Chính sách mới >> Quốc tế 24/02/2015 09:53 AM

Trung Quốc xây đảo nhân tạo, củng cố sức mạnh sâu trong Biển Đông

24/02/2015 09:53 AM

Trung Quốc đang tạo ra các đảo nhân tạo trên Biển Đông nhanh tới mức Bắc Kinh có thể mở rộng tầm hoạt động của hải quân, không quân, tuần duyên và đội tàu cá trước sự lo ngại của các bên tuyên bố chủ quyền khác trên Biển Đông – bài viết của Reuters cuối tuần qua cho biết.

Tàu Trung Quốc cải tạo các bãi đá ở Trường Sa.

Cực kỳ tham vọng

Việc cải tạo đất đai tiến triển rất nhanh trên 6 bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa – theo các bức ảnh vệ tinh mới công bố, và theo các quan chức Philippines. Trong tháng Hai này, Philippines cũng cho biết, máy xúc của Trung Quốc đã bắt đầu việc cải tạo trên bãi đá thứ 7.

Trong khi các đảo mới không lật ngược ưu thế quân sự của Mỹ trong khu vực, người Trung Quốc đang xây các cảng biển, kho chứa nhiên liệu và có thể là 2 đường băng mà các chuyên gia nói rằng, chúng sẽ cho phép Bắc Kinh thúc đẩy sức mạnh của họ vào sâu trong vùng biển trung tâm của Đông Nam Á.

“Việc cải tạo đất đai này lớn hơn và tham vọng hơn nhiều so với tất cả chúng ta từng nghĩ” – một nhà ngoại giao phương Tây nói. “Ở nhiều cấp độ khác nhau, sẽ rất khó để đối phó với Trung Quốc trên Biển Đông khi việc này tiến triển”.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với hầu hết Biển Đông, khu vực được cho là có nguồn năng lượng dồi dào và mỗi năm lưu lượng thương mại qua đây trị giá tới 5.000 tỉ USD. Họ bác bỏ sự phản đối ngoại giao từ phía Philippines và Việt Nam cũng như sự chỉ trích từ phía Mỹ về việc cải tạo các bãi đá, nói rằng việc này là “trong phạm vi chủ quyền của Trung Quốc”. 

Trực thăng Trung Quốc tập trận chung với Nga trên Biển Hoa Đông tháng 5.2014.

Phân tích các hình ảnh vệ tinh của tạp chí quốc phòng IHS Jane’s công bố hôm 18.2 cho thấy, một cơ sở mới đã được xây dựng trên bãi Tư Nghĩa. Tạp chí này miêu tả đây là “một cơ sở lớn” đã được xây dựng trên 75.000 m2 cát được cải tạo từ tháng 8.2014. Tạp chí này cũng công bố các hình ảnh trên đá Chữ Thập, nơi giờ đây gồm cả một hòn đảo được cải tạo dài hơn 3km mà các chuyên gia cho rằng rồi nó sẽ trở thành một đường băng.

Việc cải tạo đất đai cũng diễn ra nhanh chóng trên đá Ga Ven, Châu Viên, đá Eldad, và việc nạo vét mới đang diễn ra trên đá Vành Khăn.

Lợi ích cho ngư dân

Trong khi có khả năng Trung Quốc sử dụng các đảo nhân tạo này để tiếp dầu cho máy bay trong các cuộc xung đột, song một số chuyên gia cũng nhấn mạnh những lợi ích phi quân sự đáng kể.

Trung Quốc có thể duy trì đội tàu cá và cảnh sát biển của họ làm việc trong khu vực Đông Nam Á hiệu quả hơn, thủy thủ đoàn có thể được tiếp tế và nghỉ ngơi – Carl Thayer, chuyên gia về Biển Đông ở Học viện Quốc phòng Australia tại Canberra nói. Các nhà khai thác dầu khí cũng có những lợi ích tương tự.

Tháng 7.2014, Reuters đã đưa tin rằng chính quyền Trung Quốc khuyến khích ngư dân đánh cá ở Trường Sa và thường trợ giá nhiên liệu cho họ – mặc dù quần đảo này cách đại lục Trung Quốc tới 1.300km.

