Tùy tiện với vốnngân sách
Những số liệu giật mình được Kiểm toán Nhà nước công bố mới đây về sử dụng ngân sách ở các địa phương, cho thấy tình trạng lỏng lẻo, tùy tiện. Đây là một trong những nguyên nhân khiến gánh nặng nợ cho doanh nghiệp và chính quyền địa phương gia tăng.
Theo kết quả kiểm toán năm 2013 tại nhiều địa phương, sự tùy tiện trong chi, sử dụng sai ngân sách, bố trí vốn bất cập diễn ra khá phổ biến. Dù Chính phủ đã nhiều lần khẳng định, ngân sách eo hẹp, chỉ ưu tiên bố trí vốn cho các công trình cấp bách.
Tuy nhiên, tình trạng “trên bảo, dưới không nghe” trong bố trí vốn cho các dự án khởi công mới (không thuộc diện cấp bách) vẫn diễn ra. Trong đó, riêng Quảng Bình có tới 19 dự án. Tại Sơn La, chính quyền địa phương cấp vốn cho 6 dự án không thuộc diện cấp bách. Tỉnh nghèo Phú Thọ, lãnh đạo địa phương đã duyệt chi tiền từ ngân sách cho tổng cộng 13 dự án không thuộc diện ưu tiên.
Tại một số địa phương khác, nhiều dự án thuộc diện chưa có quyết định đầu tư, chưa đủ điều kiện bố trí vốn vẫn được giải ngân, như: Gia Lai chi tới 37 tỷ đồng cho 93 dự án, Đắk Lắk chi 11,9 tỷ đồng cho 15 dự án). Thậm chí, không ít địa phương còn chi sai nội dung nguồn kinh phí.
Điển hình như TP Đà Nẵng dùng nguồn cải cách tiền lương 400 tỷ đồng để bố trí vốn cho 9 dự án và dùng vốn ngân sách cho 4 dự án của các doanh nghiệp không thuộc nhiệm vụ chi (của ngân sách thành phố) với số tiền lên tới 13,5 tỷ đồng.
Điều đáng nói, có công trình do Hội Bảo trợ Phụ nữ và Trẻ em nghèo bất hạnh thành phố Đà Nẵng làm chủ đầu tư. Đây là một tổ chức tự nguyện hoạt động theo nguyên tắc tự đảm bảo kinh phí, không phải tổ chức thuộc nhà nước.
Thành phố Hà Nội cũng có mặt trong danh sách trên với đầu mục chi thực hiện hạ ngầm cáp điện các tuyến phố 425,3 tỷ đồng (ngân sách thành phố chi 262,9 tỷ đồng; ngân sách quận Hoàn Kiếm chi 162,3 tỷ đồng) trong khi nhiệm vụ này thuộc các doanh nghiệp. Còn thành phố Cần Thơ lại sử dụng 72,39 tỷ đồng nguồn thu tiền sử dụng đất để đầu tư xây dựng các công trình thuộc lĩnh vực an ninh quốc phòng, phát thanh truyền hình, Nhà khách Thành ủy Cần Thơ.
Tình trạng “rối” trong sử dụng ngân sách cũng thể hiện rõ qua việc nhiều địa phương, bộ ngành không tuân thủ thứ tự ưu tiên trong chi ngân sách. Như trường hợp TP Đà Nẵng, dù nợ khối lượng hoàn thành năm 2011 của 21 dự án (số tiền 129,79 tỷ đồng), nhưng do bố trí kế hoạch vốn đầu năm không đảm bảo phải điều chỉnh, bổ sung nhiều lần.
Theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước, Đà Nẵng chưa ưu tiên bố trí vốn cho 42 dự án trọng điểm, nhưng lại bố trí kế hoạch vốn đầu năm cho 14 dự án khác cao hơn so với nhu cầu thực tế. Việc bố trí tùy tiện này dẫn đến trong năm, Đà Nẵng phải điều chỉnh giảm 93% vốn của các dự án trên (từ 331 tỷ đồng xuống còn 23,14 tỷ đồng).
