Những bất cập
trong lập và trình bày báo cáo tài chính tại các công ty chứng khoán
Trong giai đoạn 2009 - 2015, phần lớn các công ty chứng khoán
(CTCK) đã thực hiện việc trình bày các yếu tố trên báo cáo tài chính (BCTC)
theo đúng quy định của chuẩn mực kế toán và chế độ kế toán. Tuy nhiên, một số
CTCK vẫn vi phạm các quy định của chuẩn mực, kế toán trong việc ghi nhận các
khoản mục tài sản, nợ phải trả, vốn chủ sở hữu, doanh thu, chi phí… làm suy
giảm tính tin cậy của thông tin BCTC. Cụ thể, những bất cập trong lập và trình
bày báo cáo tài chính tại các CTCK được thể hiện như sau:
Thứ nhất, chỉ tiêu “tiền và tương
đương tiền” trên bảng cân đối kế toán các CTCK phản ánh cả tiền gửi giao dịch
chứng khoán của nhà đầu tư (NĐT) lẫn của CTCK; báo cáo lưu chuyển tiền tệ phản
ánh cả dòng tiền tham gia giao dịch chứng khoán của NĐT. Việc để gộp các tài
khoản này với nhau như hiện nay đang làm xuất hiện con số hàng ngàn tỷ trên
bảng chế độ kế toán và báo cáo lưu chuyển tiền tệ của CTCK, khiến trong nhiều
trường hợp, CTCK có vị thế được nâng lên quá cao và bị “thổi phồng” giá trị
thật. Hệ quả là không phản ánh kịp thời, trung thực tình hình tài chính của các
CTCK. Đã có các trường hợp CTCK không tách bạch được tiền gửi của NĐT, lợi dụng
tài khoản, thậm chí chiếm đoạt tiền gửi của khách hàng cho các mục đích khác,
sau đó mất khả năng thanh toán. Trong thời gian qua, một số CTCK đã bị phát
hiện và xử lý như CTCK VSM, CTCK Công nghiệp Việt Nam, CTCK An Phát…
Thứ hai, giá trị trích lập dự phòng
giảm giá đầu tư chứng khoán của các CTCK nhiều khi không chính xác, đặc biệt
đối với chứng khoán phi tập trung - (OTC). Điều này đã dẫn đến một số tình
trạng: (i) Mức dự phòng trích lập chứng khoán OTC không chính xác, do tính
trung thực của bảng giá CTCK cung cấp; (ii) chứng khoán không có giá tham khảo;
(iii) tạo ra giao dịch ảo để có cơ sở trích lập dự phòng.
Thứ ba, các khoản hỗ trợ tài chính
cho khách hàng. Hiện các CTCK thực hiện việc hỗ trợ tài chính cho khách hàng
thông qua một số hình thức như hợp đồng hợp tác đầu tư, margin, repo, cho vay
ứng trước tiền bán chứng khoán. Bản chất của những hoạt động này là việc CTCK
cho khách hàng vay. Đây là lĩnh vực mang lại nguồn lợi nhuận khá lớn cho các
CTCK nhưng cũng chứa đựng đầy rủi ro, đặc biệt là khi hoạt động tài trợ cho
khách hàng là đáng kể và trường hợp thị trường gặp khó khăn, suy giảm mạnh. Tuy
nhiên, giá chứng khoán thì giảm sút, khả năng thanh khoản thấp.
Thứ tư, việc ghi nhận chứng khoán phái sinh. Hiện nay, các CTCK hạch toán
nghiệp vụ chưa thống nhất và chưa có quy trình xử lý kế toán, nếu khi mua tài
sản là công cụ tài chính phái sinh, công ty sẽ ghi nhận theo giá gốc; quá trình
nắm giữ, nếu giảm giá thì có thể lập dự phòng rủi ro; khi bán, tất toán công cụ
tài chính phái sinh, xác định chênh lệch và ghi nhận vào thu nhập khác hoặc chi
phí khác. Do đó, chưa có quy định về các chỉ tiêu kinh tế tài chính được trình
bày trên BCTC đối với các đối tượng nhằm cung cấp thông tin cho người sử dụng
BCTC.
Thứ năm, một số sai sót khác: Các CTCK vẫn còn tồn tại một số sai sót khác
trong việc ghi nhận lãi dồn tích trước khi mua của các khoản đầu tư tài chính;
nhận cổ tức bằng cổ phiếu; việc hạch toán các giao dịch ngoại tệ và trình bày
thông tin về ngoại tệ trên BCTC chưa thực sự đầy đủ…
Giải pháp hoàn thiện việc lập và trình bày báo cáo tài chính tại
các công ty chứng khoán
Thứ nhất, hiện nay trên bảng cân đối kế toán của CTCK chỉ tiêu “Tiền và
tương đương tiền” phản ánh cả tiền gửi giao dịch chứng khoán của NĐT lẫn của
CTCK, báo cáo lưu chuyển tiền tệ phản ánh cả dòng tiền tham gia giao dịch chứng
khoán của NĐT. Vì vậy, ở góc độ quản lý, bảng cân đối kế toán không thể hiện rõ
quy mô và năng lực của CTCK. Để khắc phục tình trạng này, chế độ kế toán CTCK
cần sửa đổi theo hướng tách biệt hẳn tài sản của khách hàng và tài sản của công
ty, tài sản của khách hàng CTCK nên coi như các khoản giữ hộ hoặc ký gửi và
được phản ánh ngoài bảng cân đối kế toán.
