Diện mạo pháp luật 2015

30/01/2015 08:16 AM

Luật pháp phải là nền tảng quan trọng, thúc đẩy dân chủ hóa xã hội và tạo động lực cho kinh tế phát triển.

Năm 2015 được dự báo là một năm bản lề, đầy thử thách cả về phương diện phát triển kinh tế-xã hội và đời sống tư pháp. Chúng tôi mời ba chuyên gia pháp luật, kinh tế phác họa diễn biến pháp luật 2015.

Dân chủ hóa hoạt động tố tụng

Năm 2014 thật sự là một năm bộn bề, ngổn ngang với nhiều sự kiện, biến cố lớn trong tố tụng hình sự. Bên cạnh vụ án Huyền Như, bầu Kiên kéo dài từ đầu năm đến cuối năm, nhiều vụ án hình sự liên quan đến lĩnh vực ngân hàng bị khởi tố cho thấy đây là lĩnh vực nảy sinh nhiều bất cập, vướng mắc nhất trong đời sống kinh tế-xã hội hiện nay. Đây cũng là năm “phát lộ” nhiều vụ án oai, sai tích tụ từ những năm trước khiến lòng người không yên. Lần đầu tiên trong các đoàn giám sát oan, sai do Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành lập đã có sự tham gia của các chuyên gia là một số luật sư trong cả nước.

Từ góc nhìn của bản thân, tôi nhận thấy tiến trình cải cách tư pháp mà Đảng và Nhà nước ta khởi xướng từ hơn 10 năm trước đang đơm hoa, kết trái từ những nụ ban đầu, thể hiện qua việc Quốc hội vừa thông qua các luật tổ chức TAND và VKSND mới. Đặc biệt là thành quả đấu tranh và ghi nhận các quyền con người, quyền và tự do cơ bản của công dân trong chương II Hiến pháp 2013.

Tôi nghĩ sự tăng trưởng về kinh tế và hội nhập quốc tế có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc nâng cao phúc lợi cho người dân và vị thế đất nước nhưng sẽ có nguy cơ bị triệt tiêu khi vận khí đời sống tư pháp bị sụt giảm do những oan, sai trong tố tụng không được hạn chế, tình trạng xâm phạm quyền con người chậm được khắc phục.

Tôi nhớ trong dữ liệu lịch sử, khi Bác Hồ chỉ đạo Bộ Tư pháp kiểm điểm công tác tư pháp vào năm 1956, đã nhấn mạnh quyền bào chữa là quyền hiến định, là một trong quyền tự do dân chủ trọng yếu trong các quyền tự do dân chủ của công dân. Nếu người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo không được sử dụng đầy đủ quyền bào chữa thì không gọi là có công lý! Do đó, mong ước đầu năm của tôi là những đề xuất và dự thảo các quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự lần này sẽ thể hiện được giá trị cốt lõi trong tư tưởng của Bác Hồ và tinh thần mới của Hiến pháp 2013. Từ đó tạo môi trường pháp lý cho đội ngũ luật sư tham gia có hiệu quả vào tiến trình cải cách tư pháp, dân chủ hóa hoạt động tố tụng thông qua bảo đảm nguyên tắc tranh tụng và suy đoán vô tội. Vấn đề quan trọng là làm sao cụ thể hóa quyền im lặng cho phù hợp với điều kiện lịch sử, văn hóa và mô hình tố tụng hình sự Việt Nam, nâng cao vị thế và bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của luật sư trong đời sống và trong hoạt động tố tụng. Đồng thời gia tăng phạm vi, quyền hạn, trách nhiệm của luật sư, trên cơ sở quy định các trình tự, thủ tục một cách cụ thể, rõ ràng, minh bạch, dễ hiểu, đảm bảo tính khả thi...

TS-luật sư  PHAN TRUNG HOÀI, Chủ nhiệm Ủy ban Bảo vệ quyền lợi luật sư,
Liên đoàn Luật sư Việt Nam

Từ trái qua: TS-luật sư Phan Trung Hoài, TS Nguyễn Đình Cung, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh.

Tăng quyền cho doanh nghiệp, bảo vệ nhà đầu tư

Trọng tâm Luật Doanh nghiệp  (DN) sửa đổi lần này mở rộng thêm, tăng thêm quyền tự do kinh doanh của DN, bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích của các nhà đầu tư. Theo đó, DN được tự do kinh doanh tất cả những gì pháp luật không cấm thay vì chỉ được làm những gì cho phép được ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Qua đó tạo cho DN một sự linh hoạt, chủ động hơn trong quản lý, quản trị công ty, tổ chức hoạt động kinh doanh. Nhờ vậy sẽ giảm thiểu nhiều rủi ro và giảm chi phí trong hoạt động kinh doanh của DN… Tất cả điều đó có thể giúp trình độ quản lý kinh tế thị trường ở nước ta nâng lên một bước.

Một điểm nổi bật trong Luật DN lần này là khái niệm “DN nhà nước” được thay đổi. Theo luật mới, DN nhà nước phải là DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thay vì trên 50% như trước đây. Thay đổi này sẽ tạo ra một khuôn khổ pháp lý mới, bảo vệ một cách công bằng, đầy đủ đối với các nhà đầu tư.

