1.Tài chính là gì?
Tài chính là phạm trù kinh tế, phản ánh các quan hệ phân phối của cải xã hội dưới hình thức giá trị; phát sinh trong quá trình hình thành, tạo lập, phân phối các quỹ tiền tệ của các chủ thể trong nền kinh tế nhằm đạt mục tiêu của các chủ thể ở mỗi điều kiện nhất định.
2. Ngành kinh doanh tài chính theo quy định của pháp luật Việt Nam là gì?
Rất tiếc! Hiện nay chưa có quy định cụ thể khẳng định thế nào là kinh doanh tài chính.
3. Sau khi đã thành lập, doanh nghiệp (DN) có phải xin “giấy phép con” cho hoạt động kinh doanh tài chính không?
Đến thời điểm này chưa có quy định buộc doanh nghiệp DN phải xin "giấy phép con" cho hoạt động kinh doanh tài chính sau khi thành lập.
4. Nguyên lý Kinh doanh những gì pháp luật không cấm hay kinh doanh những gì pháp luật cho phép?
Kinh doanh những gì pháp luật không cấm.
5. DN có quyền góp vốn, mua cổ phần hay không?
Điều 13, Luật DN khẳng định DN có quyền góp vốn, mua cổ phần.
6. Góp vốn, mua cổ phần có phải là kinh doanh tài chính hay không?
Hiện nay chưa có quy định cụ thể về kinh doanh tài chính nên tạm thời góp vốn mua cổ phần được xem là quyền trong hoạt động của DN.
7. Hợp đồng giữa DN với cá nhân có phù hợp với pháp luật không?
Không có điều luật nào cấm DN và cá nhân ký kết hợp đồng.
8. Thế nào là hợp đồng trá hình?
Điều 129, BLDS chỉ quy định về hợp đồng giả tạo nhưng không có quy định về hợp đồng trá hình.
9. Khi nào thì phát sinh thuế thu nhập DN?
Thuế thu nhập DN chỉ phát sinh khi doanh nghiệp làm ăn có lãi.
10. Hành vi nào được xác định là trốn thuế?
Theo quy định tại Điều 108, Luật Quản lý thuế năm 2006, sửa đổi, bổ sung năm 2012 thì trốn thuế, gian lận thuế là:
1. Không nộp hồ sơ đăng ký thuế; không nộp hồ sơ khai thuế; nộp hồ sơ khai thuế sau chín mươi ngày…
2. Không ghi chép trong sổ kế toán ….
3. Không xuất hoá đơn khi bán hàng hoá, dịch vụ hoặc ghi giá trị trên hoá đơn bán hàng thấp hơn giá trị thanh toán thực tế của hàng hoá, dịch vụ đã bán…
4. Sử dụng hoá đơn, chứng từ bất hợp pháp để hạch toán hàng hoá, nguyên liệu đầu vào …
11. Thế chấp cổ phần có làm chấm dứt quyền sở hữu?
Thế chấp cổ phần làm hạn chế một số quyền của người có cổ phần thế chấp, nhưng không đồng nghĩa với việc chấm dứt quyền sở hữu.
12. Những yếu tố quyết định trong một vụ án lừa đảo là gì?
Hai yếu tố quyết định là: Thủ đoạn gian dối và chiếm đoạt tài sản của người khác, ngoài ra thì nhất thiết phải có người bị hại.
13. Tội lừa đảo có nhất thiết phải có đơn tố cáo của người bị hại?
Không nhất thiết, nhưng nếu không có đơn tố cáo của người bị hại thì cơ quan nhà nước không thể biết được để điều tra.
14. Người bị lừa không thừa nhận mình bị lừa thì có cấu thành tội “Lừa đảo không” ?
Người bị lừa không thừa nhận mình bị lừa có nghĩa là họ tự nguyện giao tài sản của mình thì làm sao có yếu tố dùng thủ đoạn gian dối ở đây.
15. Nhân dân, dân doanh có nghĩa vụ thực hiện chính sách quản lý kinh tế vĩ mô?
Chính sách quản lý kinh tế vĩ mô là những chính sách mang tính chiến lược do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền vạch ra để phát triển kinh tế theo định hướng, người dân và tổ chức kinh tế tư nhân không đủ thẩm quyền, tài lực và không có nghĩa vụ phải quản lý kinh tế vĩ mô.
16. Thiệt hại nghiêm trọng về tài sản trong DN dân doanh do chính chủ DN gây ra có được coi là tình tiết “gây thiệt hại nghiêm trọng” hay không?
Mọi sự xâm phạm có yếu tố hình sự, đều phải gắn liền với việc xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. Nếu xâm phạm quyền lợi ích của chính mình mà tội phạm thì... ca sỹ Quang Lê đã phải đi tù nhiều lần vì hành vi “Đập vỡ cây đàn” (?)
17. Nguyên đơn trong vụ án không thừa nhận mình có thiệt hại thì sẽ như thế nào?
Điều 52, BLTTHS thì “Nguyên đơn dân sự trong vụ án hình sự là cá nhân, cơ quan, tổ chức bị thiệt hại ….” Như vậy, nếu nguyên đơn không thừa nhận có thiệt hại và không có đơn yêu cầu thiệt hại thì không có căn cứ để xác định tư cách nguyên đơn trong vụ án hình sự.
18. Có thể tạm đình chỉ (dẫn đến tách vụ án) trong giai đoạn xét xử hay không?
Điều 39, Điều 117, BLTTHS không quy định về thẩm quyền tách vụ án của Tòa án
19. Bị cáo tranh luận với kiểm sát viên có đúng luật?
Điểm g, khoản 2, điều 50, BLTTHS quy định “bị cáo có quyền trình bày ý kiến, tranh luận tại phiên tòa”.
20. “Đường vòng tội lỗi” là gì?
Tra từ điển Tiếng Việt không có. Bó tay.@!
21. Có khi nào xảy ra trường hợp những hành vi đơn lẻ hợp pháp nhưng gộp những hành vi này thì lại trở thành phi pháp?
Không bao giờ!
22. Bầu kiên có tội hay vô tội?
Tôi không trả lời, quý vị tự đánh giá nhé!
Luật sư Trương Anh Tú
(Theo Dân trí)