Nguồn tin từ Bộ Tư pháp cho hay, cơ quan
này chính thức ra thông báo “kiểm tra văn bản có dấu hiệu trái pháp luật” đối với
Bộ Xây dựng. Trước đó, Cục Kiểm tra văn bản (viết tắt là Cục Kiểm tra) nhận được
ý kiến của ông Nguyễn Tri Hùng (ở quận 2, TPHCM) phản ánh nội dung tại khoản 1,
Điều 7, Thông
tư 02/2014, ngày 12/2/2014 của Bộ Xây dựng, quy định chi tiết và hướng dẫn
một số điều của Nghị
định 121/2013 của Chính phủ, liên
quan đến nội dung xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, kinh
doanh bất động sản… có nội dung chưa phù hợp với pháp luật hiện hành.
Để có thêm cơ sở, Cục Kiểm tra đã tổ chức họp bàn với các đơn vị liên quan của Bộ Xây dựng (thanh tra, pháp chế) và đại diện Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật (Bộ Tư pháp). Ngay sau đó, Cục Kiểm tra đã chính thức kết luận về một số nội dung của Thông tư 02. Theo đó, tại khoản 1, Điều 7, Thông tư 02 quy định: “Sau khi người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, đối với hành vi quy định tại khoản 3, 5, 6, 7 của Điều 13, Nghị định 121 mà tổ chức, cá nhân vi phạm vẫn tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm thì lập biên bản vi phạm hành chính đối với tổ chức, cá nhân đó về hành vi quy định tại khoản 8, Điều 13, Nghị định 121”. Trong khi đó, khoản 8, Điều 13 lại quy định: “Đối với hành vi quy định tại khoản 3, 5, 6 và 7 điều này, sau khi có biên bản vi phạm hành chính của người có thẩm quyền mà vẫn tái phạm thì tùy theo mức độ vi phạm, quy mô công trình vi phạm bị xử phạt từ 500.000.000 đến 1.000.000.000 đồng và bị tước quyền sử dụng giấy phép xây dựng (nếu có)”. Như vậy, theo quy định này, chỉ đối với các cá nhân, tổ chức đã bị lập biên bản vi phạm hành chính mà vẫn tái phạm hành vi vi phạm hành chính đã bị lập biên bản thì bị xử phạt theo quy định tại khoản 8, Điều 13, Nghị định 121.
Cục Kiểm tra cho rằng, trong trường hợp cá nhân, tổ chức đã bị lập biên bản xử lý vi phạm hành chính nhưng tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm, như quy định tại khoản 1, Điều 7, Thông tư 02 có thể được hiểu là một trong các trường hợp: Tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính nhiều lần; tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi tái phạm vi phạm hành chính đã thực hiện; tất cả các hành vi “vi phạm hành chính nhiều lần” và “tái phạm” đều có thể bị coi là “tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm” và bị xử phạt theo quy định tại khoản 8, Điều 13, Nghị định 121.
Với cách hiểu trên, Bộ Tư pháp cho rằng, quy định tại khoản 1, Điều 7, Thông tư 02 là mở rộng hơn việc xử lý vi phạm hành chính so với quy định tại khoản 8, Điều 13, Nghị định 121, gây nhầm lẫn giữa quy định “vi phạm hành chính nhiều lần” và “tái phạm”. Từ đó, Cục Kiểm tra cho rằng, dẫn đến việc các cơ quan, người có thẩm quyền có thể áp dụng điều này để xử lý đối với các trường hợp tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính nhiều lần (không phải là hành vi tái phạm), gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Được biết, ông Lê Hồng Sơn – Cục trưởng Cục Kiểm tra đã chính thức có văn bản đề nghị Bộ Xây dựng xem xét lại tính hợp pháp của Thông tư 02.
Theo Luật Xử lý vi phạm hành chính, “tái phạm” là việc cá nhân, tổ chức đã bị xử lý vi phạm hành chính nhưng chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử lý hành chính, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính, hoặc kể từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định này mà lại thực hiện hành vi vi phạm hành chính đã bị xử lý. “Vi phạm hành chính nhiều lần” là trường hợp cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính mà trước đó đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính này, nhưng chưa bị xử lý và chưa hết thời hiệu xử lý. |
Bảo Thắng