Lãnh đạo cấp cao của 52 quốc gia, Liên Hợp Quốc, IAEA, Liên minh châu Âu, Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế tham dự Hội nghị. Ảnh: VGP/Hải Minh
Hội nghị năm nay có sự tham dự của lãnh đạo cấp cao tới từ 52 quốc gia, Liên Hợp Quốc, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), Liên minh châu Âu và Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị nhằm khẳng định và đề cao chính sách đối ngoại nhất quán của Việt Nam vì hòa bình, không phổ biến, tiến tới giải trừ quân bị hoàn toàn và triệt để vũ khí hủy diệt hàng loạt, trong đó có vũ khí hạt nhân; sử dụng năng lượng hạt nhân vào mục đích hòa bình, bảo đảm an toàn và an ninh hạt nhân; lên án mạnh mẽ việc sử dụng năng lượng hạt nhân nhằm đe dọa hòa bình, ổn định và an ninh trong khu vực cũng như trên thế giới.
Theo chương trình nghị sự, các nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về hành động của các quốc gia, các biện pháp thể chế và hành động quốc tế trong lĩnh vực an ninh hạt nhân.
Mục tiêu của Hội nghị lần này là đánh giá những tiến bộ đạt được từ toàn bộ tiến trình qua ba hội nghị trước và trao đổi về các biện pháp tăng cường an ninh hạt nhân, giảm mối đe dọa khủng bố hạt nhân thời gian tới.
Bên cạnh Thông cáo của Hội nghị theo thông lệ, các nhà lãnh đạo sẽ thông qua Kế hoạch hành động cụ thể đối với 5 cơ chế/sáng kiến quốc tế chính, trong đó có Sáng kiến toàn cầu chống khủng bố hạt nhân (GICNT) và Đối tác toàn cầu chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt và vật liệu liên quan (GP).
Tổng thống Obama và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tại Nhà trắng tối 31/3. Ảnh: VGP/Hải Minh
Trước đó, tối ngày 31/3, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã chủ trì buổi làm việc về chủ đề “Mối đe dọa về an ninh hạt nhân” với sự tham dự của lãnh đạo cấp cao các nước tham dự Hội nghị.
Phát biểu tại buổi làm việc, các nước đều nhấn mạnh tiến trình Hội nghị đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng: Cộng đồng quốc tế ngày càng nhận thức rõ về tầm quan trọng cần bảo đảm an ninh hạt nhân, ngày càng có nhiều nước tham gia các điều ước quốc tế trong lĩnh vực này, nhiều quốc gia đã cam kết giảm thiểu sử dụng uranium có độ làm giàu cao...
Tuy nhiên, các nước cho rằng cần tập trung nỗ lực phòng, chống các nguy cơ đối với an ninh hạt nhân, đặc biệt là khủng bố hạt nhân, trong bối cảnh các tổ chức khủng bố đang mở rộng hoạt động, tìm cách tiếp cận công nghệ và vật liệu phóng xạ, chiêu mộ chuyên gia...
Lãnh đạo các nước nhất trí cần nâng cao hợp tác quốc tế, chia sẻ thông tin và kinh nghiệm trong lĩnh vực này.
Trong bài viết trên Washington Post ngày 30/3, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama cho rằng phổ biến và khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân là một trong những thách thức lớn nhất đối với an ninh và hòa bình quốc tế.
Ông cho rằng cộng đồng quốc tế đã có những bước đi nhằm tăng cường cơ chế bảo đảm an ninh hạt nhân toàn cầu, trong đó có Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân.
Đã từng là quốc gia duy nhất sử dụng vũ khí hạt nhân, Hoa Kỳ có trách nhiệm đạo đức tiếp tục đi đầu trong việc loại bỏ vũ khí hạt nhân, Tổng thống Obama khẳng định.
Hải Minh
Theo Báo điện tử Chính phủ