Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull - Ảnh: Reuters
Trong cuộc nói chuyện, ông Trump đã nhận xét kế hoạch trao đổi người tị nạn giữa Mỹ và Úc là “ngớ ngẩn”, gây ra sự rạn nứt hiếm có giữa hai đồng minh thân cận bấy lâu nay, hãng tin Reuters ngày 2-2 dẫn thông tin từ báo Washington Post.
Theo đó, cuộc điện đàm, diễn ra thứ bảy tuần trước (28-1), dự kiến kéo dài khoảng một giờ đồng hồ, nhưng ông Trump cúp máy vào phút thứ 25, thời điểm ông Turnbull đang muốn chuyển chủ đề sang tình hình Syria.
Tổng thống Mỹ nói kế hoạch tái định cư trên là “thỏa thuận tồi tệ chưa từng thấy”, đồng thời cáo buộc Úc đang cố gắng “xuất khẩu những kẻ đánh bom Boston tiếp theo”.
Trước đây phía Úc đã đồng ý với chính quyền Tổng thống Barack Obama rằng Washington sẽ nhận tái định cư cho 1.250 người di cư đang tạm trú ở các trại tập trung ngoài khơi Thái Bình Dương, gồm Papua New Guinea và Nauru. Đổi lại Úc sẽ nhận tái định cư cho người tị nạn từ El Salvador, Guatemala và Honduras.
Khi được hỏi về chuyện bị "cúp máy ngang", Thủ tướng Turnbull chỉ nói với giới truyền thông rằng cuộc điện đàm với ông Trump tuần trước diễn ra “thẳng thắn”, nhưng từ chối tiết lộ thêm chi tiết và không xác nhận thông tin của tờ Washington Post. Nhà lãnh đạo của Canberra nói lấp lửng: “Tôi thực sự hành động vì nước Úc. Công việc của tôi là đảm bảo lợi ích cho công dân Úc”.
Theo Reuters, các nhà phân tích chính trị nhìn nhận rằng thái độ gay gắt như vậy (nếu đúng như tờ Washington Post đưa) là điều chưa từng có, vượt qua cả những căng thẳng từng xảy ra giữa Tổng thống Mỹ Richard Nixon và Thủ tướng Úc Gough Whitlam trước đây.
Về phần ông Trump, như một cách tiết lộ thông tin về chuyện căng thẳng đang xảy ra, Tổng thống Mỹ viết trên Twitter ngày 2-2 theo giọng điệu đúng chất của ông: “Bạn có tin không? Chính quyền của Obama đồng ý nhận hàng ngàn người tị nạn bất hợp pháp từ Úc. Tại sao? Tôi sẽ nghiên cứu về thỏa thuận ngớ ngẩn này”.
Trên lý thuyết, việc ông Trump phản đối thỏa thuận với Úc là điều không khó hiểu. Tân Tổng thống Mỹ vừa qua cũng ký sắc lệnh tạm ngưng chương trình tiếp nhận người tị nạn, và kiểm soát chặt chẽ nhằm hạn chế người di chuyển vào nước Mỹ từ 7 nước đa phần theo đạo Hồi như Iran, Iraq, Syria, Somalia, Yemen, Sudan và Libya.
Dù vậy, phát ngôn viên Nhà Trắng Sean Spicer và Đại sứ Mỹ ở Úc đều từng tuyên bố ông Trump sẽ tôn trọng thỏa thuận trên.
Nhật Đăng
Theo Tuổi trẻ