TS NGUYỄN ĐÌNH CUNG, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)

Giảm tình trạng bắt tội kinh doanh trái phép

Việc không ghi ngành, nghề kinh doanh trong giấy chứng nhận kinh doanh trong Luật DN sửa đổi sẽ đảm bảo được quyền tự do kinh doanh; hạn chế được tình trạng DN kinh doanh trái phép như viện dẫn ở những thông tư, văn bản được các bộ, ban, ngành quy định để bắt tội DN khi DN kinh doanh những ngành nghề không ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Và nhiều khả năng nội dung “kinh doanh trái phép” trong Bộ luật Hình sự cần phải được hiệu chỉnh lại cho phù hợp. Một nội dung khác đáng chú ý trong Luật DN lần này là việc DN được phép tự quyết định nội dung và hình thức cũng như số lượng con dấu sẽ giúp cho DN tiết kiệm được thời gian, chi phí đáng kể so với những thủ tục phiền hà, tốn kém mà không còn phù hợp như trước kia.

Đối với Luật Đầu tư sửa đổi, việc quy định về các ngành nghề cấm kinh doanh và kinh doanh có điều kiện một cách rõ ràng, chi tiết thông qua hai danh mục kèm theo là một bước tiến bộ.

Hiện nay tỉ lệ DN trên đầu người của Việt Nam còn rất thấp. Vì vậy, theo tôi, rất cần khuyến khích người dân Việt Nam mạnh dạn, hăng hái và có tinh thần kinh doanh mạnh mẽ. Bởi lẽ một đất nước muốn mạnh phải nhờ vào nhiều DN mạnh chứ không phải là một đất nước có nhiều quan chức, có nhiều cơ quan hành chính. Tôi hy vọng từ năm sau, Luật DN và Luật Đầu tư có hiệu lực sẽ tạo điều kiện cho các DN mới được thành lập tăng lên, các DN đã đăng ký rồi cũng có thể mở rộng hoạt động đầu tư, kinh doanh, điều chỉnh cơ cấu kinh doanh để cho hoạt động kinh doanh được tốt hơn.

Chuyên gia kinh tế LÊ ĐĂNG DOANH

Năm 2015 sẽ cho ý kiến nhiều dự luật quan trọng

Kỳ họp giữa năm 2015, Quốc hội (QH) sẽ xem xét thông qua nhiều dự án luật quan trọng. Đáng chú ý có Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi), Luật Bầu cử đại biểu QH và đại biểu HĐND, Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi), Luật Kiểm toán nhà nước (sửa đổi), Luật Ban hành văn bản pháp luật…

QH cũng sẽ cho ý kiến những dự án luật: Bộ luật Dân sự (sửa đổi), Bộ luật Hình sự (sửa đổi), Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi), Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi), Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi), Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Luật Tạm giữ, tạm giam, Luật Hoạt động giám sát của QH và HĐND, Luật Trưng cầu ý dân, Luật An toàn thông tin…

Cũng trong 2015, một dự luật được dư luận rất quan tâm sẽ được trình QH là dự luật Tiếp cận thông tin. Riêng dự luật Biểu tình, Thủ tướng tại kỳ họp thường kỳ tháng 12-2014 của Chính phủ mới đây đã yêu cầu cơ quan chủ trì soạn thảo dự án luật này cần tập trung hoàn thiện để trình QH theo đúng chương trình; nghiên cứu kỹ và chỉ nên xin lùi thời điểm trình dự án luật chứ không đưa ra khỏi chương trình xây dựng luật và pháp lệnh 2015.

Quan tòa cần bảo vệ quyền con người như chính bản thân

Tiếp tục triển khai thi hành Hiến pháp với tinh thần tôn trọng quyền con người, quyền công dân, tôi mong sao chúng ta có sự quán triệt, thực hiện một cách đồng bộ, nghiêm túc để mọi người dân đều được hưởng đầy đủ sự ghi nhận quan trọng này trong cuộc sống. Thực tế cho thấy từ những quy định trong Hiến pháp đến quá trình thực hiện là cả một quá trình không hề đơn giản…

Đâu đó vẫn có những vụ việc, những hành vi xâm phạm đến quyền con người, quyền công dân một cách thô bạo làm cho người dân bức xúc, bất bình và càng bức xúc bất bình hơn khi đó là hành vi của những người thi hành công vụ.

Hoạt động của các cơ quan tư pháp luôn gắn liền với quyền con người, quyền công dân và nếu để xảy ra oan, sai thì hậu quả sẽ khôn lường. Người dân đang đòi hỏi những người thực thi công vụ hãy tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền công dân như bảo vệ chính bản thân mình.

Ông NGUYỄN THÁI HỌC, Ủy viên Ủy ban Tư pháp
của Quốc hội

Tạo môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch hơn

Chúng tôi hoan nghênh hai Luật DN sửa đổi và Luật Đầu tư sửa đổi Quốc hội vừa thông qua đã đi theo cách tiếp cận mới chuyển từ phương pháp “chọn - cho” sang “chọn - bỏ”, đảm bảo quyền tự do kinh doanh của DN. Hai luật này đã đưa ra nhiều quy định đảm bảo minh bạch hơn trong môi trường kinh doanh. Trong đó quy định rõ thẩm quyền của chính quyền địa phương xử lý như thế nào các thủ tục cấp phép DN hay phê duyệt các dự án đầu tư. Cộng đồng DN đánh giá rằng hai luật này minh bạch hơn và tạo thuận lợi nhiều hơn cho DN. Chúng tôi hy vọng những thủ tục mới về xin giấy phép kinh doanh sẽ không dẫn đến những chậm trễ hay gánh nặng hành chính cho nhà đầu tư nước ngoài.

VIRGINIA FOOTE, Hội đồng quản trị Hiệp hội DN Hoa Kỳ 

Thu Hằng – Hồng Tú – Tấn Lộc

Theo plo.vn

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,489

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]