Chính sách mới >> Tài chính 27/05/2017 08:50 AM

Ưu đãi gì cho các đặc khu kinh tế?

27/05/2017 08:50 AM

Mô hình hoạt động cũng như một loạt ưu đãi lớn dành cho 3 đặc khu kinh tế là Vân Đồn (thuộc tỉnh Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang) đã được các cơ quan liên quan đề xuất.

Phú Quốc

Phú Quốc, một trong 3 đặc khu kinh tế của Việt Nam sẽ được thành lập trong thời gian tới. Ảnh: ST​​​.

Nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh các ưu đãi, cần phải tạo ra thể chế vượt trội để các đặc khu kinh tế này có điều kiện thực sự hoạt động hiệu quả, năng động, trở thành mũi nhọn trong phát triển kinh tế.

Giao thêm thẩm quyền

Theo Bộ KH&ĐT, việc xây dựng mô hình đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt ở nước ta với các cơ chế, chính sách về hành chính và kinh tế đột phá, cạnh tranh quốc tế, tạo mô hình động lực phát triển mới, có tác động lan tỏa tích cực ra các vùng và cả nước là hết sức cần thiết và cấp bách. Cuối năm 2016, Chính phủ đã thống nhất nguyên tắc xây dựng mô hình 3 đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt là Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc theo định hướng mỗi đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt lựa chọn phát triển thế mạnh riêng có, nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế so sánh của mỗi đơn vị, tạo động lực phát triển mới, bảo đảm phân bổ nguồn lực theo vùng, tạo hiệu ứng lan tỏa trên phạm vi cả nước.

Về hiệu quả kinh tế của các đặc khu kinh tế, Bộ KH&ĐT cũng đã cho biết một số chỉ tiêu định lượng khi triển khai mô hình đặc khu. Theo kết quả đánh giá, sau giai đoạn 2020, các đặc khu có đóng góp về thu ngân sách, tăng trưởng GDP, thu nhập bình quân đầu người. Đơn cử, tại đặc khu kinh tế Vân Đồn ước tính Nhà nước thu được khoảng 1,9 tỷ USD từ thuế và phí, 2,1 tỷ USD từ các nguồn thu từ đất, các DN tạo giá trị gia tăng khoảng 9,7 tỷ USD trong giai đoạn 2021-2030, nâng mức thu nhập bình quân đầu người lên 5.000 USD vào năm 2020 và 12.500 USD vào năm 2030. Với Phú Quốc, theo tính toán, Nhà nước sẽ thu được khoảng 3,3 tỷ USD từ thuế và phí và các nguồn thu từ đất, các DN tạo giá trị gia tăng khoảng 19 tỷ USD trong giai đoạn 2017 -2030. Thu nhập bình quân đầu người cũng được nâng lên khoảng 5.300 USD vào năm 2020 và 13.000 USD vào năm 2030. Đặc khu Vân Phong cũng dự kiến sẽ đem lại khoảng 1,2 tỷ USD từ thuế và phí, 1 tỷ USD từ các nguồn thu từ đất, các DN tạo giá trị gia tăng khoảng 10 tỷ USD trong giai đoạn 2017 -2030,

Về mô hình tổ chức và quản lý, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt là đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc tỉnh. Tổ chức chính quyền tại đây sẽ gồm có HĐND và UBND, trong đó, HĐND được tổ chức 2 cấp gồm HĐND đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và HĐND các phường. UBND cũng được tổ chức thành  2 cấp tương tự, trong đó nhất thể hóa chức danh Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND. Đáng lưu ý, sẽ có những quyền, thẩm quyền hiện thuộc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành, HĐND, UBND và các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh được giao cho chính quyền đặc khu. Mục tiêu là sẽ xây dựng chính quyền của đặc khu với bộ máy quản lý hành chính tinh gọn; có thẩm quyền phù hợp, hiệu lực, hiệu quả; được áp dụng thủ tục hành chính thuận lợi, đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư, tổ chức và cá nhân theo chuẩn mực quốc tế.

Đánh giá về mô hình hành chính của các đặc khu được đề xuất, chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ cho biết, đây là một thử nghiệm để thực hiện những cải cách trong cả nước mà ta đang theo đuổi, ở mức cao hơn bình thường nhằm tạo thuận lợi nhiều nhất cho các chủ thể kinh tế, nhất là nhà đầu tư nước ngoài và người dân tham gia các hoạt động kinh tế và phát triển xã hội. Tuy nhiên, chuyên gia Lưu Bích Hồ cũng cho rằng, vì trong khuôn khổ Hiến pháp nước ta cho phép, nên nếu so với mô hình các đặc khu kinh tế của các nước, mức độ tự chủ, tự quản của mô hình ở ta còn thấp hơn.

Hấp dẫn không chỉ từ thuế, phí

Để thu hút các nhà đầu tư, Bộ KH&ĐT cũng xác định xây dựng các chính sách về kinh tế - xã hội ưu đãi cao hơn và thuận lợi hơn các luật hiện hành và các dự kiến cam kết quốc tế sắp tới của Việt Nam, đảm bảo vượt trội và cạnh tranh quốc tế.

Với nhóm chính sách về tài chính, ngân sách, Bộ KH&ĐT đề xuất cho phép để lại toàn bộ số thu của các đặc khu trong một thời gian cần thiết, ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu cho các đặc khu, điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách địa phương về Trung ương để tạo nguồn vốn đầu tư và hỗ trợ đầu tư xây dựng một số hệ thống kết cấu hạ tầng thiết yếu của các đặc khu này và đào tạo nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, Bộ KH&ĐT cũng mạnh dạn đề nghị cho phép áp dụng chính sách thiết lập thể chế tiền tệ, ngân hàng riêng, đa dạng hóa các loại hình giao dịch phù hợp với thông lệ quốc tế; tự do hóa luồng vốn; bên cạnh tiền đồng Việt Nam là đồng tiền lưu hành chủ yếu, được phép sử dụng một số đồng tiền tự do chuyển đổi; thành lập trung tâm tài chính riêng dưới sự giám sát của Ngân hàng Nhà nước. Bên cạnh đó, Bộ này cũng đề xuất cho phép các đặc khu được thực hiện chính sách tiền lương linh hoạt và tự chủ, ký hợp đồng làm việc với công chức, thuê chuyên gia nước ngoài.

