Đó là những trăn trở mà ông Đỗ Văn Đạo, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, nguyên nguyên Trưởng ban Thi đua khen thưởng TPHCM, nêu lên tại Hội thảo Góp ý Dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) do Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM tổ chức chiều 28/9.
"Cán bộ nhỏ" cũng phải công khai tài sản
Ông Đạo cho rằng, không chỉ những cán bộ lãnh đạo chủ chốt mới công khai, minh bạch tài sản, cả những công chức, viên chức cũng phải kê khai.
"Chủ trương của Đảng là không có vùng cấm trong phòng chống tham nhũng. Các đồng chí đừng ngại số lượng người kê khai nhiều. Theo tôi, đối tượng kê khai phải là từng chuyên viên, công chức. Nếu ứng dụng công nghệ thông tin thì không có gì là không thể. Công khai minh bạch lên website thì mới hạn chế tham nhũng được", ông Đạo nói.
Các đại biểu cho rằng, để phát hiện, ngăn chặn tham nhũng cần phải ngăn chặn nhóm lợi ích, tập trung làm trong sạch từ Trung ương, Chính phủ rồi cấp tỉnh thành
Luật sư Trương Thị Hoà, Đoàn Luật sư TPHCM cho rằng, bố cục dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng nên xây dựng trên cơ sở bố cục Công ước chống tham nhũng của Liên hiệp quốc chứ không nên quá nhiều chương, dài và dàn trải như hiện nay.
Luật sư Hoà kiến nghị có hẳn một chương thu hồi tài sản tham nhũng; mở rộng phạm vi điều chỉnh phòng chống tham nhũng sang khu vực ngoài nhà nước. Phải có chế tài với những cá nhân kê khai không trung thực. Một số nước, khi người chết rồi vẫn bị thu hồi tài sản chứ không phải chết thì thôi.
Điều 26 "Tặng quà và nhận quà tặng" quy định cán bộ công chức, viên chức nếu nhận được quà có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên thì phải nộp cho cơ quan, tổ chức. Ông Trần Đình Trữ, Phó Chánh Thanh tra TPHCM cho rằng, hiện quà tặng có vô hình vạn trạng "biến tướng" và có một loại quà tặng khó định lượng là "quà tình cảm".
Ông Trữ cho rằng nên áp dụng quy định quà tặng có giá trị từ 5 triệu đồng phải nộp lại cho cơ quan, tổ chức (thay vì 2 triệu như dự thảo); yêu cầu cán bộ công chức, viên chức nhận quà tặng không đúng quy định thì phải nộp lại cơ quan trong 7 ngày; phải công khai danh tính người tặng quà.
Phải tạo lập cơ chế không thể tham nhũng, không dám tham nhũng và đưa các cá nhân tham nhũng ra xét xử, răn đe.
Dưỡng liêm bằng chính sách lương phù hợp
Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, để phát hiện, ngăn chặn tham nhũng cần phải ngăn chặn nhóm lợi ích, tập trung làm trong sạch từ Trung ương, Chính phủ rồi cấp tỉnh thành. Phải tạo lập cơ chế không thể tham nhũng, không dám tham nhũng và đưa các cá nhân tham nhũng ra xét xử, răn đe.
Yếu tố tiên quyết để ngăn chặn tham nhũng là phải cải cách cơ bản tiền lương. Phải bắt đầu từ phát triển con người hơn là tập trung phát triển vật chất, xây dựng hội trường, khu hành chính hoành tráng gây lãng phí.
"Nhìn TPHCM này đi, toàn chung cư cao cấp để kinh doanh, đầu cơ chứ không phải cho người lao động. Có cái gì đó không tập trung cho con người mà mải mê đi xây dựng cơ sở vật chất thì làm sao mà không phát sinh tham nhũng", một đại biểu bức xúc.
Ông Đỗ Văn Đạo kể, thời bao cấp, nhập hộ khẩu vào TPHCM phải tốn ít nhất 2 cây vàng. Phó trưởng phòng của ông Đạo khi ấy cứ thấy hồ sơ cấp dưới đưa lên là ký mà không tốn đồng nào, trong khi đó chuyên viên trình ký thì "giàu sụ" nhờ những chữ ký này của sếp. Cũng như hiện nay, hồ sơ trình lên Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ ký không tốn đồng nào nhưng có khi phải tốn rất nhiều tiền mới qua được "cửa" chuyên viên.
"Nhìn TPHCM này đi, toàn chung cư cao cấp để kinh doanh, đầu cơ chứ không phải cho người lao động"
Theo ông Đạo, muốn phòng chống tham nhũng thì phải đảm bảo mức sống của cán bộ công chức. "Phải cải thiện mức lương chứ như hiện nay, lương không đủ sống mà ai cũng đua vào làm công chức. Chuyện chạy chức chạy quyền theo kiểu thuận mua vừa bán. Cái gì cũng có giá hết. Xin một chân tạp vụ vào cơ quan cũng tốn tiền... Thử hỏi như thế sao mà chống tham nhũng?", ông Đạo trăn trở.
Luật sư Trương Thị Hoà cho rằng, phát hiện tham nhũng là vấn đề quan trọng nên cơ quan nhà nước, kiểm toán nhà nước, "tai mắt" giám sát của Mặt trận Tổ quốc... phải có trách nhiệm phát hiện tham nhũng. Ngoài ra, các ngân hàng cũng cần phát huy vai trò này bởi tội phạm tham nhũng bây giờ không chỉ gói gọn trong một quốc gia mà xuyên biên giới. Qua đó, phải đẩy mạnh hợp tác quốc tế về phòng chống tham nhũng, chống nạn rửa tiền...
"Xây dựng cán bộ liêm chính thì đồng lương là chế độ dưỡng liêm. Do đó, phải có cơ chế dưỡng liêm bằng chính sách lương phù hợp. Phải có cơ chế bảo vệ người tố cáo tham nhũng và quan trọng là vai trò của người đứng đầu cơ quan, tổ chức", luật sư Hoà nói.
Công Quang
Theo Dân trí