Ảnh minh họa. Nguồn VTC
Hiện có 428 trường đại học, học viện, trường đại học, cao đẳng gửi thông tin tuyển sinh và đề án tự chủ tuyển sinh về Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), trong đó có 235 trường sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển, còn lại là các trường vừa sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia vừa sử dụng kết quả học tập ở THPT.
Đáng chú ý, Đại học Quốc gia TP.HCM, các đại học vùng, các trường đại học trọng điểm, khối trường Y-Dược, Công an, Quân đội đều sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển.
Một số trường thuộc "top đầu" như: Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Ngoại thương và Đại học Y Hà Nội có thêm điều kiện sơ tuyển. Đại học Luật TP.HCM và Học viện Báo chí và Tuyên truyền có thêm điều kiện sẽ phỏng vấn một số khối thi cùng với điểm thi. Đại học Kiểm sát Hà Nội đưa ra tỷ lệ xét tuyển với tỉ lệ 85% điểm dự thi và 15% điểm phỏng vấn sau khi thi.
Cũng theo Bộ GD&ĐT, sau khi có kết quả thi THPT quốc gia, căn cứ chỉ tiêu tuyển sinh của trường, thí sinh đăng ký tuyển sinh vào các trường theo nguyện vọng cá nhân, đảm bảo những học sinh đạt kết quả thi cao sẽ được lợi thế khi xét tuyển và hạn chế những trường hợp các thí sinh có điểm thi cao vẫn trượt đại học, hạn chế hiện tượng thí sinh ảo.
Sẽ có 2 quy chế thi, một quy chế THPT quốc gia dành cho các sở và trường đại học, cao đẳng tham gia tổ chức thi; một quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy dành cho tất cả các trường đại học, cao đẳng.
Bộ GD&ĐT đang tích cực hoàn thiện Quy chế thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng để công bố trong đầu năm 2015. Trước khi ban hành, các quy chế này sẽ được công khai lấy ý kiến dư luận.
Thùy Minh