Theo đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị quy định rõ các trường hợp, đối tượng phải nộp tiền hoặc không phải nộp tiền khi khai thác tài nguyên nước; cần quy định theo nguyên tắc khai thác nước dưới đất hoặc nước mặt ở những nơi khan hiếm nước để kinh doanh thì phải nộp tiền khai thác tài nguyên nước. Không nên thu tiền cấp quyền khai thác nước của nhà máy thủy điện vì việc sử dụng nước trong trường hợp này không làm thay đổi chất lượng nước, hơn nữa khối lượng nước dùng cho thủy điện rất lớn và đã phải nộp thuế tài nguyên theo quy định của Luật thuế tài nguyên.
Thêm một điểm mới trong dự luật này là quy định việc khai thác, sử dụng nguồn nước cho thủy điện phải tuân theo quy trình vận hành hồ chứa, quy trình vận hành liên hồ chứa (nếu có) do cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Luật cũng quy định một số loại công trình khi xây dựng phải có phương án phòng chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước trong quá trình xây dựng và hoạt động.
Chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần cuối để hoàn thiện dự án Luật đo lường. Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường Phan Xuân Dũng cho biết đa số ý kiến của các đoàn đại biểu Quốc hội cho rằng mức xử phạt các hành vi gian lận cần quy định bằng 20-50 lần số tiền thu lợi bất chính; chế tài xử phạt phải nghiêm minh, cần áp dụng phương pháp xử phạt kép, ngoài xử phạt còn phải đình chỉ hoạt động đối với cơ sở cố tình vi phạm pháp luật về đo lường; sau khi xử phạt cần công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng để bảo đảm tính răn đe, nhằm ngăn chặn tái phạm. Tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước và Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng luật này không nên quy định mức xử phạt khác biệt với Luật xử lý vi phạm hành chính (cho phép phạt gấp năm lần số hàng hóa vi phạm).
LÊ KIÊN