Chính sách mới >> Tài chính 01/03/2012 17:02 PM

01/03/2012 17:02 PM

Nhiều người lo ngại các ngân hàng nhóm IV sẽ khó khăn. Mặc dù vậy, trên thực tế rất có thể các ông chủ nhà băng nhóm này đang mỉm cười vì tình hình hoàn toàn không bi đát như vậy.

Lộ diện nhóm cuối

Đúng như dự đoán trước đó của nhiều người, không có khó khăn gì để lọc ra ngân hàng nào thuộc nhóm nào cho dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết là sẽ không công bố chi tiết danh sách từng nhóm.

Chưa cần đến đại hội cổ đông - nơi mà các ngân hàng buộc phải công bố kế hoạch tăng trưởng tín dụng cho cả năm, thời điểm này, các ngân hàng nhận được xếp hạng ở các nhóm tốt 1 và 2 (với mức tăng trưởng tối đa tương ứng là 17 và 15%) đã nhanh chóng khoe thông tin rộng rãi.

Trong số 35 ngân hàng thương mại cổ phần và 5 ngân hàng thương mại quốc doanh, tính tới thời điểm này đã có tới 24 ngân hàng gần như đã chắc chắn nằm trong hai tốp dẫn đầu.

Cụ thể, những ngân hàng đã chính thức thuộc nhóm 1 bao gồm: ACB, MB, Maritime Bank, VIB Bank, VP Bank, SeaBank, MHB, Sacombank.

Nhóm 2 cũng đã xác nhận có: BaoViet Bank, OCB, NamA Bank, Đại Á, Nam Việt, Kienlong Bank, ABBank, SHB,  LienVietPostBank, Phương Nam.

Bên cạnh đó, 6 ngân hàng khác thuộc nhóm G12 được cho là nhiều khả năng sẽ thuộc nhóm 1 là: Vietcombank, VietinBank, Agribank, BIDV, Eximbank, Techcombank.

Các ngân hàng còn lại, một số có thể chưa nhận được xếp hạng từ NHNN hoặc đã nhận được phân hạng nhưng thuộc nhóm 3 hoặc 4 (với trần tăng trưởng tín dụng tương ứng 8 và 0%) nên không muốn lên tiếng.

Số lượng ngân hàng thuộc nhóm 3 - 4 dù không được NHNN tiết lộ nhưng cho tới thời điểm này thì khi tất cả các ngân hàng nhóm trên để đều công bố chỉ tiêu tín dụng thì con số còn lại đâu có khó để nhận ra.

Có lẽ vì thế mà một ngân hàng nhóm cuối đã thừa nhận, bằng cách này hay cách khác thì cũng lộ diện, thậm chí chính các ngân hàng nhóm trên đang tìm cách công khai danh sách các ngân hàng yếu kém để lôi kéo khách hàng, rút ruột các ngân hàng vốn đang kiệt sức và hấp hối

Chết đuối vớ cọc

Các ngân hàng thuộc nhóm yếu kém nhất buộc phải chịu sự giám sát rất chặt chẽ từ NHNN theo đúng như nội dung của Đề án tái cấu trúc. Mọi hoạt động từ huy động vốn, cho vay, thu hồi nợ, cân đối sổ sách, tài sản... đều được giám sát kỹ lưỡng. Bên cạnh đó, các ngân hàng này còn rơi vào tình trạng bị nhòm ngó, thâu tóm...

Mặc dù vậy, dường như những khó khăn hiện tại của các ngân hàng nhóm 3 và 4 không còn là áp lực về tinh thần đối với các ông chủ cũng như cổ đông lớn của các ngân hàng này. Thậm chí, nó còn khiến các ông chủ nhà băng cảm thấy nhẹ nhàng hơn bao giờ hết sau một thời gian tự mình vật lộn với vấn đề kém thanh khoản trong suốt những tháng trước đó.