Trước khi cải tạo đất đai, các cơ sở của Trung Quốc chỉ là những tòa nhà thấp, những đài radar xây trên các bãi đá, với hạ tầng kho chứa và bến tàu rất giới hạn, trái ngược với các đảo tự nhiên do Đài Loan và Philippines chiếm đóng.

“Ngay cả trước khi đánh giá các vấn đề quân sự, việc mở rộng đội tàu cá và cảnh sát biển của Trung Quốc cũng là một sự thay đổi chiến lược khiến bất kỳ ai khó khăn khi đối phó” – ông Thayer nhận xét. “Rồi sau đó lực lượng hải quân bắt đầu xuất hiện”. Ông Thayer nhấn mạnh rằng, dù không có tuyên bố chủ quyền hợp pháp nào có thể mở rộng từ một đảo nhân tạo, song Trung Quốc có thể hành động một cách hiệu quả để buộc các nước tranh chấp khác rời khỏi các vùng biển xung quanh.

Các nhà phân tích chiến lược  Trung Quốc nói rằng, việc củng cố trên các đảo xuất phát từ cái mà Trung Quốc cho là mối đe dọa an ninh, đặc biệt là nhu cầu kìm hãm Việt Nam, nước hiện giờ kiểm soát nhiều đảo nhất ở quần đảo Trường Sa với 25 căn cứ trên các bãi đá và rạn san hô. Việt Nam cũng đang lặng lẽ xây dựng một đội tàu ngầm của họ. Giữa hai nước đã xảy ra các trận hải chiến năm 1988, và Trung Quốc chiếm các đảo đầu tiên trong các đảo họ kiểm soát ở Trường Sa, kể cả bãi Chữ Thập, từ tay Việt Nam.

Một số tùy viên quân sự trong khu vực tin rằng, rồi cuối cùng Trung Quốc sẽ sử dụng các cơ sở trực thăng trên các đảo mới để điều hành hoạt động chống tàu ngầm.

Việc cải tạo các bãi đá tiến triển rất nhanh.

“Điều này ít ý nghĩa quan trọng về chính trị và pháp lý, mà nhiều ý nghĩa về an ninh – theo góc nhìn của Trung Quốc” – Zhang Baohui, chuyên gia về quốc phòng đại lục  tại Đại học Lĩnh Nam Hồng Kông cho biết.

Lỗ hổng chiến lược

Gary Li, nhà phân tích an ninh độc lập ở Bắc Kinh, tin rằng bất kỳ lợi ích quân sự nào từ các đảo mới là tương đối nhỏ, nếu xét về khoảng cách rất xa từ đại lục Trung Quốc. “Tôi ngờ rằng việc cải tạo đất đai này chỉ có các tác dụng chiến thuật được địa phương hóa trong  lĩnh vực quân sự”.

Việc Trung Quốc thiếu các căn cứ quân sự ngoài khơi và các cảng biển hữu nghị để ghé thăm đã trở nên rõ rệt trong năm 2014, khi các tàu tiếp tế hải quân Trung Quốc lên đường tới Australia để bổ sung cho các tàu chiến giúp tìm kiếm máy bay của Malaysia mất tích ở Đại Tây Dương. Các nhà hoạch định hải quân biết rằng họ sẽ phải lấp đầy lỗ hổng chiến lược này để đáp ứng mong mỏi của Bắc Kinh về việc có hải quân hoạt động đầy đủ ở các vùng biển nước sâu trước năm 2050.

Cấp bách hơn, một số nhà phân tích tin rằng, các đảo nhân tạo này sẽ đem lại cho Trung Quốc tầm với để tạo ra và giám sát một vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trên Biển Đông. Trung Quốc đã bị Nhật Bản và Mỹ lên án khi áp đặt ADIZ trên Biển Hoa Đông cuối năm 2013 – là vùng mà các máy bay phải thông báo nhận diện cho chính quyền Trung Quốc. Nước này đã bác bỏ những phỏng đoán họ sẽ làm tiếp tục như vậy trên Biển Đông.

Roilo Golez, cựu cố vấn an ninh quốc gia Philippines, phỏng đoán rằng Trung Quốc sẽ hoàn thành việc cải tạo đất đai vào đầu năm 2016 và tuyên bố một ADIZ trong vòng 3 năm. “Họ đang nối các chấm với nhau. Họ đang thực sự dành toàn lực cho việc này” – ông Golez nói.

Theo Báo Lao Động

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 4,685

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]