Tình trạng chính quyền nợ “dây dưa” tiền xây dựng cơ bản đã hoàn thành (dù có tiền) khiến doanh nhiệp liêu xiêu cũng được chỉ rõ. Như tỉnh Đắk Lắk chỉ bố trí trả nợ 424,7 tỷ đồng trên tổng số 2.640,6 tỷ đồng nợ xây dựng cơ bản.
Thái Bình chỉ thu xếp 102,1 tỷ đồng trên tổng số 1.695,404 tỷ đồng nợ xây dựng cơ bản; trong khi Ninh Bình chỉ thanh toán 40,8 tỷ đồng trên tổng số 172,6 tỷ đồng nợ. Hàng loạt địa phương khác bị chỉ đích danh trong việc nợ dây dưa tiền xây dựng cơ bản phải kể đến như Ninh Thuận, Đồng Tháp, Hà Tĩnh, Phú Thọ, Lâm Đồng, Hòa Bình, Tiền Giang, Lạng Sơn, Quảng Bình và Tuyên Quang.
Tình trạng bố trí vốn không sát thực tế cũng được ghi nhận tại nhiều địa phương. Tỉnh Hòa Bình được “điểm mặt” với việc bố trí trùng vốn Ngân sách Nhà nước cho hai dự án đã được dùng vốn trái phiếu Chính phủ trước đó (dự án nạo vét, gia cố chỉnh trị sông Bôi 5 tỷ đồng; dự án sửa chữa, nâng cấp hồ Khả, huyện Lạc Sơn 6,5 tỷ đồng).
Trong khi các địa phương khác thiếu vốn, tỉnh Lạng Sơn lại bố trí vốn thừa cho dự án đã quyết toán. Điển hình như dự án công viên bờ sông Kỳ Cùng - giai đoạn I là 3,875 tỷ đồng, trong khi tỉnh Bắc Ninh bố trí vốn cho dự án không còn nhu cầu (xây dựng trạm bơm Yên Hậu; cải tạo, nâng cấp trạm bơm Vũ Ninh).
Thua lỗ, nhà nước phải gánh thay
Liên quan đến việc quản lý ngân sách và nợ công, Cục trưởng Quản lý nợ và Tài chính Đối ngoại (Bộ Tài chính), ông Nguyễn Thành Đô khẳng định: Các địa phương phải chịu trách nhiệm hiệu quả vốn vay. Tính đến hết năm 2013 tổng số cam kết bảo lãnh của Chính phủ tương đương 16,15 tỷ USD, trong đó dư nợ đang được bảo lãnh là 8,9 tỷ USD.
Thực tế, nhiều dự án do các tập đoàn, tổng công ty và địa phương đầu tư thu lỗ khiến T.Ư phải đứng ra trả nợ thay. Các dự án này chủ yếu liên quan đến các doanh nghiệp ngành xây dựng, như xi măng Đồng Bành, xi măng Hạ Long, xi măng Sông Thao, xi măng Thái Nguyên.
Theo ông Đô, để sử dụng vốn vay hiệu quả, Thủ tướng đã giao Bộ Tài chính xây dựng cơ chế nhằm tăng cường trách nhiệm của chính quyền địa phương với dự án đầu tư công. Chính phủ sẽ cho chính quyền địa phương vay lại vốn vay từ nước ngoài chứ không cho doanh nghiệp vay lại trực tiếp như trước đây (Sau đó, chính quyền sẽ cho doanh nghiệp vay để thực hiện các dự án ở địa phương).
Trường hợp doanh nghiệp không trả được nợ, chính quyền địa phương phải lấy ngân sách ra trả thay. Điều đó nhằm tăng cường trách nhiệm quản lý, giám sát hiệu quả đầu tư công của các địa phương.
Phạm Tuyên
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký ban hành Chỉ thị về lập kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020. Trong đó, lưu ý các bộ ngành, địa phương không bố trí vốn cho chương trình, dự án không thuộc lĩnh vực đầu tư công. Phấn đấu thanh toán cơ bản các khoản nợ đọng xây dựng cơ bản đến hết ngày 31/12/2014. Từ năm 2015, nếu để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản, bộ ngành và địa phương sẽ bị xử lý vi phạm theo các quy định của Luật Đầu tư công. |