GS.TS Đào Trọng Thi |
GS.TS Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội: Thực tế đã chỉ còn một kỳ thi quốc gia từ năm 2014
Thực tế từ năm 2014 chỉ còn 1 kỳ thi quốc gia là kỳ thi tốt nghiệp THPT, vì kết quả kỳ thi ba chung để tuyển sinh ĐH, CĐ không còn bắt buộc tất cả các trường phải sử dụng kết quả để tuyển sinh mà đã có hàng chục trường tuyển sinh riêng theo phương án mà Bộ GD-ĐT phê duyệt.
Theo tôi khi nói về kỳ thi quốc gia này cần hiểu là nó mang tính bắt buộc đối với xét tốt nghiệp THPT, và kết quả của nó là một căn cứ để các trường ĐH, CĐ sử dụng trong tuyển sinh. Vì vậy, một trong những điều đáng lo nhất là tính nghiêm túc, chính xác, chặt chẽ trong việc tổ chức kỳ thi, coi thi, chấm thi, nhất là khi kỳ thi này dự kiến tổ chức tại các địa phương.
Phương án sử dụng bài thi tổng hợp, hướng đến tích hợp sẽ phù hợp với mục tiêu đổi mới của giáo dục trong thời gian tới là “học gì thi nấy” chứ không phải là “thi gì học nấy” như hiện nay. Tuy nhiên, phương án thiết kế đề thi cho một bài thi tổng hợp nhiều môn cũng sẽ đòi hỏi những yêu cầu cao hơn so với đề thì tốt nghiệp năm nay.
Tuy nhiên, tôi cũng xin nhấn mạnh dù chúng ta tổ chức kỳ thi này tốt nhất có thể thì kết quả của nó cũng chỉ nên là một trong những căn cứ để các trường xét truyển, hay sơ tuyển trước khi có những bài thi xét tuyển chuyên biệt để lựa chọn người học phù hợp cho từng chuyên ngành. Ví dụ, ở Mỹ người ta kiểm tra năng lực chung và năng lực chuyên biệt. Trong đó, năng lực ngôn ngữ, năng lực toán học về tư duy logic, năng lực khoa học tự nhiên, xã hội là năng lực chung... còn năng lực chuyên biệt khi muốn thêm năng lực chuyên biệt riêng về toán, lý, hóa hay ngữ văn...
Ngoài ra tôi cũng lưu ý, việc đổi mới, tổ chức một kỳ thi quốc gia cần phải được tính toán, cân nhắc, xem xét kỹ trong lộ trình đổi mới căn bản toàn diện về giáo dục và đào tạo từ sách giáo khoa, chương trình, giản dạy, thi cử để đánh giá đúng năng lực học sinh.
TS. Lê Trường Tùng |
TS. Lê Trường Tùng, Đại học FPT: Đổi mới vào lúc này không có gì là quá vội
Theo tôi, điều cần nói bây giờ không phải bàn về quan điểm có nên tổ chức một kỳ thi quốc gia duy nhất hay không mà là thực hiện như thế nào.
Về mặt nguyên tắc, ngành Giáo dục đã có sự chuẩn bị từ trước cho việc đổi mới cách ra đề, cách chấm thi. Đó là định hướng ra đề mở, đáp án chấm mở đã triển khai từ 1-2 năm trước. Và ngay trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay cũng như kỳ thi ĐH, CĐ chúng ta đã nhận được sự đồng tình của dư luận xã hội, giáo viên cũng như học sinh.
Ngay việc thi tốt nghiệp THPT, việc cho phép các em lựa chọn một số môn thi trong các môn học năm nay cũng đã áp dụng, như vậy việc đổi mới thi tốt nghiệp theo phương án mới thực chất đã áp dụng. Quyết định đổi mới cách thức thi tốt nghiệp ngay trong năm nay ban hành cũng rất muộn (ngay năm nay mới quyết định, tháng 6 thi luôn) mà thực tế triển khai cho thấy cũng không sao cả. Như vậy điều này cho thấy đổi mới cách thức thi tốt nghiệp thực ra cũng không phải là gì quá ghê gớm đáng sợ và quá khó thực hiện.
Trên thực tế, năm nay đã có một số thay đổi cho xét tuyển, thi tuyển vào một số trường đại học tuyển sinh riêng, mà học sinh những trường này không phải thi đại học, thay vào đó những trường này tổ chức tuyển, sơ khảo dựa trên kết quả học tập phổ thông và điểm thi tốt nghệp.
Điều này có nghĩa là thực tế đã thay đổi rồi. Nó không còn là cái mới nữa. Các trường được đăng ký đề án tự chủ tuyển sinh, với khoảng 50-60 đề án được duyệt, mà bản chất của các đề án này là xét tuyển đại học dựa trên kết quả thi tốt nghiệp và học tập ở phổ thông. Ví dụ, điểm trung bình một số môn hoặc tất cả các môn ở bậc THPT phải trên 6.0 mới được thi ĐH, hoặc xét ĐH. Thực ra đó chính là quan điểm dựa vào kỳ thi phổ thông mà các trường có thể sử dụng kết quả ấy hoặc coi đó là một phần để tuyển sinh kết hợp cùng các yếu tố khác như phỏng vấn, thi năng khiếu…
Điều xã hội lo ngại nhất không phải là vấn đề kỹ thuật ra đề thế nào, chọn môn thế nào mà vấn đề ở chỗ làm thế nào đảm bảo tính nghiêm túc của việc coi thi và chấm thi.
Và hơn thế nữa, theo tôi đây là cơ hội hiếm có cho những người làm công tác quản lý giáo dục trong nhiệm kỳ này, giả sử nếu không đồng thuận được phải lùi lại vài năm sau để cho hết nhiệm kỳ của mình mới làm thì chính những cán bộ của nhiệm kỳ này đã bỏ lỡ một cơ hội rất lớn để thay đổi. Đó là cơ hội cách thi, cách dạy, cách học. Những cải cách sau này sẽ dựa trên những thay đổi này.
Qua trao đổi với các địa phương, giáo viên, học sinh (những người sẽ trực tiếp tham gia vào kỳ thi quốc gia năm 2015), Báo Điện tử Chính phủ sẽ tiếp tục ghi nhận, phản ánh các băn khoăn về phương án cụ thể trong cách tổ chức kỳ thi; kết cấu, cách ra đề thi, công tác giám sát, coi thi, chấm thi; mức điểm đạt tốt nghiệp; việc sử dụng điểm tốt nghiệp để xét tuyển vào đại học, cao đẳng...
Nguyệt Hà ghi
Theo Báo điện tử Chính phủ