Chủ đề đầu tiên trong bài viết này là câu hỏi: vai trò của luật sư khi bảo vệ cho người bị buộc tội có phải là gỡ tội như phát biểu của nhiều người trên báo chí hay không?
Ls. Nguyễn Đình Hùng |
Để trả lời một câu hỏi liên quan đến pháp luật, trước tiên chúng ta phải tìm hiểu pháp luật liên quan đến vấn đề người hỏi đặt ra, phân tích câu hỏi trên cơ sở pháp luật quy định để đưa ra câu trả lời mà mọi người đều thừa nhận câu trả lời có căn cứ pháp luật.
Như vậy để trả lời câu hỏi này chúng ta phải tìm hiểu pháp luật liên quan đến: Vai trò của luật sư khi bảo vệ cho người bị buộc tội như thế nào,luật sư khi tham gia tố tụng làm việc với tư cách gì và được làm những việc gì để bảo vệ người bị buộc tội trước các cơ quan tiến hành tố tụng,những việc luật sư làm khi tham gia tố tụng có mang lại kết quả tăng hay giảm tội cho người bị buộc tội hay không. Sau khi tìm hiểu pháp luật những vấn đề trên tự chúng ta sẽ có câu trả lời cho thắc mắc của mình, bởi vì nếu khi tham gia tố tụng luật sư có thể làm tăng hay giảm tội cho người bị buộc tội thì ý kiến phát biểu trên là đúng, nếu không làm thay đổi được thì ý kiến trên là sai.
Theo luật tố tụng hình sự Luật sư là người tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa khi được người bị buộc tội nhờ, hoặc cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu khi người bị buộc tội thuộc những người mà pháp luật quy định phải có người bào chữa, nhưng họ không nhờ người bào chữa. Khi có một trong hai điều kiện trên luật sư có quyền tham gia tố tụng để bảo vệ người bị buộc tội.
Luật tố tụng hình sự quy định khi tham gia tố tụng, luật sư được làm những gì và làm việc với tư cách gì?
Theo luật tố tụng hình sự, luật sư bảo vệ cho người bị buộc tội tham gia tố tụng với tư cách người bào chữa và theo điều 16 Luật tố tụng hình sự thì: “Người bị buộc tội có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa…”, căn cứ những quy định trên chúng ta có thể nói rằng: luật sư khi tham gia tố tụng là do người bị buộc tội nhờ hoặc cơ quan tố tụng yêu cầu để thực hiện quyền bào chữa của người bị buộc tội. Nói một cách dễ hiểu công việc của luật sư khi tham gia tố tụng là công việc của người bị buộc tội, thay vì tự mình phải làm, pháp luật cho phép họ được nhờ người khác làm thay, luật sư là một trong những người được pháp luật cho phép làm thay và chỉ làm một việc cụ thể là thực hiện quyền bào chữa của người bị buộc tội khi tham gia tố tụng.
Như vậy vai trò của luật sư khi tham gia tố tụng để bảo vệ người bị buộc tội là người làm thay cho người bị buộc tội để thực hiện quyền bào chữa,chỉ thực hiện quyền bào chữa mà thôi, không có quy định nào cho phép luật sư làm một việc gì khác.
Vai trò của luật sư khi tham gia tố tụng chỉ gói gọn trong việc làm thay người bị buộc tội thực hiện quyền bào chữa nên chúng ta chỉ cần tìm hiểu: quyền bào chữa là gì? Luật sư được làm gì để thực hiện quyền bào chữa trong quá trình tố tụng? Khi thực hiện quyền bào chữa luật sư có làm tăng hay giảm tội cho người bị buộc tội hay không? là đủ để trả lời câu hỏi.
Quyền bào chữa là một quyền hiến định, luật tố tụng quy định là quyền của người bị buộc tội, nhưng cả hiến pháp và luật tố tụng hình sự không định nghĩa quyền bào chữa là gì, luật tố tụng cho phép người bị buộc tội tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa, nhưng cũng không có quy định họ thực hiện quyền bào chữa như thế nào trong quá trình tố tụng.
Do luật không có quy định quyền bào chữa là gì, luật sư có quyền gì và được làm gì khi tham gia tố tụng để thực hiện quyền bào chữa, nên chúng ta phải tham khảo các điều khoản khác trong luật tố tụng hình sự quy định khi tham gia tố tung luật sư có những quyền gì, việc gì luật sư được làm trước các cơ quan tiến hành tố tụng, đây chính là công việc của luật sư để thực hiện quyền bào chữa. Từ những việc làm và quyền của luật sư được luật pháp quy định chúng ta sẽ xem xét vai trò của luật sư khi tham gia tố tụng có mang lại kết quả làm tăng hay giảm tội cho người bị buộc tội không? Nếu có tăng hay giảm tội cho bị cáo được thì vai trò của luật sư là gỡ tội, còn không thể tăng hay giảm tội thì không thể nào gỡ tội.