Một tinh thần xuyên suốt trong Đề án tái cấu trúc được Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình hình ảnh hóa là "ném chuột không vỡ bình". Nó đồng nghĩa với việc, trong quá trình chữa trị khoảng chục ngân hàng nhóm 4, NHNN luôn sẵn sàng ứng cứu kịp thời để đảm bảo thanh khoản chi trả tức thời và bảo vệ quyền lợi hợp pháp người gửi tiền.

Trên cơ sở của quyết tâm được bảo đảm không bị chết, các ngân hàng dù còn nhiều khó khăn thì các ông chủ vẫn tin là sẽ an toàn cả. Điển hình thực tế từ  vụ hợp nhất SCB-Ficom-TinNghia thành công với sức mạnh được gia tăng và có ngân hàng lớn chống lưng... đã rấy lên niềm tin trên hệ thống ngân hàng.

Hơn thế, trên thị trường xuất hiện khá nhiều nhà đầu tư lớn đang nhòm ngó, muốn rót vốn vào các ngân hàng.

Hiện tại, có thể thấy, người có tầm tiền vài trăm hay vài nghìn tỉ ở Việt Nam không thiếu nếu không muốn nói là rất nhiều. Một trong các sở thích của các đại gia là sở hữu ngân hàng. Trong khi đó, việc thành lập một ngân hàng mới lúc này là rất khó và đòi hỏi quy mô vốn cực lớn, việc lobby để có giấy phép chắc chắn không hề nhỏ.

Ngoài rót vốn vào, một trong cách thâu tóm khác khá đơn giản là mua thẳng cổ phiếu ngân hàng trên thị trường. Người mua xâm nhập vào HĐQT để điều hành và sau đó sẽ nghiễm nhiên trở thành ông chủ ngân hàng. Đó là chiến lược đơn giản nhưng rất thực tế mà ví dụ điển hình là anh em nhà đá quý Doji đã làm với Tiên Phong Bank.

Người đi mua có lợi nhưng người được mua còn "được" nhiều hơn.

Sau bao nhiêu năm hưởng lợi lớn từ việc tận dụng nguồn vốn huy động, giờ đây ông chủ của các ngân hàng đang gặp khó khăn bị buộc phải rơi vào tình trạng phải tái cấu trúc. Mặc dù vậy, theo nhiều người, tới bây giờ cho dù họ có bán bỏ  cổ phiếu ngân hàng của mình thì vẫn có lãi. Trong khi đó, với làn sóng tái cấu trúc như hiện tại, có lẽ những kẻ sắp chết đuối lại đang vớ được cọc.

Chỉ tính đơn giản, nếu cổ phiếu các ngân hàng này (trong và ngoài sàn chứng khoán) lên giá theo "sóng ngân hàng" thì cái lợi đã nhìn thấy rõ. Còn nếu được sáp nhập vào các ngân hàng lớn hoặc được các đại gia khác bơm tiền vào và hình thành nên một thực thể khỏe mạnh khác thì cái lợi còn lớn hơn nữa.

Thực tế, bất kể ở trong trường hợp nào, ông chủ các ngân hàng này đều có lợi. Sáp nhập vào ngân hàng lớn là cơ hội lên chiếu trên, trong khi nhận vốn từ các nhà đầu lớn khác lại là cơ hội để tái cấu trúc và tính tới chuyện lên hạng sau 6 tháng sau.

Hơn thế, thị trường bất động sản hiện đang bớt u ám và chứng khoán khởi sắc cũng sẽ khiến cho tình hình thanh khoản và nợ xấu tại ngân hàng được cải thiện.

Sẽ không có chuyện ngân hàng phá sản, cùng lắm chỉ là thâu tóm và sáp nhập. Phải chăng, các ông chủ ngân hàng lại sắp bước vào một cuộc chơi mới và hứa hẹn an toàn và bội thu?

Theo Mạnh Hà 
VEF

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 5,721

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]