VNPT đang đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài. Ảnh minh họa: Vân Oanh. |
Điều 15 dự thảo Nghị định về đầu tư trực tiếp ra nước ngoài nêu rõ việc chuyển tiền trước khi cấp phép đầu tư là để đáp ứng các chi phí cho hoạt động hình thành dự án đầu tư.
Phần ngoại tệ chuyển trước ra nước ngoài được dùng để nghiên cứu thị trường và cơ hội đầu tư; khảo sát thực địa; thuê chuyên gia tư vấn; lập và duy trì hoạt động văn phòng đại diện; tham gia đấu thầu quốc tế, đặt cọc, ký quỹ bảo lãnh khác theo yêu cầu của bên mời thầu hoặc nước tiếp nhận đầu tư.
Các khoản tiền cần để đàm phán hợp đồng, mua hoặc thuê tài sản hỗ trợ cho việc hình thành dự án đầu tư ở nước ngoài... cũng sẽ được phép chuyển ra nước ngoài trước khi được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài.
Dự thảo cũng quy định rõ "Các chi phí cho hoạt động hình thành dự án đầu tư đã thực hiện được tính vào tổng vốn đầu tư của dự án khi nhà đầu tư thực hiện thủ tục đăng ký đầu tư ra nước ngoài".
Dự thảo Quy định này được xem là rất chi tiết, cụ thể, được giới đầu tư trong nước đánh giá là tạo điều kiện thuận tiện hơn cho việc chuyển tiền ra nước ngoài so với Nghị định 78/2006/NĐ-CP về đầu tư ra nước ngoài đang áp dụng.
Theo các doanh nghiệp, dù Nghị định 78/2006/NĐ-CP cũng cho phép chuyển ngoại tệ ra nước ngoài trước khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư để nghiên cứu, chuẩn bị dự án đầu tư, nhưng áp dụng trong thực tế rất khó khăn và nhiều trường hợp không thực hiện được.
Đây cũng là một trong những quy định bị các doanh nghiệp Việt Nam khi đầu tư ra nước ngoài than phiền nhiều nhất, bởi có nhiều khoản chi cần thực hiện trong quá trình chuẩn bị đầu tư. Theo một số doanh nghiệp, ngay cả sau khi đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư thì chuyển tiền ra nước ngoài cũng không hề đơn giản.
Theo các doanh nghiệp, theo quy định Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan cấp phép cho dự án nhưng Ngân hàng Nhà nước mới là nơi xem xét việc cho phép chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài. Nhiều doanh nghiệp than phiền, khi có giấy phép rồi, nhưng do chuyển tiền đầu tư ra nước ngoài không được hoặc quá chậm, nên bị lỡ mất cơ hội đầu tư.
Mặc dù quy định thoáng hơn, nhưng dự thảo Nghị định cũng sẽ có nhiều quy định để giám sát chặt chẽ nguồn vốn đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài trên cơ sở phải tuân thủ Pháp lệnh Ngoại hối và các quy định khác có liên quan.
Cụ thể, dự thảo Nghị định quy định, trong hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nhà đầu tư phải có văn bản “cam kết tự cân đối nguồn ngoại tệ hoặc văn bản của tổ chức tín dụng được phép cam kết thu xếp ngoại tệ cho nhà đầu tư”.
Với việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến về dự thảo Nghị định đầu tư trực tiếp ra nước ngoài theo hướng thông thoáng hơn cho nhà đầu tư cùng với nhiều doanh nghiệp trong nước đang có xu hướng đầu tư ra nước ngoài nhằm tận dùng nguồn nguyên liệu, lợi thế thị trường của các nước, các chuyên gia đánh giá vốn đầu tư trong nước ra nước ngoài sẽ tăng cao trong thời gian tới.
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính lũy kế đến hết năm 2014, Việt Nam có 930 dự án đầu tư ra nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký của các nhà đầu tư Việt Nam là 19,78 tỉ đô la Mỹ. Và kế hoạch mở thị trường mới vẫn đang tiếp tục, khi nhiều nhà đầu tư Việt, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân, đang nỗ lực đi tìm những vùng đất mới ở thị trường nước ngoài.
Hùng Lê