Chính sách mới >> Tài chính 17/03/2015 13:36 PM

Euro tiếp tục giảm xuống mức thấp kỷ lục mới

17/03/2015 13:36 PM

Ngày 16-3, euro giảm xuống mức thấp kỷ lục mới trong 12 năm so với đô la Mỹ, trong bối cảnh Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đã khởi động chương trình mua trái phiếu khổng lồ và nhà đầu tư đang chờ đợi cuộc họp tuần này của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed).

Euro tiếp tục giảm xuống mức thấp kỷ lục mới trong 12 năm so với đô la Mỹ. Ảnh: Reuters

Trong phiên giao dịch sáng ngày 16-3 tại Tokyo (Nhật Bản), euro có lúc được giao dịch ở mức 1 euro đổi 1,0451 đô la Mỹ - thấp nhất kể từ tháng 1-2003, sau đó phục hồi lên mức 1 euro đổi 1,0543 đô la Mỹ trong phiên giao dịch buổi chiều.

Xu hướng tăng giá của đô la Mỹ so với các đồng tiền khác diễn ra khi Fed cân nhắc thắt chặt chính sách tiền tệ, trong khi các ngân hàng trung ương khác - trong đó có ECB và Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) - thực hiện các biện pháp kích thích mạnh hơn trước.

Với việc ECB triển khai chương trình mua trái phiếu từ tuần trước và dự báo Fed sẽ sớm nâng lãi suất cơ bản, các nhà phân tích cho rằng đô la Mỹ sẽ ngang giá với euro trong năm nay, sau lần ngang giá gần đây nhất vào năm 2002.

Các nhà đầu tư đang hướng sự chú ý vào cuộc họp tuần này của Fed và cuộc họp kết thúc vào ngày 17-3 của BoJ, mặc dù có nhận định cho rằng BoJ sẽ chưa thông báo các biện pháp kích thích mới.

* Cùng ngày, Tổng Giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde nhận định sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu vẫn "quá chậm chạp, dễ tổn thương và quá mong manh" trong bối cảnh có sự chệch hướng trong chính sách tiền tệ giữa các nền kinh tế chủ chốt, có thể gây ra bất ổn trên thị trường tài chính.

Phát biểu nhân chuyến thăm Ấn Độ, bà Lagarde nói thị trường dự báo Fed sẽ bình thường hóa chính sách tiền tệ, trong khi ECB và BoJ nới lỏng tiền tệ bằng cách bơm tiền ồ ạt ra thị trường. Điều này sẽ tạo ra sự bất ổn lớn hơn và sẽ tác động tới các nước hay doanh nghiệp vay mượn bằng đô la Mỹ.

Bà Lagarde cho rằng "điều tốt đẹp hơn vẫn chưa xuất hiện dù dầu thô đang ở mức thấp" và nhắc lại dự báo kinh tế toàn cầu sẽ chỉ tăng trưởng 3,5% trong năm nay và 3,7% năm 2016 - thấp hơn dự báo sau cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008.

Hàng ngàn người Hungary tuần hành phản đối tham nhũng

Ngày 15-3, hàng ngàn người Hungary tuần hành tại thủ đô Budapest để bày tỏ cơn giận dữ trước những cáo buộc về hành vi tham nhũng trong chính phủ của Thủ tướng Viktor Orban và thỏa thuận hạt nhân bí mật giữa nước này với Nga.

Các nhà tổ chức kêu gọi trưng cầu dân ý về biện pháp bài trừ tham nhũng, minh bạch các dự án đầu tư và công khai chi tiết thỏa thuận hạt nhân trị giá 10 tỉ euro (10,5 tỉ đô la Mỹ) với Nga.

Vào cuối tháng 6-2014, Quốc hội Hungary đã thông qua khoản vay trị giá 10 tỉ euro (13,7 tỉ đô la Mỹ) từ Nga để nâng cấp nhà máy điện hạt nhân Paks, chiếm khoảng 80% tổng chi phí dự án. Dự kiến, sau khi được nâng cấp, nhà máy điện hạt nhân Paks - hiện cung cấp 40% tổng lượng điện tiêu thụ tại Hungary - sẽ tăng năng suất từ 2.000 MW lên 4.400 MW.

Phúc Minh

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,865

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]