Mới đây, Bộ Tài chính cũng đã đề xuất cơ chế, chính sách tài chính, ngân sách đặc thù đối với đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Về thuế TNDN cho các dự án đầu tư, Bộ Tài chính đề nghị áp dụng thuế suất 10% trong thời gian 30 năm, miễn thuế 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo kể từ khi có thu nhập chịu thuế đối với các dự án đầu tư không thuộc ngành nghề, lĩnh vực ưu đãi đầu tư. Riêng đối với dự án đầu tư thuộc ngành nghề, lĩnh vực ưu đãi đầu tư (không bao gồm dự án đầu tư khai thác khoáng sản, sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế Tiêu thụ đặc biệt, trừ ô tô) sẽ được hưởng thuế suất 10% trong suốt thời gian thực hiện dự án, miễn thuế 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo kể từ khi có thu nhập chịu thuế. Thu nhập từ dự án đầu tư - kinh doanh BĐS được áp dụng thuế suất ưu đãi 17% (không áp dụng thời gian miễn, giảm thuế). Về phí và lệ phí, trong hai phương án của Bộ Tài chính có phương án đề nghị phân cấp cho đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt có thẩm quyền quyết định về phí, lệ phí như HĐND cấp tỉnh.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính không đồng thuận với đề nghị cho phép áp dụng chính sách thiết lập thể chế tiền tệ, ngân hàng riêng… do lo ngại chính sách này mâu thuẫn với quy định tại Pháp lệnh quản lý ngoại hối, ảnh hưởng đến việc điều hành và thực thi chính sách tiền tệ, tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước.

Bình luận về sự hấp dẫn, hiệu quả của các đặc khu kinh tế, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, nếu được thành lập cách đây 50 năm thì các đặc khu sẽ rất hấp dẫn, vì việc giảm thuế thời gian đó là chưa có. Hiện nay Việt Nam đã ký kết hàng loạt FTA thì các ưu đãi về thuế đã trở nên rất phổ biến, do đó sức hấp dẫn phải đến từ các cơ chế khác nữa. Ông cũng cho rằng, nếu như không có bộ máy làm việc chuyên nghiệp, nhanh chóng đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư mà vẫn phải theo cơ chế xin cho, thủ tục phiền hà thì sẽ không thể hấp dẫn nhà đầu tư. Chuyên gia này cũng nhấn mạnh, các đặc khu kinh tế này có thể hấp dẫn một số nhà đầu tư nào đó, ví dụ, có thể một số nhà đầu tư Trung Quốc sẽ “đổ” tiền vào khu Vân Đồn vì gần Trung Quốc hoặc vì họ có một số tính toán về mặt chiến lược, điều này cần xem xét.

Liên quan đến vấn đề thu hút nhà đầu tư phát triển đặc khu, được biết, Tập đoàn Vingroup đã có văn bản đề xuất hợp tác đầu tư phát triển đặc khu Bắc Vân Phong, trong đó cam kết tìm kiếm, lựa chọn và ứng toàn bộ kinh phí có liên quan đến việc thuê tư vấn, chuyên gia… để hỗ trợ tỉnh Khánh Hòa trong việc xây dựng cơ chế pháp lý, quy hoạch và các công việc liên quan khác, đồng thời cam kết đầu tư phát triển toàn bộ đặc khu. Hiện nay tỉnh Khánh Hòa đang xem xét đề nghị của DN này.

Theo chuyên gia Lưu Bích Hồ, ưu đãi về thuế, phí ở mức cao hơn là rất quan trọng và là điều kiện chủ yếu để tạo môi trường khuyến khích đầu tư kinh doanh. Nhưng đồng thời môi trường này còn đòi hỏi có điều kiện thuận lợi tối đa về quản lý hành chính và chính đó là đặc điểm  nổi bật, nổi trội của loại mô hình đặc khu này khác với các khu kinh tế và khu công nghiệp hiện có. Ngoài ra những điều kiện về kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ và nguồn nhân lực chất lượng cao, điều kiện về an sinh và bảo đảm xã hội, môi trường ở các đặc khu cũng cần phải tốt hơn nhiều so với khu kinh tế và khu công nghiệp.

Hiện nay một số địa phương đã áp dụng cơ chế sau khi cấp phép xong thì sẽ cấp đất sạch cho DN. Một số địa phương cũng vận dụng những cơ chế thoáng, linh hoạt cho các DN đầu tư, giúp DN nhanh chóng hoàn thành dự án, làm cho địa phương đó rất hấp dẫn. Đây cũng là thách thức đối với các đặc khu kinh tế ở chỗ liệu họ có thể có bộ máy chuyên nghiệp, tạo ra được cơ chế linh hoạt, giúp thúc đẩy nhanh chóng các dự án của DN không? Bởi các cơ chế này luôn tiềm ẩn những rủi ro, nếu không may gặp phải những nhà đầu tư sai phạm, gây ảnh hưởng đến môi trường như trường hợp của Formosa thì rất nguy hiểm. Như vậy, cơ chế thông thoáng cũng là bước đi mạo hiểm chứ không đơn giản”.

(Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh)

Vân Khánh

Theo Báo Hải quan

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 5,538

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]