Chính sách mới >> Tài chính 22/02/2014 10:03 AM

Nợ xấu chỉ khoảng 9%

22/02/2014 10:03 AM

Nếu tính toán một cách thận trọng, thì tỷ lệ nợ xấu, bao gồm cả nợ xấu được cơ cấu lại theo Quyết định 780/QĐ-NHNN, chỉ khoảng 9%.


Ảnh minh họa

Đây là ý kiến chính thức của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khi công bố tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng Việt Nam ngày 21/2.

Nợ xấu giảm

Theo số liệu báo cáo của các tổ chức tín dụng (TCTD), tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng tăng từ 4,08% (cuối năm 2012) lên 4,73%/tổng dư nợ tín dụng vào tháng 10/2013.

Khi tình hình kinh tế vĩ mô được cải thiện và dần phục hồi, cộng với nỗ lực của hệ thống TCTD, diễn biến nợ xấu đã có những tín hiệu khả quan, tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống đã giảm mạnh về mức 3,63% tổng dư nợ tín dụng (cuối tháng 12/2013).

Theo NHNN, tuy mức giảm nợ xấu còn chưa nhiều, song đó là tín hiệu hết sức tích cực phản ánh nỗ lực của ngành Ngân hàng trong việc xử lý nợ xấu.

Để có được những kết quả trên, hệ thống ngân hàng đã tích cực, chủ động thực hiện các giải pháp để kiềm chế nợ xấu gia tăng và xử lý nợ xấu như: Cơ cấu lại nợ để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận được vốn vay phục vụ sản xuất; kiểm soát chặt chẽ và tiết giảm chi phí hoạt động, tích cực đôn đốc, thu hồi nợ, trích lập dự phòng và xử lý nợ xấu bằng dự phòng rủi ro; bán nợ, xử lý tài sản đảm bảo; thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng và hạn chế nợ xấu phát sinh mới. Đặc biệt là việc thành lập và đưa vào hoạt động Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).

Trong bối cảnh sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn, thị trường bất động sản chậm phục hồi và khả năng trả nợ của khách hàng vay còn yếu thì áp lực tăng nợ xấu là rất lớn. Biện pháp cơ cấu lại nợ theo Quyết định 780/QĐ-NHNN  thực sự có ý nghĩa hỗ trợ cho doanh nghiệp trong việc tiếp tục được vay vốn ngân hàng với lãi suất hợp lý hơn, nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro nợ xấu tăng trở lại nếu kinh tế vĩ mô và điều kiện sản xuất kinh doanh, thị trường bất động sản chậm được cải thiện.

Số liệu nợ xấu của NHNN được xác định dựa trên cơ sở quy định của pháp luật hiện hành và các thông tin chính thức.

Theo NHNN, do không có chuẩn mực thống nhất về phân loại nợ nên các cơ quan, tổ chức khác nhau đưa ra số liệu nợ xấu không giống nhau về cùng một đối tượng là bình thường. Song, nhìn chung số liệu, thông tin về nợ xấu và hoạt động ngân hàng do cơ quan quản lý Nhà nước có trách nhiệm đưa ra là đáng tin cậy hơn và có cơ sở pháp lý hơn. Vì vậy, những thông tin thị trường và những nghiên cứu, đánh giá chất lượng tín dụng của cơ quan, tổ chức không có chức năng quản lý Nhà nước chỉ có ý nghĩa tham khảo.

5 giải pháp xử lý nợ xấu

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cũng đề xuất 5 nhóm giải pháp tổng thể xử lý nợ xấu và phòng ngừa, hạn chế nợ xấu gia tăng trong tương lai cần triển khai từ nay đến năm 2015, gồm: Nhóm giải pháp đối với TCTD; nhóm giải pháp đối với khách hàng của TCTD; nhóm giải pháp về cơ chế chính sách; nhóm giải pháp về thanh tra, giám sát và giải pháp thành lập VAMC; sự tham gia rộng rãi của hệ thống các TCTD, khách hàng vay vốn và các cấp, các ngành, chính quyền các địa phương.

