Trong số 10 kiến nghị của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XII, có việc tạm dừng thành lập tập đoàn kinh tế nhà nước. Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Hà Văn Hiền (nguyên chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XII) cho biết:
- Ngay sau khi thí điểm thành lập tám tập đoàn kinh tế đầu tiên, chúng tôi đã có đề xuất với cơ quan cấp trên là nên tạm dừng thành lập mới các tập đoàn kinh tế nhà nước. Trước hết cần tổng kết lại mô hình các tập đoàn kinh tế hiện tại, đánh giá toàn diện hiệu quả cũng như những yếu tố chưa phù hợp của các tập đoàn trong quá trình hoạt động để làm cơ sở tiếp tục thực hiện chủ trương này.
Trước đây, khi tiến hành cuộc giám sát tối cao việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý vốn, tài sản nhà nước tại các tập đoàn và tổng công ty nhà nước, Quốc hội đã chỉ ra một số vấn đề chưa phù hợp.
Ví dụ mối quan hệ giữa công ty mẹ và các công ty con về quản lý vốn, vấn đề thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu, chức năng quản lý nhà nước, vấn đề quản trị doanh nghiệp ở các tập đoàn, tổng công ty này... Có ý kiến còn cho rằng việc thành lập các tập đoàn kinh tế nhà nước như vừa qua còn mang nặng tính hành chính. Tất cả vấn đề đó cần được tổng kết, nghiên cứu để đưa ra một mô hình phù hợp.
* Theo ông, vấn đề đáng quan tâm nhất đối với doanh nghiệp nhà nước, nhất là các tập đoàn kinh tế hiện nay là gì?
- Trước hết là chế độ trách nhiệm phải rõ ràng. Thứ hai là quản trị của Nhà nước đối với doanh nghiệp và quản trị trong nội bộ doanh nghiệp phải có đổi mới, nếu vẫn đi theo mô hình cũ hiệu quả sẽ thấp. Đây là vấn đề khá quan trọng chi phối hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Vấn đề này có sự khác biệt khá rõ giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Có ý kiến của một chuyên gia nước ngoài cho rằng việc làm ăn của doanh nghiệp có hiệu quả hay không, không hẳn do thuộc mô hình doanh nghiệp nhà nước hay tư nhân mà phải xem xét vấn đề quản trị của doanh nghiệp đó như thế nào.
* Trong bài viết mới đây, Thủ tướng Chính phủ khẳng định một trong những đột phá của nhiệm kỳ này là tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Theo ông, mục tiêu trên sẽ được thực hiện như thế nào?
- Suốt thời gian qua chúng ta đã theo đuổi mục tiêu này, ví dụ như trước đây có Luật đầu tư nước ngoài, Luật doanh nghiệp nhà nước, hiện nay chỉ có một Luật doanh nghiệp... Nhiều chính sách khác đã được ban hành với mục đích đặt các doanh nghiệp trên một sân chơi bình đẳng như nhau.
Tuy nhiên, doanh nghiệp nhà nước có những trách nhiệm riêng, là một công cụ mà Nhà nước sử dụng nhằm thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội. Vì vậy trong kiến nghị của Ủy ban Kinh tế trước đây có đề nghị sớm hình thành luật đầu tư vốn của Nhà nước vào khu vực kinh doanh. Tới đây Luật đầu tư công sẽ ra đời, chúng tôi có kiến nghị trong luật này nên có một chương nói về việc sử dụng vốn của Nhà nước đầu tư vào khu vực sản xuất kinh doanh...
Theo V.V.Thành-L.Hoài
Tuổi trẻ