Lãnh đạo các nước ASEAN và Tổng thống Mỹ Barack Obama (thứ năm từ trái qua) tại Hội nghị ASEAN - Mỹ lần thứ 2 - Ảnh: Reuters
Nước chủ nhà cũng đã chuyển giao cương vị chủ tịch ASEAN 2015 cho Malaysia.
Về các vấn đề quốc tế và khu vực, Tuyên bố chủ tịch Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 25 tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định, đảm bảo an ninh, an toàn hàng hải, tự do đi lại về hàng hải và hàng không trên biển Đông.
Tuyên bố chủ tịch cũng hoan nghênh các tiến triển tích cực trong tham vấn về thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và nhất trí sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) trên cơ sở đồng thuận.
Các bên nhất trí thúc đẩy tham vấn với Trung Quốc về các biện pháp và cơ chế nhằm đảm bảo và tăng cường hơn nữa việc triển khai đầy đủ và hiệu quả toàn bộ DOC và sớm đạt được COC, đề nghị triển khai thêm các biện pháp "thu hoạch sớm" nhằm thúc đẩy và tăng cường lòng tin ở khu vực.
Tuyên bố cũng bày tỏ quan ngại về tình hình trên biển Đông, tái khẳng định các cam kết chung về đảm bảo giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình phù hợp với các nguyên tắc đã được thừa nhận chung của luật pháp quốc tế.
Tôn trọng luật pháp trong giải quyết tranh chấp
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hôm qua đã có cuộc gặp chính thức với Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Myanmar.
Tại cuộc gặp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Obama bày tỏ vui mừng trước những tiến triển đạt được trong quan hệ hai nước trên các lĩnh vực, nhất là từ khi Việt Nam và Hoa Kỳ thiết lập khuôn khổ hợp tác đối tác toàn diện năm 2013, cùng tích cực tham gia đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Việt Nam quyết tâm cùng với Mỹ và các nước tích cực thúc đẩy tiến trình đàm phán trên cơ sở đảm bảo cân bằng lợi ích của các bên tham gia và dành cho các thành viên đang phát triển, trong đó có Việt Nam, thời gian chuyển đổi hợp lý để thực thi hiệp định.
Về TPP, ông Obama khẳng định sẽ xem xét dành những linh hoạt cần thiết đối với Việt Nam và phù hợp với lợi ích của cả hai bên.
Ông Obama khẳng định Mỹ mong muốn thấy một đất nước Việt Nam phát triển mạnh mẽ, thịnh vượng. Ông cũng nói ông thấy các cơ hội để tăng cường hợp tác với Việt Nam trong nhiều lĩnh vực.
Theo AP, ông Obama đã dẫn ra các lĩnh vực mà hai nước có thể tăng cường hợp tác, trong đó có thương mại và an ninh.
Ông nói cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo đem lại cho cả đôi bên những cơ hội hợp tác và đầu tư.
Theo TTXVN, hai nhà lãnh đạo đã trao đổi về các vấn đề quốc tế, khu vực quan trọng nhằm tăng cường quan hệ hợp tác song phương và trong khuôn khổ các diễn đàn ASEAN liên quan, đóng góp tích cực và xây dựng vào việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và hợp tác ở khu vực, nhất là không làm thay đổi nguyên trạng tại biển Đông.
Reuters dẫn lời ông Obama phát biểu rằng điều quan trọng đối với tất cả các nước trong khu vực, dù lớn dù nhỏ, là đều phải tôn trọng luật pháp dựa trên các thông lệ để giải quyết tranh chấp.
Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tham dự Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 9 tại Myanmar với sự tham gia của các lãnh đạo ASEAN, Úc, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Nga, Mỹ và tổng thư ký ASEAN.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN - Hoa Kỳ lần thứ 2, cấp cao ASEAN - Trung Quốc lần thứ 17 và cấp cao ASEAN+3 lần thứ 17.
Lãnh đạo các nước dành thời gian trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, trong đó có vấn đề biển Đông.
Trung Quốc cần sự ủng hộ của ASEAN
Tại Myanmar, hôm qua Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã đề xuất một hiệp ước hữu nghị với các nước Đông Nam Á. Nói với các lãnh đạo tại hội nghị, ông Lý phát biểu: “Trung Quốc sẵn sàng để trở thành đối tác đối thoại đầu tiên ký với ASEAN một hiệp ước hữu nghị và hợp tác”.
Giới quan sát bình luận hiệp ước được coi là một nỗ lực của Bắc Kinh nhằm xua tan mọi quan điểm cho rằng Trung Quốc là một mối đe dọa.
South China Morning Post dẫn lời ông Lý cam kết tự do hàng hải và an ninh trên biển Đông sẽ được đảm bảo và Trung Quốc sẽ tăng cường đối thoại với các nước Đông Nam Á để xây dựng bộ quy tắc ứng xử trên các vùng biển tranh chấp.
Thế nhưng, theo Reuters, ông Lý vẫn một mực lặp lại quan điểm của Trung Quốc là giải quyết tranh chấp lãnh thổ với từng nước Đông Nam Á chứ không giải quyết đa phương hoặc qua trọng tài.
Philippines tỏ ra lạnh nhạt với đề xuất về hiệp ước hữu nghị của Trung Quốc. Các nguồn tin ngoại giao Philippines nói đề xuất này thiếu thực chất và chẳng khác gì đề xuất mà Manila đưa ra năm 2012 nhưng bị Bắc Kinh phớt lờ.
Trong khi đó, có ý kiến cho rằng Trung Quốc cần các chiến thuật khác nhau đối với tranh chấp trên biển Đông để giành lấy sự ủng hộ của ASEAN đối với các dự án khác của Bắc Kinh.
Cụ thể, Trung Quốc cần sự ủng hộ của các nước Đông Nam Á về Con đường tơ lụa trên biển.
Trong khi Con đường tơ lụa trên đất liền đã có những tiến triển đáng kể thì con đường trên biển vẫn còn u ám, một phần do các nước láng giềng dè chừng Trung Quốc.
Tờ The Diplomat chỉ ra rằng nếu tranh chấp trên biển tiếp tục, Đông Nam Á sẽ trở thành mắt xích bị thiếu trong Con đường tơ lụa trên biển của Trung Quốc.
Với việc Ấn Độ chưa chắc chắn về việc tham gia, Con đường tơ lụa trên biển có nguy cơ bị “chìm xuồng” nếu các nước thành viên ASEAN tránh xa sáng kiến này.
The Diplomat bình luận: “Nếu Trung Quốc thật sự muốn hợp tác với ASEAN với tư cách là một khối để đảm bảo hòa bình và ổn định trên biển Đông (với bước đầu tiên là xây dựng COC), Bắc Kinh sẽ phải bước đi trên một con đường dài trước mặt để giảm căng thẳng với các nước Đông Nam Á”.
Việt Phương