hội sáng qua 26.5.


Luật Phá sản được kỳ vọng sẽ giúp DN lành mạnh hóa tài chính, bảo vệ quyền lợi của chủ nợ - Ảnh: Ngọc Thắng

Dự thảo luật lần này chỉ quy định phá sản đối với hai loại hình gồm doanh nghiệp (DN) và hợp tác xã (HTX). Nội dung tranh luận gay gắt nhất nổ ra ở tiêu chí xác định khi nào DN lâm vào tình trạng phá sản.

Theo báo cáo tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ QH, phá sản là tình trạng của DN, HTX mất khả năng thanh toán và bị TAND ra quyết định tuyên bố phá sản. Ngoài ra, thời hạn để xác định DN không thực hiện nghĩa vụ thanh toán các khoản nợ đến hạn theo dự thảo luật là tối đa 3 tháng. Hai nội dung này được đa số ủy viên Ủy ban Thường vụ QH nhất trí, theo báo cáo của Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu tại hội trường.

Tuy nhiên, nhiều đại biểu (ĐB) cho rằng còn nhiều chỗ quy định bất cập, chưa rõ ràng. ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) nói: “Phải chăng chúng ta đã chuyển đổi triết lý về luật Phá sản và tôi e rằng nó khác với các nước. Như vậy luật này sẽ dẫn đến như một số ĐB đã cảnh báo hoặc đơn từ nộp tràn lan, tòa án sẽ bị quá tải nhưng cuối cùng tiêu chí không rõ ràng, không giải quyết được. Tôi xin đề nghị chúng ta cân nhắc xem nếu như không gấp quá thì cũng không nên thông qua luật lần này”, ĐB Nghĩa đề nghị.

ĐB Phùng Đức Tiến (Hà Nam) cũng cho rằng tiêu chí xác định DN, HTX mất khả năng thanh toán trong dự thảo còn khá chung chung, định tính, đồng thời chưa xác định khi đánh đồng tình trạng DN không thanh toán được nợ đến hạn với tình trạng DN, HTX bị mất khả năng thanh toán. Theo ĐB, thực tế hiện nay tình trạng mất cân đối dòng tiền, nợ lẫn nhau đang khá phổ biến trong các DN. Nếu áp dụng tiêu chí mất khả năng thanh toán như quy định trong dự thảo thì có đến hàng trăm ngàn DN, HTX sẽ bị yêu cầu mở thủ tục phá sản, khi đó hệ lụy đối với nền kinh tế sẽ vô cùng lớn. ĐB Tiến đề nghị: “Cần quy định tiêu chí xác định DN, HTX mất khả năng thanh toán trong dự thảo luật một cách chặt chẽ, cụ thể, chính xác hơn để đảm bảo áp dụng lâu dài”.

Tuy nhiên, ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) đề nghị các ĐB không nên quá lo lắng khi luật này ra đời sẽ bị lợi dụng đi kiện tụng, tuyên bố phá sản hay lo sợ phá sản nhiều quá. Bởi theo ông, nếu không sửa đổi theo luật này sẽ không giải quyết được thực tế là DN “chết mà không chôn được”. Luật này hoàn toàn không khuyến khích phá sản DN mà tiếp cận theo hướng làm sao giúp DN lành mạnh hóa tài chính trong kinh doanh và bảo vệ quyền lợi của các chủ nợ hợp pháp bằng thủ tục phá sản.

Sau khi giải thích cặn kẽ hơn về tiêu chí xác định dựa trên dòng tiền chứ không phải tài sản, ĐB Trần Du Lịch đề nghị: “Chúng ta đang nói về dòng tiền, chứ chưa bàn tài sản, chưa định giá. Tôi chỉ tính khả năng trả nợ, chỗ này là chỗ mấu chốt. Tôi đề nghị cân nhắc 2 điểm đó và tôi có khác ĐB Trương Trọng Nghĩa là luật này cần thông qua kỳ họp này với một vài chỉnh sửa, không thể kéo dài hơn nữa”.

Cần luật Biểu tình, nghị quyết về biển đảo, xuất nhập khẩu…

Chiều 26.5, QH thảo luận tại hội trường về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014. ĐB Lê Nam (Thanh Hóa) đề xuất, ngay trong khóa này cần phải xây dựng, cho ý kiến và thông qua dự án luật Biểu tình. Đồng quan điểm, ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) đề nghị phải đưa ngay luật Biểu tình vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh kỳ họp tới nhằm sớm có điều kiện thiết lập trật tự xã hội, thể hiện quyền công dân. “Tôi đề nghị QH lùi ngay các luật không bức xúc ra khỏi chương trình xây dựng pháp luật năm 2014, 2015 và đưa luật Biểu tình vào để người dân có chỗ, có nơi biểu lộ lòng yêu nước”, ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM) đề uất.

Ngoài ra, ĐB Đương cũng cho rằng QH cần ban hành nghị quyết về phát triển biển đảo, giữ vững ngư trường, phát triển nghề cá, bảo về ngư dân, khuyến khích doanh nghiệp đóng tàu cho ngư dân thuê, mượn hoặc cổ phần. “Đồng thời QH cần ban hành nghị quyết về xuất nhập khẩu nhằm giảm thiểu việc phụ thuộc nguyên liệu về dệt may, lương thực, nông sản; xây dựng công nghiệp bổ trợ, chế biến để nâng cao giá trị hàng nông sản, giúp người nông dân bớt khổ, bớt cảnh được mùa rớt giá và không còn chịu phụ thuộc vào ông hàng xóm to xác nhưng xấu bụng”, ông Đương nói.

Thái Sơn

Anh Vũ

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,291

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]