6 chính sách mới có hiệu lực từ ngày 15/11/2024

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
12/11/2024 17:49 PM

Bài viết dưới đây sẽ cung cấp nội dung 6 chính sách mới có hiệu lực từ ngày 15/11/2024

6 chính sách mới có hiệu lực từ ngày 15/11/2024

6 chính sách mới có hiệu lực từ ngày 15/11/2024 (Hình từ internet)

6 chính sách mới có hiệu lực từ ngày 15/11/2024

Dưới đây là 6 chính sách mới có hiệu lực từ ngày 15/11/2024:

1. Bỏ quy định giám sát Cảnh sát giao thông bằng thiết bị ghi âm, ghi hình

Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư 46/2024/TT-BCA ngày 30/9/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 67/2019/TT-BCA quy định về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Theo đó, nhân dân chỉ được giám sát thông qua các hình thức sau:

- Tiếp cận thông tin công khai của lực lượng công an và trên các phương tiện thông tin đại chúng;

- Qua các chủ thể giám sát theo quy định của pháp luật;

- Tiếp xúc, giải quyết trực tiếp công việc với cán bộ, chiến sĩ;

- Kết quả giải quyết các vụ việc, đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh;

- Quan sát trực tiếp công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Trong đó, quá trình giám sát phải đảm bảo không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cán bộ, chiến sĩ khi đang thực thi nhiệm vụ; ở ngoài khu vực thực thi công vụ, đồng thời tuân thủ các quy định pháp luật khác có liên quan.

Như vậy, hình thức giám sát thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình ở thông tư trước đã được loại bỏ.

2. Quy định mới về chế độ ăn đối với phạm nhân

Ngày 30/9/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 118/2024/NĐ-CP hướng dẫn Luật Thi hành án hình sự 2019. Theo đó, quy định chế độ ăn đối với phạm nhân như sau: 

- Phạm nhân được Nhà nước đảm bảo, tiêu chuẩn định lượng mỗi tháng gồm:

+ 17 kg gạo tẻ;

+ 15 kg rau xanh;

+ 01 kg thịt lợn;

+ 01 kg cá;

+ 0,5 kg đường;

+ 0,75 lít nước mắm;

+ 0,2 lít dầu ăn;

+ 0,1 kg bột ngọt;

+ 0,5 kg muối;

+ Gia vị khác: tương đương 0,5 kg gạo tẻ;

+ Chất đốt: tương đương 17 kg củi hoặc 15 kg than.

Lương thực, thực phẩm, chất đốt bảo đảm chất lượng và có mức giá trung bình theo thời giá thị trường tại địa phương.

Chế độ ăn trong các ngày lễ, Tết của phạm nhân được thực hiện theo quy định của pháp luật và khoản 1 Điều 48 Luật Thi hành án hình sự 2019.

Phạm nhân lao động thuộc danh mục nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của pháp luật thì định lượng ăn được tăng thêm nhưng tổng mức ăn không quá 02 lần tiêu chuẩn ăn ngày thường.

Căn cứ yêu cầu bảo đảm sức khỏe của phạm nhân trong quá trình giam giữ, lao động, học tập tại nơi chấp hành án Thủ trưởng cơ sở giam giữ phạm nhân có thể quyết định hoán đổi định lượng ăn cho phù hợp với thực tế để phạm nhân có thể ăn hết tiêu chuẩn.

- Ngoài tiêu chuẩn ăn quy định nêu trên, phạm nhân được sử dụng quà, tiền của mình để ăn thêm nhưng không quá 03 lần định lượng ăn trong 01 tháng cho mỗi phạm nhân và phải thông qua hệ thống lưu ký và căng-tin phục vụ sinh hoạt cho phạm nhân của cơ sở giam giữ.

- Phạm nhân được bảo đảm ăn, uống vệ sinh, an toàn thực phẩm.

- Mỗi phân trại của cơ sở giam giữ phạm nhân được tổ chức ít nhất một bếp ăn tập thể. Định mức dụng cụ cấp dưỡng của một bếp tập thể dùng cho 100 phạm nhân gồm: 01 tủ đựng thức ăn có lưới hoặc kính che kín, 03 chảo to, 01 chảo nhỏ, 01 nồi to dùng trong 03 năm; các loại dao, thớt, chậu rửa bát, rổ, rá, bát, đũa dùng trong 01 năm và các dụng cụ, trang thiết bị cấp dưỡng cần thiết khác phục vụ việc nấu ăn và chia khẩu phần ăn cho phạm nhân.

Dụng cụ cấp dưỡng dùng cho 01 mâm ăn của 06 phạm nhân bao gồm 01 lồng bàn, 01 xoong đựng cơm, 01 xoong đựng canh dùng trong 02 năm; 02 đĩa thức ăn, 01 bát đựng nước chấm, 01 muôi múc cơm, 01 muôi múc canh dùng trong 01 năm.

Dụng cụ cấp dưỡng dùng cho 01 phạm nhân ăn riêng theo suất gồm 01 cặp lồng có 04 ngăn hoặc khay có 05 ngăn bằng nhựa chuyên dùng đựng đồ ăn cơm và 01 thìa ăn cơm bằng nhựa dùng trong 02 năm.

- Phạm nhân được sử dụng điện, nước đảm bảo yêu cầu sinh hoạt hằng ngày.

