Giảng đường Trường ĐH tư thục Hải Phòng |
Hôm qua - 30/9, Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tiếp tục cho ý kiến vào dự án Luật giáo dục đại học (GDĐH) và Luật phòng chống tác hại của thuốc lá.
Được cấp kinh phí nếu Nhà nước “đặt hàng”
Khoản 3 Điều 10 Dự thảo Luật GD ĐH trình UBTVQH quy định: “…khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học tư thục và cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động không vì mục đích lợi nhuận; cấp kinh phí đối với cơ sở giáo dục đại học tư thục khi thực hiện nhiệm vụ do Nhà nước đặt hàng; ưu tiên thành lập cơ sở giáo dục đại học tư thục có vốn đầu tư lớn, bảo đảm đầy đủ các điều kiện thành lập theo quy định…”
Tuy nhiên, thẩm tra dự án này, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội “phê” quy định chỉ nhắc lại quan điểm, chính sách xã hội hóa GDĐH mà chưa thể chế hóa thành các quy định cụ thể, khả thi. Cũng theo Ủy ban này, cần quy định rõ tiêu chí về cơ sở giáo dục “phi lợi nhuận” và cơ sở giáo dục “có lợi nhuận hợp lý” để tránh khuynh hướng thương mại hóa giáo dục.
Đồng tình với báo cáo thẩm tra nhưng Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng lại lưu ý “cần phải có những quy định thu hút đầu tư phát triển cơ sở GDĐH và nâng cao chất lượng GDĐH”. Còn chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Mai lại nêu lên nghịch lý “Đầu vào thì khó, đầu ra lại dễ”. Và kết quả là “sản phẩm” của GD ĐH chưa đáp ứng được nhu cầu xã hội. Theo bà Mai, cần phải sửa đổi các quy định về giảng viên, cơ sở vật chất, về điều kiện lập trường..
Đồng tình với việc đẩy mạnh xã hội hóa, nhiều ý kiến Ủy viên Ủy ban thường vụ QH cho rằng cần phải bảo đảm công bằng xã hội trong GDĐH. Ngân sách Nhà nước không phân phối theo kiểu bình quân, cào bằng mà tập trung ưu tiên cho các cấp giáo dục phổ cập và giáo dục đại trà, cho đào tạo nhân tài và các ngành học theo nhu cầu của Nhà nước (sư phạm, văn hóa truyền thống, khoa học cơ bản,…), cho giáo dục ở miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa cũng như hỗ trợ cho các đối tượng chính sách, gia đình nghèo.
Không đồng tình lập Quỹ phòng chống tác hại của thuốc lá
Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá được đưa ra thảo luận tại UBTVQH hôm qua gồm 5 Chương và 30 Điều. Đáng chú ý là các quy định về các hành vi bị nghiêm cấm. Cụ thể, cấm hút thuốc lá hoàn toàn tại cơ sở y tế, cơ sở giáo dục; cấm người chưa đủ 18 tuổi sử dụng thuốc lá; bán thuốc lá; thuê hoặc sử dụng người chưa đủ 18 tuổi bán thuốc lá.
Nhiều Ủy viên Ủy ban thường vụ QH cho rằng các quy định nói trên rất “đẹp”, có tính nhân văn cao nhưng liệu có khả thi khi không hề có biện pháp nào kiểm soát thực tế vốn rất phổ biến này. Bên cạnh đó, là các quy định về cấm sản xuất, tàng trữ, mua bán, quảng cáo, khuyến mại, tiếp thị thuốc lá dưới mọi hình thức….cũng bị cho là “thiếu tính thực tế”.
Một trong những nội dung cũng chưa nhận được sự đồng tình của nhiều Ủy viên Ủy ban thường vụ QH là quy định về thành lập quỹ và khoản đóng góp bắt buộc để tạo nguồn cho quỹ phòng chống tác hại thuốc lá. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng việc này sẽ khiến cho ngân sách bị chia cắt. “Nếu cần thì tăng thuế tiêu thụ đặc biệt chứ không nên lập quỹ”, ông Hiển nói.
Nhiều Ủy viên UBTVQH khác cũng tỏ rõ sự băn khoăn nguồn quỹ lấy từ ngân sách hay từ khoản đóng góp bắt buộc của người sử dụng thuốc lá. Xuất phát từ thực tế hiện nay, có rất nhiều loại quỹ và việc sử dụng, quản lý quỹ còn nhiều vấn đề phải bàn, do đó đề nghị không lập quỹ này.
Giảng viên ĐH: Cần có bằng thạc sĩ? Theo dự thảo Luật GDĐH, giảng viên ĐH phải là người có bằng tốt nghiệp ĐH trở lên. Tuy nhiên, Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đề nghị quy định trình độ chuẩn của giảng viên giảng dạy trình độ đại học phải có bằng thạc sĩ trở lên. Đối với những cơ sở GDĐH mới thành lập hoặc ở địa bàn khó khăn thì có thể cho phép tạm tuyển dụng một tỷ lệ nhất định người có trình độ tương đương trình độ đào tạo làm giảng viên với điều kiện sau một thời gian nhất định phải đạt được trình độ chuẩn. |
Thu Hằng