Myanmar đã trở thành đề tài nóng với lãnh đạo các doanh nghiệp thời gian gần đây. Nhiều nhà đầu tư còn kỳ vọng nền kinh tế đã trì trệ nhiều thập kỷ này trở thành con hổ mới của châu Á. Tuy nhiên, bài viết của hai tác giả Curtis S.Chin, cựu Đại sứ Mỹ tại Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Jose B. Collazo, một nhà bình luận về Đông Nam Á trên Wall Street Journal lại cho rằng các nhà đầu tư cần thận trọng khi đổ tiền vào Myanmar. Vì tình huống này đã xảy ra với Việt Nam nhiều năm trước.
Năm 1986, Việt Nam bắt đầu đổi mới nền kinh tế khi dỡ bỏ rào cản thương mại và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Hệ thống quản lý tập trung dựa trên trợ cấp của Nhà nước cũng bị hủy bỏ. Lĩnh vực tư nhân được phép cạnh tranh với doanh nghiệp nhà nước trong các ngành phi chiến lược.
Myanmar đã thực hiện rất nhiều cải tổ để mở cửa nền kinh tế. Ảnh: WSJ
Những chính sách đó đã đem lại thành công ban đầu. Vốn đầu tư ào ạt chảy vào Việt Nam, do ưu thế chi phí lao động thấp, chính trị ổn định, tài nguyên dồi dào và thị trường tiêu thụ tiềm năng với 60 triệu người. Việt Nam phát triển rất nhanh thời gian sau đó và trở thành nền kinh tế tăng trưởng mạnh nhất Đông Nam Á. GDP hàng năm tăng 5%, có năm lên trên 8%. Việt Nam còn ký hiệp định thương mại tự do với Mỹ - hiện là đối tác xuất khẩu lớn nhất. Năm 2007, Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Trong giai đoạn 2005 – 2010, đây là một trong những điểm đến hàng đầu của dòng tiền đầu tư trên thế giới.
Tình huống đó cũng tương tự Myanmar hiện nay. Tuy nhiên, đây cũng là lời cảnh báo cho Myanmar, khi Việt Nam đã lãng phí nhiều lợi thế do chậm cải tổ. Chính phủ vẫn chưa mạnh tay cải cách ngân hàng. Các doanh nghiệp nhà nước vẫn chiếm 40% GDP, dù năng suất thấp và liên tục bị nghi ngờ có tham nhũng.
Tiến độ chậm chạp trong một số cải cách chủ chốt đang khiến các nhà đầu tư thêm lo ngại. Chi phí lao động đang tăng và tốc độ tăng trưởng dân số lại giảm. Vốn FDI đã lùi xa so với mức đỉnh và chưa có dấu hiệu biến chuyển.
Theo hai tác giả, các lãnh đạo Myanmar nên có biện pháp tránh rơi vào tình trạng tương tự. Trên một số phương diện, xuất phát điểm của Myanmar tốt hơn. Họ mở cửa nền kinh tế kèm cải cách mạnh tay hơn Việt Nam. Luật đầu tư mới của Myanmar cũng cho phép nước ngoài sở hữu 100% vốn tại một số ngành công nghiệp, như bán lẻ, bán buôn, nhượng quyền và hầu hết các chi nhánh kinh doanh thực phẩm - đồ uống.
Kể cả các lĩnh vực như xây dựng, bất động sản, giao thông, khai khoáng đòi hỏi liên doanh với công ty trong nước, đối tác ngoại cũng được sở hữu tối đa 80%. Trong khi đó, theo luật Việt Nam, tỷ lệ này chỉ là 49%.
Câu chuyện Việt Nam cho thấy mấu chốt là Myanmar phải tiếp tục cải tổ kinh tế. Phép thử đầu tiên là thực thi chiến lược của Tổng thống Thein Sein, tăng cường minh bạch và tư nhân hóa các công ty nhà nước. Hồi tháng 6, hai hãng viễn thông Telenor (Na-uy) và Ooredoo (Qatar) đã được cấp phép khai thác dịch vụ viễn thông tại Myanmar sau nhiều tháng sàng lọc.
Chính phủ Myanmar sẽ phải mở rộng mô hình này sang nhiều ngành công nghiệp khác, đặc biệt là các ngành hấp dẫn như điện hay cơ sở hạ tầng. Kinh nghiệm của Việt Nam cho thấy nếu không tư nhân hóa sớm và hiệu quả, hoạt động kém năng suất tại các ngành này sẽ kéo tụt nền kinh tế, khiến cải cách càng khó khăn.
Quá trình cải tổ mạnh mẽ ở Myanmar đã giúp hoạt động kinh tế tại đây tăng tốc và mở ra nhiều cơ hội mới. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự đoán GDP nước này sẽ tăng 6,8% năm nay, mạnh hơn 5,5% năm ngoái. Dù vậy, hệ thống luật pháp chặt chẽ và lĩnh vực tư nhân phát triển mới là động lực duy trì và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tại đây.
Hà Thu
Theo VnExpress