Lo lắng trước việc nhập khẩu máy móc, trang thiết bị cũ sẽ biến Việt Nam thành bãi rác của thế giới, Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) đã ban hành Thông tư 20 quy định về việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng (TT20). Tuy chưa có hiệu lực nhưng quy định này đã gặp phải sự phản đối khá gay gắt từ phía cộng đồng doanh nghiệp (DN) máy móc, thiết bị xây dựng, nông nghiệp.
Tại buổi gặp gỡ báo chí cùng với các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan (Bộ KHCN, Cục Đăng kiểm Việt Nam) diễn ra ngày 15-8, hầu hết ý kiến đều cho rằng các quy định này vừa không khả thi vừa gây khó cho DN và chồng lấn với các quy định hiện hành của Bộ GTVT.
Thiếu thực tế và không khả thi
Ông Nguyễn Vũ Hải, Phó Cục trưởng Cục Đăng Kiểm Việt Nam, cho rằng TT20 quy định các máy móc cũ nhập khẩu với điều kiện chất lượng phải còn từ 80% trở lên so với ban đầu là rất khó thực hiện. “Bằng cách nào để xác định máy móc còn chất lượng bao nhiêu phần trăm? Chúng tôi làm trong ngành kiểm định chất lượng khá lâu nhưng chưa bao giờ xác định được máy móc còn bao nhiêu phần trăm. Vì vậy muốn thực hiện TT20 thì cần có hướng dẫn chi tiết về cách đánh giá chất lượng cụ thể như thế nào” - ông Hải băn khoăn.
Các DN cho rằng máy cũ của Nhật và các nước châu Âu vẫn tốt hơn máy mới do Trung Quốc sản xuất. Ảnh minh họa: HTD
GS-TS Nguyễn Mại, nguyên Thứ trưởng Bộ KH&ĐT, cũng thắc mắc: “Làm thế nào để biết được máy móc đó còn chất lượng 80% vì không ai có thể tháo hết máy móc ra để giám định chất lượng được. Lo lắng của Nhà nước là làm sao không biến Việt Nam thành bãi rác thải của thế giới nhưng thước đo khoa học công nghệ của ta hiện rất mơ hồ”.
Ngoài ra, TT20 còn đưa ra điều kiện các máy móc cũ nhập khẩu phải có thời gian sử dụng không quá 3-7 năm tùy từng loại. Quy định này cũng bị các DN cho là vô lý.
Ông Doãn Quý Huỳnh, Giám đốc Công ty TNHH Máy xây dựng Kim Long, cho biết hầu hết máy móc cũ được các DN nhập về là máy từ Nhật và một số nước châu Âu nên nói là cũ nhưng chất lượng sử dụng có khi hơn hẳn máy mới mua từ Trung Quốc. “Nếu quy định niên hạn sử dụng 3-7 năm thì đời máy cũ được nhập phải rơi vào những năm 2005, 2007 trở lại đây. Trong khi những đời máy trước đó, thậm chí máy đời năm 2000 vẫn nhiều máy tốt và giá tương đối cao chứ không hẳn thấp. Chẳng hạn như máy cẩu KH1000 đời 2000 giá đã chục tỉ đồng nhưng sử dụng vẫn rất tốt và bền. Nếu thực hiện theo TT20 thì máy này không được nhập, DN phải mua máy mới hơn với giá cao hơn nhiều lần thì làm sao DN kham nổi” - ông Huỳnh than.
Doanh nghiệp lo lắng
Theo ông Nguyễn Văn Thọ, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Hạnh, thực hiện TT20 trước mắt là ảnh hưởng đến các DN nhập khẩu máy móc, sau đó sẽ ảnh hưởng lan tỏa đến các DN thi công, xây dựng tiêu thụ máy móc này. Còn ông Doãn Quý Huỳnh thì lo lắng: “Nếu tháng 9 TT20 có hiệu lực thì công ty của tôi chỉ biết bán hết hàng đã nhập rồi nghỉ chứ làm sao hoạt động được”.
