Trong phát biểu trên truyền hình, ông Chan-O-Cha khẳng định từ 16 giờ 30 phút giờ địa phương, quân đội đã nắm quyền kiểm soát, nhằm bảo vệ cuộc sống của người dân.
Tư lệnh quân đội Thái Lan Prayut Chan-O-Cha
“Nhằm giúp đất nước nhanh chóng trở lại hoạt động bình thường, Ủy ban gìn giữ hòa bình quốc gia, bao gồm quân đội, các lực lượng vũ trang Thái Lan, không quân hoàng gia và cảnh sát cần phải nắm lấy quyền lực từ 16 giờ 30 phút ngày 22/5”, vị tướng lục quân tuyên bố.
Theo tờ Nation của Thái Lan, đảo chính diễn ra sau khi cuộc đối thoại lần hai giữa quân đội, lãnh đạo chính phủ và các đảng phái chính trị đối lập kết thúc mà không đem lại kết quả nào.
Sau khi đối thoại 7 bên thất bại lúc 16 giờ 10 phút, ông Prayuth đã ra lệnh giải tán cuộc họp và đại diện của 5 bên đã bị đưa đi trên các xe tải quân sự, tới trung đoàn bộ binh số 1, nằm gần câu lạc bộ quân đội.
Trước đó, cuộc đối thoại do ông Prayuth làm trung gian có sự góp mặt của lãnh đạo phong trào Áo đỏ, chính phủ Thái Lan, đảng Pheu Thai, đảng Dân Chủ, Ủy ban cải cách dân chủ nhân dân, thượng viện và Ủy ban bầu cử.
Chỉ có đại diện của thượng viện và Ủy ban bầu cử không bị quân đội áp giải đi.
Các binh sỹ Thái Lan đã được triển khai khắp Bangkok từ đầu tuần
Đây là cuộc đối thoại lần hai của các bên trong vòng 2 ngày qua nhằm chấm dứt tình hình bế tắc chính trị hiện tại. Trong hôm qua, các bên đã họp nhưng không đạt được bước đột phá nào ngoài việc đồng ý cân nhắc đề xuất của các bên còn lại.
Đầu tuần này, quân đội Thái Lan đã ban bố tình trạng thiết quân luật nhằm tránh các cuộc đụng độ có thể nổ ra giữa hai phe ủng hộ và phản đối chính phủ.
Cuộc khủng hoảng, vốn bắt đầu từ tháng 11 năm ngoái, đã khiến 28 người thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương, chủ yếu do các vụ ném lựu đạn và nổ súng vào đám đông biểu tình.
Những ngày qua, quân đội Thái Lan vẫn khẳng định sẽ không thâu tóm quyền lực, mà chỉ hành động để ngăn ngừa bạo lực và khôi phục ổn định cho quốc gia bị chia rẽ sâu sắc này. Dù vậy, Thái Lan đã chứng kiến tổng cộng 11 cuộc đảo chính trước cuộc đảo chính hôm nay.
Tờ Bưu điện Bangkok ngày 22/5 cũng có một bài bình luận với tiêu đề: “Đảo chính hay không đảo chính, nhiệm vụ phía trước là khổng lồ”. Bài viết đã tỏ ra hòai nghi về ý định của quân đội, cũng như mục đích được đưa ra để lý giải cho quyết định thiết quân luật.
“Liệu lãnh đạo quân đội có thể thuyết phục các chính trị gia gác lại những khác biệt của họ, và bắt đầu đối thoại, để đặt lợi ích quốc gia lên trên lợi ích của họ? Không ai biết được”, bài báo viết. “Tại thời điểm này, người dân nhân ra rằng họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải đặt lòng tin ở tư lệnh quân đội”.
Thanh Tùng
Theo Dân Trí