Nới hạn mức cho vay không cần tài sản bảo đảm
Cụ thể, đối tượng tham gia được mở rộng như các hợp tác xã, tổ hợp tác chỉ cần tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh là có thể được cấp tín dụng mà không cần ngay tại địa bàn nông thôn. Đồng thời, các doanh nghiệp cung ứng đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, sản xuất, chế biến các phụ phẩm nông nghiệp cũng nằm trong đối tượng thụ hưởng chính sách.
Về cơ chế bảo đảm tiền vay không có tài sản bảo đảm, dự thảo nghị định mới quy định các cá nhân, hộ gia đình cư trú tại nông thôn được vay tối đa 100 triệu đồng thay vì chỉ 50 triệu như nghị định năm 2010. Hộ kinh doanh được vay tối đa 300 triệu, tăng so với mức 200 triệu. Ngoài ra, trong dự thảo nghị định cũng quy định đối với hộ nuôi trồng thủy, hải sản hay khai thác xa bờ có ký hợp đồng với cơ sở và xuất khẩu trực tiếp thì được cho vay tối đa 500 triệu đồng.
Riêng hợp tác xã, chủ trang trại được vay tối đa 1 tỷ đồng so với mức quy định trước kia là 500 triệu đồng. Trong dự thảo nghị định còn bổ sung về hợp tác xã nuôi trồng hay khai thác xa bờ hay cung cấp dịch vụ phục vụ khai thác xa bờ thì được cho vay 2 tỷ đồng.
Nếu như trong Nghị định 2010 không có quy định về liên hiệp hợp tác xã thì trong dự thảo nghị định mới này có đưa ra cơ chế vốn cho vay của loại hình này lên đến 3 tỷ đồng nếu hoạt động nuôi trồng thủy sản hay khai thác hải sản xa bờ, cung cấp dịch vụ phục vụ khai thác hải sản xa bờ.
Như vậy, hạn mức tín dụng lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn với các khoản vay không có tài sản bảo đảm đã tăng trong dự thảo nghị định, nâng mức vay tối đa lên đến 3 tỷ đồng.
Ưu tiên tín dụng cho sản xuất theo mô hình liên kết
Ngoài ra, dự thảo nghị định cũng đã đề cập về việc ưu tiên cấp tín dụng cho các loại hình nông nghiệp, nông thôn hiện đại hơn theo mô hình liên kết với nhau hay ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, đánh bắt, nuôi trồng... như được cấp tín dụng tối đa 70% giá trị hợp đồng chuyển giao công nghệ, hay dự án liên kết và 80% giá trị dự án sử dụng thiết bị công nghệ cao, mặt khác các loại hình này được ưu tiên xem xét lại thời hạn trả nợ, đồng thời vẫn có thể cho vay nợ mới nếu nằm trong quy định của nghị định.
Ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng, việc đưa ra gói tín dụng cho tam nông là hướng đi đúng. Cơ chế cho vay theo chuỗi sản xuất có thể đáp ứng được yêu cầu vay vốn, đáp ứng được cả nhu cầu thu hồi vốn của ngân hàng. Kiểu cho vay nhỏ lẻ, rải rác theo từng khâu chế biến, xuất khẩu… sẽ không còn nữa. Nếu triển khai theo hướng này thì người nông dân sẽ không còn phải chịu cảnh bán lúa non, bán lúa giá thấp. Bên cạnh đó, cán bộ ngân hàng cũng không phải sợ mất vốn do rủi ro thời vụ nữa.
NHNN cho biết, tới đây sẽ tiếp tục triển khai một loạt các giải pháp cụ thể như: xây dựng thí điểm chính sách cho vay vốn nông nghiệp, nông thôn theo hướng tạo điều kiện cho các mô hình sản xuất lớn, tăng cường tính liên kết và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất phát triển. Bên cạnh đó, tiếp tục nghiên cứu các chính sách tín dụng đặc thù với một số sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh, đồng thời khuyến khích người dân ứng dụng công nghệ cao, thực hiện cơ giới hóa trong nông nghiệp để nâng cao năng lực sản xuất các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
Ngọc Quang