Hôm nay, 12-6, Tổng Thanh tra Chính phủ sẽ trả lời chất vấn các Đại biểu Quốc hội. Sự thẳng thắn thừa nhận những "con sâu làm rầu nồi canh" của Thanh tra Chính phủ hứa hẹn một phiên chất vấn dân chủ, thẳng thắn.
Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh trong một phiên chất vấn của UBTVQH.
Công tác cán bộ vẫn là nòng cốt
Báo cáo của Thanh tra Chính phủ cũng nêu rõ, thanh tra là một hoạt động nhạy cảm, thường xuyên tiếp xúc với những cám dỗ về vật chất, đối tượng thanh tra thường muốn giảm nhẹ tính chất, mức độ vi phạm được phát hiện, do đó “nếu cán bộ thanh tra không có bản lĩnh chính trị vững vàng thì rất dễ xảy ra vi phạm”.
Trong 3 năm qua (2011-2013), ngành Thanh tra đã tiến hành xử lý kỷ luật 82 CBCC, chiếm 0,3% trên tổng số 28.200 CBCC (trong đó: xử lý hành chính 71 người, xử lý hình sự 11 người có dấu hiệu và hành vi tham nhũng).
Riêng Thanh tra Chính phủ đã xử lý kỷ luật 12 công chức (buộc thôi việc 1 công chức do vi phạm pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước, cách chức 1 công chức do vi phạm pháp luật về giao thông và chống người thi hành công vụ…).
Trước thềm chất vấn của Quốc hội, trả lời phỏng vấn báo chí, Đại biểu QH Lê Như Tiến (Quảng Trị) đã thẳng thắn cho biết, ông sẽ chất vấn Tổng thanh tra Chính phủ về những vụ việc tham nhũng. “Thời gian qua rộ lên vài thông tin, các đồng chí nguyên lãnh đạo Thanh tra Chính phủ có những tài sản khủng khiếp từ nhà cửa đất đai, biệt thự, rồi bổ nhiệm đề bạt trong thời gian ngắn trước khi nghỉ hưu. Những vụ việc ấy đằng sau nó là gì nếu như không phải là có những dấu hiệu về làm sai nguyên tắc và có những dấu hiệu tham nhũng về tài sản, về đề bạt, bổ nhiệm cán bộ”, Đại biểu Lê Như Tiến nói.
Theo Đại biểu Lê Như Tiến, đối với những cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan thanh tra, cơ quan tư pháp hơn ai hết chính là những cơ quan cần phải trong sạch nhất trong bộ máy của mình, và "có như thế mới phòng chống tham nhũng tốt được”.
Bàn giải pháp để khắc phục tình trạng CBCC Thanh tra vi phạm kỷ luật trong thời gian tới, Thanh tra Chính phủ cho biết sẽ đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ, trọng tâm là đánh giá cán bộ, xây dựng chuẩn cán bộ theo chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ làm cơ sở cho việc quy hoạch, quản lý, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng đội ngũ cán bộ.
Ngoài ra, bố trí cán bộ đúng, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ, năng lực, phẩm chất và sở trường của cán bộ, đảm bảo xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức thanh tra gương mẫu, trách nhiệm và liêm chính.
Tăng cường thanh tra các bộ, ngành, TĐ, TCT
Hàng năm, Thanh tra Chính phủ hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra trách nhiệm đối với thủ trưởng các cơ quan quản lý Nhà nước trong thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Thanh tra Chính phủ đã tiến hành thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thực hiện các quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng tại các bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty 91.
Về công tác phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng của lực lượng thanh tra trong thời gian qua, năm 2013 đã phát hiện 80 vụ, 90 đối tượng có hành vi liên quan đến tham nhũng với số tiền 117,5 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi 117,5 tỷ đồng. Trong đó, đã thu 59 tỷ đồng, kiến nghị xử lý hành chính đối với 4 tập thể, 28 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra 11 vụ, 34 đối tượng; xử lý trách nhiệm 41 người đứng đầu.
Trong năm 2012, phát hiện 89 vụ, 107 người có hành vi liên quan đến tham nhũng với số tài sản là 104,59 tỷ đồng; kiến nghị xử lý hành chính đối với 2 tập thể, 56 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra 24 vụ, 42 người, xử lý trách nhiệm 44 người đứng đầu.
Tuy nhiên, Thanh tra Chính phủ cho rằng, kết quả như vậy còn khiêm tốn, bởi số vụ việc tham nhũng được phát hiện, xử lý còn ít. Nguyên nhân là do, mục đích của hoạt động thanh tra không chỉ nhằm phát hiện hành vi phạm tội mà còn để phát hiện sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền biện pháp khắc phục. Trong khi đó, tham nhũng là hành vi có độ ẩn cao, chủ thể tham nhũng là người có chức vụ, quyền hạn, có trình độ, có khả năng che giấu hành vi tham nhũng bằng nhiều thủ đoạn tinh vi nên khó phát hiện, xử lý.
Thời gian tới, Thanh tra Chính phủ sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế về thanh tra (để thanh tra chủ động và đủ thẩm quyền làm rõ hành vi tham nhũng); tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của đoàn thanh tra; tăng cường phối hợp với cơ quan chức năng (nhất là cơ quan điều tra, viện kiểm sát) trong cung cấp, trao đổi thông tin, phát hiện, xử lý tham nhũng.
Trong số 528 vụ việc tồn đọng, bức xúc, kéo dài, đến nay Thanh tra Chính phủ đã giải quyết được 492 vụ việc (đạt 93%). Hiện nay còn 36 vụ việc các bộ, ngành, địa phương đang tích cực giải quyết. Trong số các vụ việc đã giải quyết, có 43 vụ việc công dân vẫn tiếp tục đến khiếu nại tại trụ sở tiếp dân T.Ư, chiếm 9%; 53 vụ việc công dân vẫn gửi đơn khiếu nại đến Thanh tra Chính phủ. |
Minh Anh
Theo Hải quan Online