Thứ hai, để theo dõi và quản lý tốt
các khoản cho vay ký quỹ margin, cho vay ứng trước tiền bán chứng khoán… Bộ Tài
chính nên đưa ra quy định phân loại các khoản cho vay của CTCK theo chất lượng
các khoản cho vay và hướng dẫn trích lập dự phòng rủi ro cho vay tương tự như
quy định đối với các tổ chức tín dụng.
- Về việc phân loại các khoản cho vay: Hiện cách
phân loại của các tổ chức tín dụng ở Việt Nam về cơ bản phù hợp với thông lệ về
phân loại nợ trong ngành Tài chính ngân hàng trên thế giới và trong khu vực. Cụ
thể, theo đó, các khoản cho vay của các CTCK cũng được phân thành 5 nhóm lớn:
Nhóm 1 - Nợ đủ tiêu chuẩn: là các khoản nợ được CTCK đánh giá là có khả năng
thu hồi đầy đủ cả gốc và lãi đúng hạn; Nhóm 2 - Nợ cần chú ý là các khoản nợ có
dấu hiệu khách hàng suy giảm khả năng trả nợ; Nhóm 3 - Nợ dưới tiêu chuẩn là
các khoản nợ có khả năng tổn thất một phần nợ gốc và lãi; Nhóm 4 - Nợ nghi ngờ:
là các khoản nợ có khả năng tổn thất cao; Nhóm 5 - Nợ có khả năng mất vốn là
các khoản nợ được đánh giá là không còn khả năng thu hồi.
- Việc xác định và hạch toán dự phòng rủi ro cho vay: Dự phòng
rủi ro cho vay thực chất là sự điều chỉnh giảm vào giá trị ghi sổ của các khoản
cho vay để phản ánh giá trị có thể thu hồi được của khoản mục tài sản này. Theo
nguyên tắc thận trọng của kế toán, khi có chứng cứ về sự giảm giá trị, CTCK
tiến hành đánh giá mức giảm giá trị để tiến hành trích lập dự phòng cụ thể và
dự phòng chung…
Thứ ba, để phục vụ cho việc ra đời và hoạt động của TTCK phái sinh, Việt
Nam cần xem xét sửa đổi Luật Kế toán và cho phép sử dụng cơ sở đo lường theo
giá trị hợp lý; ban hành chuẩn mực kế toán công cụ tài chính, chuẩn mực về giá
trị hợp lý cũng như các thông tư hướng dẫn kế toán các công cụ tài chính phái
sinh.
Đặc biệt, đối với các CTCK thỏa mãn các điều kiện về vốn cũng như
một số các điều kiện khác khi tham gia vào thị trường chứng khoán phái sinh
CTCK có thể tham gia vào hoạt động môi giới chứng khoán phái sinh; tự doanh
chứng khoán phái sinh (với mục đích kinh doanh hoặc phòng ngừa rủi ro). Vì vậy,
kế toán CTCK cũng phải đưa ra những hướng dẫn để CTCK ghi nhận những khoản chi
phí, doanh thu liên quan đến việc môi giới chứng khoán phái sinh, cũng như ghi
nhận giá trị chứng khoán phái sinh tự doanh cũng như lãi lỗ từ hoạt động tự
doanh chứng khoán phái sinh.
Để phản ánh giá trị các công cụ tài chính phái sinh trên các BCTC,
một số chỉ tiêu cần được bổ sung như sau:
- Trên bảng cân đối kế toán bổ sung các chỉ tiêu “Tài sản phái
sinh ngắn hạn”; “Tài sản phái sinh dài hạn”; “Nợ phải trả phái sinh ngắn hạn”;
“Nợ phải trả phái sinh dài hạn”; “Chênh lệch đánh giá lại công cụ tài chính”.
- Trên thuyết minh BCTC bổ sung các mục mô tả chi tiết về các điều
khoản và đặc điểm của từng công cụ tài chính phái sinh sử dụng cho mục đích
kinh doanh và cho mục đích phòng ngừa rủi ro…
Thứ tư, để tạo được sự nhất quán
giữa các CTCK, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phân tích và so sánh thông tin
cũng như phản ánh đúng bản chất và tầm quan trọng của các khoản mục, Việt Nam
cần có quy định rõ ràng, cụ thể xem khoản phải thu phát sinh từ giao dịch ký
quỹ, hợp đồng hợp tác kinh doanh và ứng trước tiền bán chứng khoán được trình
bày trên bảng cân đối kế toán ở chỉ tiêu nào (ở chỉ tiêu “Phải thu khách hàng”
hay “phải thu hoạt động giao dịch chứng khoán” hay “đầu tư tài chính ngắn hạn
khác”); Hay tương tự đối với khoản tiền gửi ký quỹ của nhà đầu tư (ở chỉ tiêu
“các khoản phải trả phải nộp khác” hay “phải trả hoạt động giao dịch chứng
khoán”).
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ
Tài chính, Hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam;
2. Bộ Tài chính, Thông
tư số 95/2008/TT-BTC hướng dẫn chế độ kế toán CTCK;
3. Bộ Tài chính, Thông
tư 162/2010/TT-BTC sửa đổi, bổ sung
một số điều của Thông tư 95/2008/TT-BTC;
4. www.cophieu68.vn;
5. www.tinnhanhchungkhoan.vn.
MỌI VƯỚNG MẮC VỀ VẤN ĐỀ NÀY, VUI LÒNG GỬI TẠI ĐÂY, ĐỂ ĐƯỢC LUẬT SƯ TƯ VẤN CỤ THỂ. |