Nhiều DN cho rằng nếu thực hiện theo TT20 thì thị trường máy cũ từ các nước tiên tiến như Nhật, châu Âu sẽ chết dần và mở cửa cho thị trường máy mới giá rẻ tại Trung Quốc. Xét về chất lượng sử dụng, các DN cho rằng máy cũ của các nước Nhật và châu Âu vẫn tốt hơn máy mới do Trung Quốc sản xuất.
Ông Đào Phan Long, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cơ khí Việt Nam, chia sẻ: “Đồng ý việc hạn chế nhập máy cũ càng nhiều càng tốt nhưng năng lực của chúng ta chưa đủ để nhập máy móc mới, công nghệ cao, chất lượng tốt. Vậy thì thà nhập máy cũ nhưng vẫn còn tốt còn hơn nhập máy mới mà chất lượng kém”.
“Đừng vì một cây xấu mà đốt cả rừng cây”
Giải thích về lý do ban hành TT20, bà Trần Tuyết Nhung, Phó Vụ trưởng Vụ Đánh giá Thẩm định và Giám định công nghệ, Bộ KHCN, lý giải: “Bên cạnh những DN làm ăn nghiêm túc thì cũng có những DN làm ăn không ra gì, sang nước ngoài thấy một bãi máy móc bỏ đi họ nhập về, tân trang lại để bán. TT20 ra đời nhằm điều chỉnh hoạt động nhập máy móc cũ trong toàn xã hội”.
Song lý do này đã không thuyết phục được cộng đồng DN.
Ông Nguyễn Văn Thọ, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Hạnh, cho rằng chỉ vì một vài trường hợp tiêu cực mà đưa ra quy định để ngăn chặn cả cộng đồng DN thì đó là một quan điểm hết sức sai lầm. “Trong một rừng cây có một vài cây xấu sâu bệnh, nếu đem chặt, đốt hết cả rừng cây thì sẽ phá hủy luôn những cây tốt. Quản lý nhà nước không thể vì một vài hiện tượng xấu của số ít DN mà đưa ra quy định chung để ngăn chặn cho tất cả DN, ngăn chặn cả nền kinh tế như thế được. Bất cứ lĩnh vực nào cũng có tiêu cực cho nên không thể lấy một vài biểu hiện tiêu cực rồi đánh đồng để hoạch định chính sách” - ông Thọ bức xúc nói.
Thu Hằng
Theo Pháp luật TP
Chồng chéo với Bộ GTVT TT20 được ban hành dựa vào Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Nghị định 132/2008 hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của luật này. Tuy nhiên, cũng theo luật và quy định này thì Bộ GTVT mới là cơ quan chịu trách nhiệm về vấn đề kiểm định chất lượng của máy móc, thiết bị cũ nhập khẩu và Bộ GTVT cũng đã ban hành TT63 quy định cụ thể vấn đề kiểm định chất lượng hàng hóa. Vì vậy việc Bộ KHCN ban hành thêm TT20 sẽ chồng chéo và có những điểm khác biệt tạo khó khăn cho DN. Khi soạn thảo TT20 bộ KHCN có gửi dự thảo cho Bộ GTVT tham vấn ý kiến và chúng tôi đã góp ý những nội dung này. Tuy nhiên, những ý kiến góp ý của chúng tôi hoàn toàn không được tiếp thu. Ông NGUYỄN VŨ HẢI, Cục phó Cục
Đăng kiểm Việt Nam DN thiệt hại ai chịu trách nhiệm? DN chúng tôi không được tham vấn ý kiến để xây dựng TT20. Nếu các chính sách được xây dựng mà không có sự tham vấn trực tiếp của những người bị tác động như DN chúng tôi hay các cơ quan liên quan như Cục Đăng kiểm rồi cứ ban hành sẽ gây khó cho DN, gây ách tắc nền kinh tế thì ai là người chịu trách nhiệm? Bộ KHCN không thể duy ý chí mà phải căn cứ vào thực tế. Với quy định như TT20, Bộ KHCN đưa ra vấn đề này giống như muốn một bước từ tầng một lên tầng ba mà không có cầu thang để lên. Ông NGUYỄN VĂN THỌ, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Hạnh |