Cách nay vài năm, khi mới ngồi vào ghế nóng "Tư lệnh" ngành GTVT, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã có những quyết định gây ồn ào dư luận, những phát ngôn lẫn quyết định "chẳng giống ai" như chuyện yêu cầu một số đối tượng cán bộ, công, viên chức ngành giao thông không chơi golf; yêu cầu cán bộ, công nhân viên ngành GTVT đi xe buýt ít nhất một lần mỗi tuần.
Bộ trưởng Đinh La Thăng bên hành lang QH. Ảnh: Minh Thăng
Trong một thời gian, Bộ trưởng liên tiếp có những vụ "trảm tướng", trảm chủ đầu tư làm ăn chậm chạp, không hoàn thành dự án đúng tiến độ và đe dọa sẽ thẳng tay với cả các nhà thầu làm ăn gian dối.
Lần trảm tướng mạnh mẽ nhất khiến dư luận chú ý nhất là vụ thay tổng chỉ huy công trình tại sân bay Đà Nẵng, rồi vụ đình chỉ chức vụ Cục trưởng Đường sắt vì phát ngôn thiếu trách nhiệm liên quan đến dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông.
Có thể không quá lời khi nói rằng ông là Bộ trưởng mạnh tay nhất đối với thuộc cấp từ trước tới nay không chỉ tính riêng ở ngành GTVT. Và dường như sự quyết liệt của vị Tư lệnh ngành đã có tác động mạnh đến thuộc cấp. Hai ông tổng giám đốc của 2 tổng công ty lớn còn dám mang cả chức vụ ra để "thế chấp" với Bộ trưởng Thăng: Nếu công trình chậm tiến độ, họ sẽ xin từ chức!
Chuyển biến thấy rõ khi năm 2012 đã được đánh giá là năm "đột biến" các công trình cán đích đúng hoặc vượt tiến độ như đường vành đai 3 giai đoạn 2 ở Hà Nội, đường cao tốc Giẽ - Ninh Bình, cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải (gói thầu số 1), cầu Bến Thủy II, cảng hàng không Phú Quốc...
Ngoài ra, ngành giao thông cũng đã từng bước khắc phục tình trạng chậm tiến độ các dự án: Đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, cao tốc Nội Bài - Lào Cai, dự án mở rộng Quốc lộ 51... Còn nhớ lúc đó, có bài báo giật tít: Bộ trưởng Thăng "trảm tướng", dự án chạy băng băng. Nghe rất "bốc" nhưng cũng cũng khiến không ít người nghi ngờ.
Không chỉ trong "đối nội", Bộ trưởng Thăng cũng không nề né tránh khi nhấn mạnh, xã hội đen dẫn đường cho xe quá tải, móc nối làm luật, bảo kê và môi giới dẫn xe quá tải tránh trạm cân; trong khi đó một bộ phận lực lượng CSGT và TTGT làm nhiệm vụ kiểm soát tải trọng tiếp tay, móc nối tạo ra tiêu cực. Sau đó, với sự chỉ đạo quyết liệt của ông, nạn xe quá tải cày nát đường đang dần được hạn chế.
Tác phong xử lý công việc "nhanh như điện" của Bộ trưởng Thăng trong vụ sập cầu treo hay chuyện chỉ đạo chấn chỉnh công tác an toàn hàng không dân dụng, nâng cao dịch vụ, chất lượng, thái độ phục vụ của ngành đường sắt...đã dần chứng minh bản tính quyết liệt, tinh thần trách nhiệm, dám làm, dám chịu của vị Tư lệnh ngành.
Và quyết định cho thi tuyển các chức danh vụ trưởng, tổng cục trưởng và nghe đâu sắp tới cả Chủ tịch Hội đồng thành viên của Tổng công ty Quản lý bay có thể coi là bước đột phá lớn nhất. Từ xưa tới nay, chuyện bổ nhiệm, bố trí nhân sự luôn được coi là đề tài "nhạy cảm", "tế nhị", là "ơn huệ" trong các cơ quan nhà nước, thậm chí có vị còn tranh thủ "ghi bàn" ào ào vào phút 89 khiến dư luận ngao ngán.
Trong bối cảnh nạn "mua quan, bán chức", gây bức xúc trong xã hội thì quyết định thi tuyển chức danh lãnh đạo của Bộ GTVT là rất đáng khen ngợi và thể hiện cái tâm, cái tầm của người đứng đầu với mong muốn xây dựng một đội ngũ cán bộ thực tài để đảm đương nhiệm vụ.
Mới đây nhất, liên quan đến tai nạn chết người ở đường sắt trên cao Hà Nội - Cát Linh, ông khẳng định Tổng thầu là người chịu trách nhiệm chính và không ngần ngại: "Tôi đã gọi trực tiếp cho Chủ tịch Cienco1 Phạm Dũng yêu cầu kiểm điểm và ông Dũng phải chịu trách nhiệm kỷ luật. Sáng hôm qua biết thông tin tôi gọi ngay ông Dũng có mặt tại hiện trường để phối hợp với cơ quan điều tra. Ông không ra mà điều Chủ tịch Công đoàn ra. Chiều tôi gọi lại hỏi tình hình thì bảo là chưa ra. Hỏi ông đang làm gì thì lại đang họp giao ban. Rất là vô cảm. Sự việc xảy ra như vậy mà vẫn họp giao ban được. Cho nên ông Dũng phải bị kỷ luật".
Dù quyết liệt, tâm huyết, bản lĩnh, dám trực diện đương đầu với thử thách, khó khăn mà còn sẵn sàng phá bỏ tác phong, tư duy cũ kỹ để đột phá nhưng một mình Bộ trưởng Thăng khó có thể thay đổi cục diện của ngành nếu không có một đội ngũ tham mưu, giúp việc có thực tâm, thực tầm.
Chỉ khi nào người Tư lệnh ngành không còn phải sa đà vào những chuyện "dưa, cà, mắm, muối" để trở về làm đúng chức năng lãnh đạo, quản lý, tập trung trí tuệ vào công tác chỉ đạo, hoạch định chiến lược thì mới mong có được những kết quả, thành tựu vượt bậc.
Thái Hưng