Buổi đối thoại giữa doanh nghiệp (DN) với
lãnh đạo Sở Lao động- Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), BHXH TP HCM do Trung
tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư (ITPC) tổ chức mới đây nhằm tháo gỡ khó khăn
của DN về những vấn đề thuộc lĩnh vực lao động và BHXH. Thế nhưng, bên cạnh những
vướng mắc đã được giải đáp, một số câu hỏi của các DN vẫn chưa có câu trả lời
thỏa đáng bởi lẽ chính các cơ quan chức năng cũng bối rối vì… chưa được hướng dẫn.
Điệp khúc “chờ hướng dẫn”
Ngay khi Bộ Luật Lao động (BLLĐ) năm 2012 ban hành, một trong những vấn đề không chỉ được DN mà cả người lao động (NLĐ) quan tâm là tính tiền lương làm thêm giờ vào ban đêm các ngày nghỉ, lễ, Tết; ngày nghỉ có hưởng lương như thế nào mới đúng? Đây là câu hỏi không mới nhưng đã hơn 1 năm kể từ khi BLLĐ có hiệu lực (ngày 1-5-2013) đến nay vẫn chưa có câu trả lời. Tại buổi đối thoại, vấn đề này tiếp tục được đại diện Công ty Pungkook Sài Gòn đặt ra với Sở LĐ-TB-XH TP và nhận được câu trả lời “chờ hướng dẫn của Bộ LĐ-TB-XH”.
Đại diện một doanh nghiệp đặt câu hỏi với các cơ quan chức năng tại buổi đối thoại giữa doanh nghiệp và chính quyền TP HCM
Để tháo gỡ khó khăn tạm thời cho DN, ông Nguyễn Tất Năm, Trưởng Phòng Lao động - Tiền lương - Tiền công Sở LĐ-TB-XH TP, gợi ý: “Trong khi chờ hướng dẫn, công ty nên công khai vấn đề này và thỏa thuận cách tính lương làm thêm giờ với NLĐ và Công đoàn cơ sở, sau đó đưa vào thỏa ước lao động tập thể và gửi cho các cơ quan quản lý nhà nước. Khi có hướng dẫn cụ thể sẽ tiến hành truy thu (nếu chi dư) hoặc cho NLĐ truy lãnh (nếu chi thiếu)”. Tuy nhiên, đại diện DN cho biết cũng từng đưa phương án trả lương làm thêm giờ vào thỏa ước lao động tập thể nhưng khi trình cơ quan quản lý lao động thì bị trả về với ghi chú “yêu cầu xem lại cách tính lương”.
Bên cạnh đó, việc các quy định không thống nhất giữa các đạo luật cũng làm các cơ quan chức năng và DN... rối bời. Đại diện một DN dẫn chứng: Khoản 1, điều 3, Thông tư 30 của Bộ LĐ-TB-XH hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 44/CP về hợp đồng lao động (HĐLĐ) quy định nếu NLĐ giao kết HĐLĐ với nhiều người sử dụng lao động thì sẽ tham gia các chế độ bảo hiểm bắt buộc theo HĐLĐ có thời điểm ký kết đầu tiên. Tuy nhiên, khoản 2, điều 13, Luật BHYT sửa đổi (có hiệu lực ngày 1-1-2015) lại quy định trường hợp này phải đóng BHYT theo HĐLĐ có mức tiền lương, tiền công cao nhất!
Chưa công bằng với NLĐ
Các DN cũng cho rằng một số quy định chưa công bằng với người thụ hưởng. Đại diện Công ty TNHH Timatex Việt Nam (quận Thủ Đức, TP HCM) đặt vấn đề: “Theo Công văn 4064/BHXH-THU ngày 17-12-2014 của BHXH Việt Nam thì mức tiền lương tối đa để tính mức đóng BHXH là 20 lần mức lương cơ sở (thời điểm hiện tại là 23 triệu đồng), còn mức đóng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) tối đa là 20 lần mức lương tối thiểu vùng (khoảng 62 triệu đồng). Như vậy, rõ ràng NLĐ phải đóng BHTN nhiều hơn nhưng khi nghỉ hưu lại không được hưởng chế độ gì từ BHTN”.
Việc không cân đối giữa mức đóng và mức hưởng gây thiệt thòi cho NLĐ tiếp tục được các DN chỉ ra: Tuy Luật Việc làm (khoản 2, điều 58) quy định mức tiền lương tháng đóng BHTN tối đa là 20 thánglương tối thiểu vùng nhưng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng theo quy định tại khoản 2, điều 5 Luật Việc làm chỉ bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHTN của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp, tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở hoặc không quá 5 lần mức lương tối thiểu vùng tùy theo đối tượng là NLĐ thực hiện chế độ tiền lương do nhà nước quy định hay theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứt HĐLĐ, hợp đồng làm việc.
Quy định cứng nhắc Một số quy định cứng nhắc, thiếu thực tế gây thiệt thòi cho cả NLĐ cũng được đề cập. Anh Nguyễn Văn Được, đến từ Công ty DV Tư vấn Thuế Trọng Tín (quận Phú Nhuận, TP HCM), cho biết tháng 12-2014, anh bị tai nạn giao thông (tự ngã) trên đường đi làm, gây chấn thương sọ não. Theo kết quả giám định y khoa, anh bị mất hơn 50% sức lao động nhưng đến nay vẫn chưa được hưởng chế độ tai nạn lao động. Cơ quan BHXH yêu cầu phải có biên bản khám nghiệm hiện trường, sơ đồ hiện trường hoặc biên bản tai nạn giao thông của công an. “Khi bị tai nạn, tôi được người dân đưa đi cấp cứu. Thời điểm nguy cấp đó, nếu tôi chờ trình báo và chờ công an đến hoàn tất thủ tục theo luật định rồi mới vào bệnh viện cấp cứu thì có lẽ giờ này đã không thể có mặt ở đây để trình bày các kiến nghị của mình” - anh Được bức xúc. |
Bài và ảnh: Mai Chi