Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, dịch vụ của các đơn vị là trung gian thanh toán (TGTT), nhất là ví điện tử, phát triển rất nhanh trong những năm gần đây. Tuy nhiên, cùng với sự hiện đại, tiện ích thì loại hình dịch vụ trung gian này cũng tiềm ẩn không ít rủi ro. Đã đến lúc xây dựng một hành lang pháp lý chặt chẽ hơn đối với loại hình dịch vụ này.
Lợi thì có lợi...
Ví điện tử là giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt khá thông minh đã được nhiều nước tiên tiến trên thế giới sử dụng. Sự tiện lợi mà ví điện tử mang lại sẽ góp phần tạo nên thói quen tiêu dùng không sử dụng tiền mặt.
Hiện nay, dịch vụ ví điện tử ở Việt Nam được khá nhiều công ty cung ứng, trong đó có 9 công ty đã được NHNN cấp phép thực hiện cung ứng thí điểm bao gồm MobiVi, VietUnion, VNPay, VinaPay, Smartlink, M_Service, VNPT-EPAY, PeaceSoft và ECPay.
Tổng giám đốc Công ty M_Service Nguyễn Bá Diệp cho rằng, ví điện tử được coi như cánh tay nối dài của ngân hàng, giúp cho cả những người có thu nhập trung bình và thấp cũng có thể tiếp cận với dịch vụ thanh toán hiện đại này.
Ví điện tử nở rộ trong thời gian gần đây nhưng chưa thực sự thành công bởi một trong những nguyên nhân chính là do không có nhiều kênh nạp tiền vào ví. Theo quy định hiện nay, khách hàng chỉ có kênh duy nhất nạp tiền vào ví là qua ngân hàng. Do đó, theo ông Diệp, NHNN cần xây dựng nghị định hướng dẫn cụ thể về thanh toán không dùng tiền mặt, trong đó có ví điện tử.
Nhưng phải quản chặt
Thực tế hiện nay, các tổ chức cung ứng dịch vụ TGTT đang trực tiếp xử lý dữ liệu thanh toán/dữ liệu giá trị giữa các khách hàng của ngân hàng này với khách hàng của ngân hàng khác; giữa các ngân hàng với nhau... Do đó các tổ chức này có thể nắm được thông tin cá nhân và thông tin giao dịch của khách hàng, qua đó tạo ra các giao dịch gian lận, gây tổn thất cho khách hàng và ngân hàng.
Ông Võ Văn Khang - Phó tổng giám đốc NHTMCP Việt Á (VietABank) cho biết, hiện nay các ví điện tử mà ta gọi là TGTT không làm thay các dịch vụ của ngân hàng. Tuy nhiên cũng phải xem xét lại các dịch vụ. Rút tiền mặt là chức năng của ngân hàng chứ không phải chức năng của các ví. Nếu chúng ta cho phép các dịch vụ thu tiền, huy động tiền, rút tiền quá dễ dãi sẽ dẫn đến không quản lý được, thứ nhất về tiền, thứ hai về các vấn đề rủi ro khác liên quan tới thanh toán.
Các tổ chức không phải là ngân hàng cung ứng dịch vụ TGTT đang trở thành một cấu phần tham gia vào các hệ thống thanh toán, phục vụ cho nhiều đối tượng khách hàng và nhiều ngân hàng khác nhau. Thời gian qua, các ngân hàng rất thận trọng khi liên kết với các công ty cung cấp dịch vụ ví điện tử.
Phó tổng giám đốc NHTMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Nguyễn Thu Hà cho rằng, tài khoản trong ví điện tử gần giống như tài khoản trong ngân hàng khi nó được thực hiện chức năng thanh toán.
Đối với ngân hàng, để được nhận tiền gửi thì ngân hàng phải thực hiện hàng loạt các quy định như quy chế mở tài khoản, về định danh khách hàng; phải có tỷ lệ dự trữ bắt buộc kèm theo; các biện pháp phòng chống rửa tiền... Liệu chúng ta có quản lý được như vậy đối với các đơn vị TGTT, vì khi ví điện tử được trữ tiền thật thì họ không khác gì một ngân hàng.
Ông Bùi Quang Tiên - Vụ trưởng Vụ thanh toán (NHNN) khẳng định: các trung gian cung ứng dịch vụ thanh toán không phải là ngân hàng. NHNN nhận thấy cần phải nhanh chóng có những quy định cụ thể nhằm hướng dẫn và điều chỉnh các hoạt động này, làm cơ sở pháp lý cho các tổ chức triển khai hoạt động kinh doanh của mình. NHNN đang xây dựng Dự thảo Nghị định về Thanh toán không dùng tiền mặt; trong đó bao gồm những quy định cụ thể về dịch vụ TGTT. Dự thảo Nghị định này sớm trình Chính phủ để ứng dụng vào thực tiễn hiện nay.
Theo Minh Hiếu
Thời báo ngân hàng