Trạm kiểm soát tải trọng chỉ hoạt động hiệu quả khi có sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng - Ảnh: Xuân Đoàn
“Nhiều nơi có tiêu cực vì quan sát thấy có những xe vi phạm không bị dừng, nhưng ngược lại xe không vi phạm lại bị dừng rất nhiều để vào cân, lấy số liệu. Thực tế, các lực lượng chức năng chỉ cần nhìn dấu hiệu là biết ngay có vi phạm hay không”.
Thiếu tướng Vũ Đỗ Anh Dũng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN thẳng thắn đưa ra ý kiến tại cuộc họp về công tác kiểm soát tải trọng xe (KSTTX) hôm qua 31/3.
Dừng nhiều... xử phạt ít
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết, từ ngày 1/4/2014 đến nay, các trạm KSTTX đã kiểm tra hơn 500 nghìn lượt xe nhưng chỉ phát hiện 70 nghìn xe vi phạm, chiếm 14%. Qua kiểm tra bằng cân xách tay, các lực lượng chức năng cũng kiểm tra gần 130 nghìn xe và phát hiện hơn 15 nghìn xe vi phạm, chiếm 11%.
Theo ông Huyện, một số trạm KSTTX hiện nay hiệu quả thấp, số xe không vi phạm bị dừng, cân kiểm tra rất nhiều so với số xe vi phạm bị xử phạt. “Trong số rất nhiều xe vi phạm bị xử lý, mức vi phạm cũng ở mức thấp, từ 10 đến dưới 20%. Điều này không chỉ gây tốn kém về thời gian, chi phí chung mà còn gây bức xúc cho chủ xe, lái xe. Tình trạng này xảy ra ở nhiều địa phương”, ông Huyện nói.
"Đăng kiểm xe Howo là đăng kiểm địa phương. Vì thế, địa phương nào còn xe Howo cơi nới thùng chứng tỏ địa phương đó đăng kiểm kém. Đề nghị rút ngắn thời gian giữa hai kỳ đăng kiểm, có thể 4 tháng thay vì 6 tháng như hiện nay”. Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường |
Trả lời câu hỏi của Bộ trưởng vì sao việc xử lý vi phạm chưa hiệu quả, Thiếu tướng Vũ Đỗ Anh Dũng (từng là Cục trưởng Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt, Cục trưởng Cục Cảnh sát đường thủy) được điều động tăng cường sang làm Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN thẳng thắn nói: “Có dấu hiệu tiêu cực trong công tác TTKS”.
Ông Dũng cho biết: “Việc kiểm tra 10 xe mới phát hiện một xe vi phạm là dấu hiệu tiêu cực rất rõ. Điều này cho thấy các biện pháp kiểm tra, xử lý chưa mạnh. Chúng tôi biết nhiều nơi có tiêu cực vì quan sát thấy có những xe vi phạm không bị dừng, nhưng ngược lại xe không vi phạm lại bị dừng rất nhiều để vào cân, lấy số liệu. Thực tế, các lực lượng chức năng chỉ cần nhìn dấu hiệu là biết ngay có vi phạm hay không”, ông Dũng quả quyết.
Từ nhận định trên, ông Dũng đề xuất Bộ GTVT ra văn bản tăng cường các biện pháp KSTTX. Trong đó, giao quyền cho các đơn vị được thực thi kiểm tra, xử lý cán bộ vi phạm. Bên cạnh đó, cần thống nhất đồng bộ ba lực lượng hoạt động tại trạm cân xe.
Hết tháng 6/2015, tất cả cao tốc không được phép còn xe quá tải
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu các cơ quan, đơn vị chức năng tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến để người dân, lái xe hiểu rõ hơn về sự quyết tâm của ngành GTVT trong công tác KSTTX. Việc làm này để bảo đảm ATGT, sự nghiêm minh của pháp luật và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông. Bộ trưởng cũng đồng ý giao Tổng cục Đường bộ VN phối hợp với các cơ quan xây dựng một chỉ thị mới, phân rõ nhiệm vụ cho từng cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện KSTTX để trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành.
Trước ý kiến đề xuất công bố số điện thoại “nóng” ngay trên đường để người dân giám sát, phản ánh về tình trạng xe quá tải cũng như phát hiện những tiêu cực của lực lượng chức năng, Bộ trưởng yêu cầu cần làm sớm và phải dựa vào dân, bởi không ai kiểm soát tốt bằng người dân. Người dân sẽ kiểm soát cả xe quá tải lẫn tiêu cực của lực lượng công vụ. Để thực hiện cần có cơ chế thưởng nhằm khuyến khích người dân. |
“Thời gian tới, cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, chống tiêu cực trong lực lượng thực thi công vụ, trước tiên là đối với lực lượng TTGT và các lực lượng tại trạm cân; Kiên quyết phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm như: Thông tin trước cho đoàn xe biết, bảo kê, dẫn mối, dung túng, xử phạt không đúng quy định... đối với tất cả các lực lượng TTGT, CSGT, Ban QLDA, các lực lượng liên quan. Cần loại bỏ ngay tình trạng chỉ cân xe không quá tải trong khi lại bỏ lọt xe quá tải”, Bộ trưởng Thăng chỉ đạo và cho biết, khi thanh tra các dự án giao thông, nếu phát hiện xe quá tải, sẽ cách chức ngay giám đốc Ban QLDA tại đó.
Đối với công tác xử lý vi phạm, Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu cần xử phạt nghiêm cả bốn tác nhân gồm: Chủ phương tiện, đơn vị xếp dỡ, chủ hàng và lái xe. “Với doanh nghiệp vận tải, nếu vi phạm phải rút giấy phép kinh doanh. Không thể chỉ xử phạt mỗi lái xe. Trong công tác đăng kiểm, cần rút ngắn thời gian giữa hai kỳ đăng kiểm xuống còn 3 tháng đối với xe Howo và có sự thống kê, công khai các xe còn cơi nới thùng”, Bộ trưởng nói và yêu cầu các Thứ trưởng trực tiếp làm việc với lãnh đạo những địa phương đang “nóng” về xe quá tải, cơi nới thùng. Thời gian tới, cần áp dụng công nghệ hiện đại để KSTTX. Từ nay đến hết tháng 6/2015, tất cả các tuyến cao tốc không được phép còn xe quá tải.
Tiến Mạnh