3. Luật sư xúc phạm người tiến hành tố tụng bị phạt đến 30.000.000 đồng

Chính phủ ban hành Nghị định 117/2024/NĐ-CP ngày 18/9/2024 sửa đổi Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã.

Theo đó, Nghị định 117/2024/NĐ-CP đã bổ sung thêm quy định luật sư xúc phạm người tiến hành tố tụng sẽ bị phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.

Đồng thời, luật sư xúc phạm người tiến hành tố tụng còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề luật sư hoặc giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam từ 06 tháng đến 09 tháng và tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm.

4. Nội dung đánh giá thiệt hại về môi trường do sự cố tràn dầu trên biển

Ngày 30/9/2024, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư 17/2024/TT-BTNMT quy định kỹ thuật điều tra, đánh giá, xác định thiệt hại và lập hồ sơ bồi thường thiệt hại về môi trường do sự cố tràn dầu xảy ra trong vùng biển Việt Nam.

Theo đó, nội dung đánh giá thiệt hại về môi trường do sự cố tràn dầu gây ra bao gồm:

- Xác định phạm vi, diện tích, độ sâu, thể tích khu vực môi trường bị ô nhiễm, suy thoái;

- Xác định số lượng thành phần môi trường bị suy giảm, các loại hình hệ sinh thái, các loài bị thiệt hại được quy định bên dưới;

- Xác định mức độ thiệt hại của từng thành phần môi trường, hệ sinh thái, các loài được quy định bên dưới.

Đối tượng bị thiệt hại do sự cố tràn dầu trên biển gây ra bao gồm:

- Thành phần môi trường: môi trường nước biển; môi trường trầm tích, đất ven biển;

- Hệ sinh thái bao gồm: rừng ngập mặn; hệ sinh thái rạn san hô; hệ sinh thái cỏ biển;

- Các loài động vật, thực vật phân bố tại Việt Nam bị chết thuộc danh mục: loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm; loại động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc các Phụ lục của CITES.

5. Tiêu chí phân loại đơn vị sự nghiệp công lập lĩnh vực y tế

Ngày 30/9/2024, Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư 17/2024/TT-BYT quy định tiêu chí phân loại, điều kiện thành lập, sáp nhập, hợp nhất, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực y tế.

Theo đó, việc phân loại đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực y tế từ 15/11/2024 sẽ được dựa trên các tiêu chí như sau:

- Phân loại theo chức năng, nhiệm vụ:

(i) Đơn vị sự nghiệp công lập phục vụ quản lý nhà nước gồm: nghiên cứu chiến lược, chính sách; thông tin, tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước; nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin, chuyển đổi số và các hoạt động sự nghiệp công phục vụ chức năng quản lý nhà nước thuộc lĩnh vực y tế theo quy định của pháp luật;

(ii) Đơn vị sự nghiệp công lập cung ứng dịch vụ sự nghiệp công thuộc ngành, lĩnh vực y tế quy định tại Điều 1 Thông tư 17/2024/TT-BYT;

(iii) Đơn vị sự nghiệp công lập phục vụ chức năng quản lý nhà nước và cung ứng dịch vụ sự nghiệp công là đơn vị thực hiện một hoặc nhiều chức năng, nhiệm vụ quy định tại (i) và (ii).

Việc xác định loại hình đơn vị sự nghiệp công lập nêu trên sẽ căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của đơn vị sự nghiệp công lập được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Phân loại theo mức độ tự chủ về tài chính:

+ Đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư;

+ Đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên;

+ Đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên;

+ Đơn vị sự nghiệp công lập do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên.

Việc xác định mức tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực y tế nêu trên sẽ thực hiện theo quy định tại Nghị định 60/2021/NĐ-CP và các quy định pháp luật có liên quan.

- Phân loại theo cơ quan có thẩm quyền thành lập:

+ Đơn vị sự nghiệp công lập được thành lập theo thẩm quyền của Chính phủ;

+ Đơn vị sự nghiệp công lập được thành lập theo thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Y tế;

+ Đơn vị sự nghiệp công lập được thành lập theo thẩm quyền của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

+ Đơn vị sự nghiệp công lập được thành lập bởi chủ thể khác theo quy định của pháp luật.

6. Ban hành danh mục hàng hóa, dịch vụ áp dụng mua sắm tập trung cấp quốc gia

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư 69/2024/TT-BTC ngày 01/10/2024 quy định danh mục hàng hóa, dịch vụ áp dụng mua sắm tập trung cấp quốc gia. Trong đó, danh mục hàng hóa, dịch vụ áp dụng mua sắm tập trung cấp quốc gia là xe ô tô phục vụ công tác chung của cơ quan, tổ chức, đơn vị; bao gồm:

- Xe ô tô phục vụ công tác chung 4-5 chỗ ngồi.

- Xe ô tô phục vụ công tác chung 7-9 chỗ ngồi.

- Xe ô tô phục vụ công tác chung 12-16 chỗ ngồi.

- Xe ô tô phục vụ công tác chung bán tải.

Danh mục quy định trên không áp dụng đối với xe ô tô phục vụ công tác chung là:

- Xe ô tô phục vụ công tác chung của cơ quan Việt Nam ở nước ngoài.

- Xe ô tô 2 cầu có công suất lớn theo quy định tại khoản 2 Điều 15 Nghị định 72/2023/NĐ-CP.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 6,790

Bài viết về

Chính sách mới nổi bật có hiệu lực năm 2024

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]