Từ thực tế hành nghề, các LS đã đề cập đến những vướng mắc, bất cập trong quá trình thi hành Luật 5 năm qua. Đặc biệt là những vấn đề trong hoạt động tập sự hành nghề LS, những khó khăn cản trở LS hành nghề trong lĩnh vực tranh tụng, trách nhiệm quản lý LS, giải quyết khiếu nại tố cáo và xử lý vi phạm của LS, đào tạo LS…
Một trong những vấn đề gây bức xúc cho LS chính là nhận thức của các cơ quan tiến hành tố tụng về vai trò của LS trong quá trình tố tụng chưa đầy đủ khi mới coi LS là một trong những người “tham gia tố tụng”, chứ không phải là “người góp phần làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án”. Bên cạnh đó, thủ tục cấp giấy chứng nhận bào chữa cũng đang là “rào cản” để LS có thể tiếp cận và hành nghề, qui định về tập sự hành nghề LS vẫn còn quá “dễ dãi”, khiến một bộ phận LS chưa đảm bảo yêu cầu về chất lượng…
Với mong muốn có một “điểm tựa pháp lý” vững chắc, phù hợp cho hoạt động hành nghề, các LS đã đề xuất những phương hướng, sửa đổi, bổ sung Luật LS theo hướng xác định rõ vị trí vai trò của LS trong hệ thống tư pháp xét xử, tạo điều kiện đảm bảo các quyền hành nghề của LS, đặc biệt từ giai đoạn điều tra vụ án, để LS có thể bảo vệ công lý và công bằng xã hội, góp phần xây dựng NNPQ XHCN trong điều kiện hội nhập quốc tế sâu rộng.
H.Giang