Trước đó vào ngày 19-5, Tổng thống Duterte cho biết Chủ tịch Tập Cận Bình đã cảnh báo nguy cơ chiến tranh với Philippines nếu Manila tiến hành khai thác dầu khí ở vùng biển phía Tây Philippines mà Trung Quốc cũng đòi tuyên bố chủ quyền.
"Lời đe dọa gây chiến của Trung Quốc đối với Philippines nếu Philippines khai thác dầu khí ở vùng Bãi Cỏ Rong (Reed Bank) hay bất cứ chỗ nào trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines là một sự vi phạm trắng trợn đối với không chỉ Hiến chương Liên Hợp Quốc mà còn đối với Công ước Luật biển của Liên Hợp Quốc (UNCLOS) cũng như Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) mà cả Bắc Kinh và Manila đều là thành viên" – Thẩm phán Carpio khẳng định.
Thẩm phán Tòa án Tối cao Philippines Antonio Carpio. Ảnh: Phil Star
Do Trung Quốc đã xem chiến tranh như một công cụ của chính sách quốc gia, một trong những lựa chọn của chính quyền Tổng thống Duterte là kiện Trung Quốc ra Tòa trọng tài quốc tế một lần nữa về hành vi hăm dọa chiến tranh. Bên cạnh đó, Chính phủ của ông Duterter cũng có thể yêu cầu Trung Quốc tuân thủ phán quyết của Tòa trọng tài rằng Bãi Cỏ Rong là một phần trong vùng đặc quyền kinh tể của Philippines.
Ngoài ra, Philippines cũng có thể yêu cầu Trung Quốc bồi thường thiệt hại cho mỗi ngày Phippinese bị ngăn cản không khai thác được trong vùng đặc quyền kinh tế của chính mình.
Một lựa chọn khác, theo ông Carpio, là khiếu nại việc Trung Quốc dọa chiến tranh ra trước Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc và yêu cầu Trung Quốc tuân thủ Công ước Luật biển Liên Hiệp Quốc. Thẩm phán Carpio cũng nhấn mạnh rằng Trung Quốc không có quyền phủ quyết trong Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc.
Ông Carpio cũng kêu gọi người dân Philippines đoàn kết để bảo vệ vùng biển phía Tây quốc gia trong khuôn khổ Hiến pháp, Luật pháp quốc tế và Công ước Luật biển Liên Hiệp Quốc. Vì người dân Philippines không muốn chiến tranh nên theo ông Carpio, Tổng thống Philippines có trách nhiệm phải sử dụng tất cả phương tiện pháp lý theo luật pháp quốc tế để bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế quốc gia.
"Tổng thống không thể không làm gì cả và càng không thể nhượng bộ Trung Quốc vì không làm gì cả cũng có nghĩa là không bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế quốc gia"- ông Carpio quả quyết.
Trong khi đó, Hạ nghị sĩ đối lập Gary Alejano cho rằng Tổng thống Duterte đang hành động không khác gì "nhà tuyên truyền" của Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ này.
Ông Alejano, người từng đệ đơn yêu cầu luận tội Tổng thống Duterte, khẳng định rằng ông không tin Tổng thống đương nhiệm Philippines sẽ dám trực tiếp đặt vấn đề với ông Tập và thậm chí còn buộc tội ông Duterte rằng: "Ông ấy đang bán đứng chúng ta".
N. Thương (theo The Philippines Star/Người lao động)