Về phía ngành Ngân hàng, NHNN và các TCTD đã, đang cơ cấu lại nợ, tiếp tục hỗ trợ vốn tín dụng cho khách hàng vay phục hồi sản xuất kinh doanh, xử lý nợ xấu bằng dự phòng rủi ro, thu hồi nợ, xử lý tài sản bảo đảm, xử lý nợ xấu qua VAMC, tăng cường chất lượng tín dụng, hạn chế nợ xấu gia tăng, hoàn thiện cơ chế, chính sách…

Tuy mới đi vào hoạt động từ tháng 7/2013, nhưng đến ngày 31/12/2013, VAMC đã mua được tổng số nợ xấu của các ngân hàng với số dư nợ gốc 39.307 tỷ đồng và giá mua là 32.739 tỷ đồng, chiếm khoảng 40-50% nợ xấu của các TCTD.

Với trách nhiệm là cơ quan quản lý trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng, thời gian qua, NHNN đã chỉ đạo các TCTD tiết giảm chi phí, hạn chế chi trả cổ tức... để tăng trích lập dự phòng và tích cực sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu, áp dụng các biện pháp xử lý đối với các khoản nợ xấu đã mất khả năng thanh toán.

Đồng thời củng cố tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động thanh tra ngân hàng; tích cực thanh tra, giám sát đối với các TCTD thông qua các cuộc thanh tra tại chỗ, giám sát từ xa, phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm túc các tổ chức và cá nhân có hành vi vi phạm.

Qua công tác thanh tra, NHNN đã phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật nhiều trường hợp vi phạm pháp luật dẫn đến nợ xấu.

Những giải pháp xử lý nợ xấu của ngành Ngân hàng trong thời gian vừa qua đã đem lại kết quả quan trọng bước đầu là nợ xấu đã được xử lý một bước, tốc độ tăng nợ xấu chậm lại, doanh nghiệp tiếp tục được vay vốn ngân hàng với lãi suất hợp lý góp phần giảm bớt chi phí hoạt động cho khách hàng vay do không phải chịu lãi suất phạt quá hạn và được vay với lãi suất thấp hơn.

Đây là các giải pháp thực sự có ý nghĩa đối với cả doanh nghiệp và ngân hàng.

Tuy nhiên, để việc tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp đạt hiệu quả thì các bộ, ngành cũng cần phải triển khai đồng bộ các giải pháp về hỗ trợ đầu tư, tăng tổng cầu và hỗ trợ các doanh nghiệp đáp ứng các điều kiện vay vốn ngân hàng, như: Rà soát các công trình để tiếp tục ưu tiên bố trí vốn cho các công trình trọng điểm, cấp bách, hiệu quả; giải quyết tình trạng nợ đọng của ngân sách đối với doanh nghiệp nhằm khơi thông nguồn vốn đầu tư; hoàn thiện thủ tục pháp lý về đầu tư và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...

Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, sản xuất kinh doanh chậm phục hồi, chỉ bằng các giải pháp xử lý nợ xấu của ngành Ngân hàng nói trên chưa bảo đảm nợ xấu của các TCTD được xử lý một cách vững chắc, triệt để, đồng thời ngăn chặn hoàn toàn nguy cơ nợ xấu gia tăng trở lại.

Nhưng nếu 5 nhóm giải pháp tổng thể xử lý nợ xấu nêu tại Đề án xử lý nợ xấu và Đề án thành lập VAMC được triển khai đồng bộ, quyết liệt và với sự tham gia tích cực của tất cả các bộ, ngành, địa phương, TCTD, khách hàng vay thì Việt Nam có thể xử lý thành công được nợ xấu theo mục tiêu đã đề ra trong Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Huy Thắng

Theo Báo điện tử Chính phủ

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,872

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]