“Nỗ lực để đạt được nhiều lợi ích bất hợp pháp hơn nữa, bằng cách tiến hành phân xử đơn phương là không thực tế và sẽ chẳng dẫn đến đâu. Trung Quốc cam kết giải quyết các tranh chấp liên quan thông qua đàm phán và tham vấn với các bên liên quan trực tiếp. Đây là phương án đúng đắn duy nhất” – ông Chu Hải Quyền, người phát ngôn của Đại sứ quán Trung Quốc ở Washington, nói.
Ông John McCain cho phán quyết là “một bước tiến quan trọng trong việc giữ gìn luật pháp quốc tế”. Ảnh: REUTERS
Thông cáo dài 9 trang của PCA, công bố hôm 29-10, cho biết: "Qua xem xét đơn kiện của Philippines, tòa án đã bác bỏ luận cứ của Trung Quốc cho rằng vụ tranh chấp trên thực tế là về vấn đề chủ quyền đối với các hòn đảo ở biển Đông và vì vậy không thuộc quyền tài phán của PCA".
Thay vào đó, PCA cho rằng vụ kiện phản ánh "tranh chấp giữa hai nước liên quan tới việc diễn giải và áp dụng Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS)" và do đó, thuộc thẩm quyền của PCA.
UNCLOS không phân xử về chủ quyền nhưng công ước này quy định một hệ thống lãnh thổ và các vùng đặc quyền kinh tế đối với các thực thể như bãi cạn, đảo nhỏ, rạn đá ngầm và các cấu trúc đất đá nổi trên biển khác.
Trong khi đó, Mỹ hoan nghênh quyết định của tòa. “Điều này cho thấy luật pháp quốc tế được áp dụng vào tranh chấp ở biển Đông" - một quan chức quốc phòng cấp cao nói.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby trong cuộc họp báo thường ngày khẳng định theo Công ước Liên HIệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), quyết định của tòa án sẽ mang tính ràng buộc pháp lý đối với cả Philippines và Trung Quốc.
Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, Thượng nghị sĩ John McCain, ca ngợi phán quyết của PCA. Ông McCain cho phán quyết là “một bước tiến quan trọng trong việc vận dụng luật pháp quốc tế để chống lại các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên biển Đông".
Ông McCain cũng nói Washington nên tiếp tục hỗ trợ các đối tác và đồng minh như Philippines đối phó với tham vọng bành trướng của Trung Quốc, bao gồm các cuộc tuần tra đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây dựng trái phép trên biển Đông.
Bà Bonnie S.Glaser, cố vấn cao cấp châu Á và Giám đốc Dự án điện Trung Quốc của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược quốc tế (CSIS), đánh giá phán quyết của PCA là "cú đấm mạnh vào Trung Quốc".
Trong khi đó, nhà phân tích chính trị Richard Javad Heydarian thuộc trường ĐH De La Salle (Philippines) nhận định phán quyết cũng sẽ gửi một tín hiệu rằng các quốc gia có tuyên bố chủ quyền biển Đông có thể khởi kiện tương tự.
Một số nhà quan sát cho rằng chuyện này khiến cho Trung Quốc không hài lòng. Ông Heydarian lưu ý dù phán quyết không thể ép Trung Quốc thi hành theo song vẫn khiến siêu cường này mất mặt.
Hiện chưa có ngày giờ cụ thể cho các buổi điều trần sắp tới. Tuy nhiên, theo hãng tin CNA của Đài Loan, tòa án sẽ tiếp tục tổ chức lấy lời khai, căn cứ pháp lý của vụ kiện. Dù không mở cửa cho bên ngoài, tòa trọng tài sẽ cân nhắc cho phép các nước liên quan cử đoàn đại biểu quy mô nhỏ dự thính. Kết quả phán quyết có thể sẽ được đưa ra vào năm 2016.
Philippines đã đệ đơn kiện lên PCA từ tháng 1-2013, cho rằng yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại biển Đông không phù hợp với UNCLOS. Philippines cũng khẳng định một số rạn san hô và bãi cát ngầm Trung Quốc chiếm đóng không được hưởng quy chế lãnh hải hoặc làm cơ sở để tuyên bố có lãnh hải.
Tòa PCA đặt tại The Hague - Hà Lan, thành lập năm 1899, khuyến khích giữa các nước, tổ chức và các nhân giải quyết tranh chấp bằng phương thức hòa bình. Trong khi đó, Trung Quốc và Philippines là 2 trong số 117 nước thành viên.
Thông cáo dài 9 trang của PCA, công bố hôm 29-10, cho biết: "Qua xem xét đơn kiện của Philippines, tòa án đã bác bỏ luận cứ của Trung Quốc cho rằng vụ tranh chấp trên thực tế là về vấn đề chủ quyền đối với các hòn đảo ở biển Đông và vì vậy không thuộc quyền tài phán của PCA". Thay vào đó, PCA cho rằng vụ kiện phản ánh "tranh chấp giữa hai nước liên quan tới việc diễn giải và áp dụng Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS)" và do đó, thuộc thẩm quyền của PCA. UNCLOS không phân xử về chủ quyền nhưng công ước này quy định một hệ thống lãnh thổ và các vùng đặc quyền kinh tế đối với các thực thể như bãi cạn, đảo nhỏ, rạn đá ngầm và các cấu trúc đất đá nổi trên biển khác. |
H.Bình (Theo AP, Reuters)
Theo Người lao động