Chính sách mới >> Tài chính 28/07/2014 08:49 AM

Khi VN-Index vượt ngưỡng 600 điểm

28/07/2014 08:49 AM

Sau 7 ngày tăng liên tục và vượt qua 600 điểm, VN-Index chỉ bị giảm có 1 ngày, ngày 24/7 lại vượt qua ngưỡng 600 điểm. Đây có thể coi là một tín hiệu của sự ấm lên và khởi sắc của tăng trưởng kinh tế trong thời gian sau đó từ 6 tháng đến 1 năm.

VN-Index ngày 24/7/2014 so với thời điểm 31/12/2013 đã tăng 19,1%, là tốc độ tăng thuộc loại cao nhất trong các ngành, lĩnh vực trong 7 tháng đầu năm. Đây cũng là tỷ suất lợi nhuận cao nhất trong các kênh đầu tư thời gian này. Đối với một số mã, tỷ suất lợi nhuận còn cao hơn. Đáng lưu ý, tỷ suất lợi nhuận trên kênh đầu tư chứng khoán cao như trên đã làm cho nhiều nhà đầu tư rút ra khỏi thị trường, hoặc không đưa thêm vốn vào thị trường chứng khoán thời gian gần đây không khỏi nuối tiếc về một thời cơ đã bị bỏ lỡ.

VN-Index từ cuối năm 2007 đến nay (điểm)


Nguồn: Tổng cục Thống kê

Sự tăng điểm của chỉ số chứng khoán Việt Nam được xếp vào loại nhanh so với nhiều thị trường chứng khoán khác trên thế giới trong thời gian đầu năm nay. Cùng với đó, giá trị giao dịch thời gian này đã cao hơn mức bình quân trong năm từ 2011 đến 2013.

Có nhiều yếu tốc tác động đến xu hướng tích cực này. Trước hết, việc nới “room” cho các nhà đầu tư nước ngoài đã tạo điều kiện cho vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) khởi sắc trở lại.

Quyết tâm trong việc đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, thông qua cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp Nhà nước theo giá thị trường, kể cả dưới giá trị sổ sách… và Đề án xây dựng thị trường chứng khoán phái sinh đã tạo điều kiện lan toả ra cả thị trường chung.

Bên cạnh đó, tăng trưởng kinh tế quý II cao hơn quý I và tính chung 6 tháng đầu năm nay cao hơn cùng kỳ 2 năm trước. Xuất khẩu hàng hoá đạt được nhiều vượt trội, cả về quy mô, cả về tốc độ tăng so với cùng kỳ năm trước.

Trong điều kiện đầu tư trực tiếp của người dân, đầu tư từ nguồn ngân sách, đầu tư từ nguồn tín dụng còn hạn chế, thì việc thu hút vốn đầu tư trung dài hạn trên thị trường chứng khoán sẽ có tác động tích cực trong việc thu hút vốn đầu tư cho doanh nghiệp, đầu tư cho tăng trưởng kinh tế.

Chứng khoán vừa là kênh huy động vốn trung, dài hạn chủ yếu, vừa là hàn thử biểu của nền kinh tế. Theo đó, việc thị trường chứng khoán ấm lên vừa là nhu cầu của đầu tư, vừa là tín hiệu hồi phục dần của sản xuất, kinh doanh.

Số liệu thống kê lịch sử trong nhiều năm qua cũng cho thấy, thông thường thị trường chứng khoán thường ấm lên trước, khi nào điểm số của chứng khoán vượt qua đỉnh sang dốc bên kia, thì bất động sản và các kênh đầu tư khác mới tăng lên.

Minh Ngọc

Theo Báo điện tử Chính phủ

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,175

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]