Tham khảo những quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự chúng tôi thấy một số điều luật liên quan đến việc luật sư được làm khi tham gia tố tụng hình sự:
Điều 15: “Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội…”
Điều 26: “Trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, Điều tra viên, Kiểm sát viên, người khác có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người bị buộc tội, người bào chữa và người tham gia tố tụng khác đều có quyền bình đẳng trong việc đưa ra chứng cứ, đánh giá chứng cứ, đưa ra yêu cầu để làm rõ sự thật khách quan của vụ án…”
Điều 73 về quyền của người bào chữa :
- “Thu thập, đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu;
- Kiểm tra, đánh giá và trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá;
- Đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thu thập chứng cứ, giám định bổ sung, giám định lại, định giá lại tài sản;
- Đọc, ghi chép và sao chụp những tài liệu trong hồ sơ vụ án liên quan đến việc bào chữa từ khi kết thúc điều tra;
-Tham gia hỏi, tranh luận tại phiên tòa…”
Với những quy định luật sư được làm những gì khi tham gia tố tụng nêu trên và trong thực tiễn khi tham gia tố tụng tại các cơ quan tiến hành tố tụng, toàn bộ việc làm của các luật sư khi thực hiện quyền bào chữa thay cho người bị buộc tội chủ yếu : Dùng lý lẽ và chứng cứ để làm rõ sự thực khách quan của vụ án, để chứng minh người bị buộc tội có phạm tội như cơ quan công tố cáo buộc hay không, nếu không phạm tội thì đề nghị tòa tuyên không phạm tội, nếu có tội thì phân tích chứng minh họ phạm tội ở mức độ nào để đề nghị tòa phạt theo mức độ phạm tội của họ.
Ngoài những việc làm nêu trên,khi tham gia tố tụng luật sư không thể làm gì khác hơn vì luật không cho phép và trong thực tiễn các cơ quan tiến hành tố tụng cũng không cho phép luật sư được làm những gì khác hơn luật cho phép làm.
Qua tìm hiểu pháp luật và thực tiễn quá trình tố tụng chúng ta thấy: luật sư khi bảo vệ cho người bị buộc tội là làm việc với tư cách là người làm thay cho người bị buộc tội trong việc thực hiện quyền bào chữa, khi thực quyền bào chữa luật sư việc được phép làm là: Dùng lý lẽ và chứng cứ để làm rõ sự thực khách quan của vụ án, để chứng minh người bị buộc tội có phạm tội như cơ quan công tố cáo buộc hay không, nếu có tội luật sư phân tích mức độ phạm tội của người bị buộc tội đến đâu để đề nghị hình phạt ngang với tội họ đã phạm, nếu không có tội , yêu cầu tuyên không pham tội. Lý lẽ và yêu cầu của luật sư khi tham gia tố tụng có thể được chấp nhận, có thể không bởi những người tiến hành tố tụng, luật sư không có quyền và không tham gia vào quyết định xét xử người bị buộc tội. Như vậy những việc làm của luật sư trong vai trò bảo vệ người bi buộc tội khi tham gia tố tụng không thể nào mang lại kết quả tăng hay giảm tội cho người bị buộc tội được.
Đến đây chúng ta có thể kết luận: không có quy định nào, không có việc làm nào của luật sư khi tham gia tố tụng để bảo vệ cho người bị buộc tội dẫn đến kết quả làm tăng hay giảm tội cho người bị buộc tội, mà không làm tăng giảm tội được thì không có cơ sở nào để cho rằng vai trò của luật sư là gỡ tội khi tham gia tố tụng để bảo vệ người bị buộc tội.
Ngoài ra Theo điều 13 luật TTHS: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật…” nếu cho rằng vai trò của luật sư khi tham gia tố tụng là gỡ tội, thì vào thời điểm này người bị buộc tội được luật pháp coi là không có tội, mà không có tội thì luật sư lấy tội ở đâu mà gở.
Như vậy sau khi tìm hiểu pháp luật liên quan đến vai trò của luật sư khi tham gia tố tụng để bảo vệ cho người bị buộc tội, các bạn có thể tự trả lời cho câu hỏi: vai trò của luật sư khi bảo vệ cho người bị buộc tội có phải là gỡ tội như phát biểu của nhiều người trên báo chí hay không?
Luật sư Nguyễn Đình Hùng