Ngày 7.7.2011, TAND thị xã Đồng Xoài (ĐX) đã tuyên án Đặng Công Văn và Bùi Văn Quỳnh mức án 177 tháng tù giam và Phạm Thị Hồng Vân 36 tháng tù treo. Như vậy, mỗi cán bộ trên vừa bị xử lý hành chính; đồng thời cũng bị xử lý hình sự cho một hành vi sai phạm, liệu có đúng quy định luật pháp?
Một sai phạm, hai lần xử lý?
Ngày 29.6.2006, UBND thị xã ĐX đã ban hành 3 quyết định 4113, 4114 và 4115 về việc thi hành kỷ luật buộc thôi việc đối với các ông Đặng Công Văn, Bùi Văn Quỳnh và bà Phạm Thị Hồng Vân (nguyên là lãnh đạo, cán bộ BQL chợ ĐX). Lý do 3 cán bộ bị kỷ luật buộc thôi việc nói trên là “làm trái các quy định về quản lý kinh tế gây thất thoát ngân sách nhà nước”, tại Ban quản lý chợ ĐX. Ngoài hình thức kỷ luật buộc thôi việc, 3 cán bộ trên còn phải khắc phục hậu quả là nộp trả số tiền chi vượt định mức, không quyết toán hơn 51,7 triệu đồng vào ngân sách nhà nước...
Vụ việc tưởng như khép lại từ năm 2006, nhưng bất ngờ, vào ngày 5.7.2011 vừa qua, TAND thị xã ĐX lại đem vụ việc đã được UBND thị xã ĐX xử lý hành chính, ra xét xử hình sự. Trong lúc đó, 3 quyết định kỷ luật hành chính (số 4113, 4114 và 4115) đối với 3 cán bộ nói trên, do UBND thị xã ĐX ban hành ngày 29.6.2006 vẫn còn nguyên hiệu lực pháp lý, chưa hề bị thu hồi.
Như vậy, thêm một lần nữa, TAND thị xã ĐX xử lý hình sự Đặng Công Văn 90 tháng tù giam, Bùi Văn Quỳnh 87 tháng tù giam và Phạm Thị Hồng Vân 36 tháng tù treo. Điều 39 - Luật Cán bộ, công chức quy định, nếu chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì tùy theo tính chất, mức độ...; cán bộ công chức chỉ phải chịu một trong 6 hình thức kỷ luật là từ khiển trách đến buộc thôi việc. Mặt khác, điều 5 - Nghị định số 35/2005/NĐ-CP ngày 17.3.2005 của Thủ tướng Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Cán bộ, công chức nêu rõ các nguyên tắc xem xét, xử lý cán bộ - mỗi hành vi vi phạm chỉ bị xử lý một hình thức kỷ luật. Tuy nhiên, thật tréo ngoe, trong vụ việc này: Những thiếu sót trong công tác quản lý tài chính ở Ban quản lý chợ ĐX đã được Đoàn thanh tra thị xã ĐX kết luận tại văn bản số 08 ngày 28.3.2006 và đã được UBND thị xã ĐX xử lý hành chính.
Điều 42 - Luật Thanh tra nêu rõ: “Chuyển hồ sơ vụ việc vi phạm pháp luật sang cơ quan điều tra trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày phát hiện có dấu hiện của phạm tội...”. Nếu như vụ bê bối tài chính ở Ban quản lý chợ ĐX có dấu hiệu phạm tội, tại sao Thanh tra thị xã ĐX không chuyển hồ sơ sang cơ quan CSĐT ngay, mà phải để sau gần 4 năm, các quyết định xử lý hành chính và khắc phục hậu quả đã phát huy hiệu lực, rồi mới đem ra xử lý... hình sự(?).
Càng không thể chấp nhận tại công văn số 03 ngày 18.3.2011, của Viện KSND gửi TAND thị xã ĐX, cho rằng: “Việc Chủ tịch UBND thị xã ĐX ra quyết định kỷ luật buộc thôi việc số 4113, 4114, 4115 ngày 29.6.2006, đối với Đặng Công Văn, Bùi Văn Quỳnh, Phạm Thị Hồng Vân đã có hiệu lực pháp luật có trùng hay không trùng với hành vi mà các bị can đã bị khởi tố cũng không ảnh hưởng tới việc giải quyết vụ án...”(?).
Bất bình thường trong xét xử?
Trong hai ngày xét xử, đại diện VKSND thị xã ĐX đã dựa vào cáo trạng số 42/KSĐT-KT ngày 26.5.2010, chứng minh các hành vi sai phạm của Đặng Công Văn, Bùi Văn Quỳnh và Phạm thị Hồng Vân có hành vi “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, làm thất thoát ngân sách nhà nước”. Cụ thể: Các bị cáo thu tiền thuê các lô sạp nhà lồng tiền chế chợ ĐX không tuân thủ quyết định số 35/2003/QĐ-UB của UBND thị xã ĐX, dẫn đến làm thất thoát số tiền 146,2 triệu đồng.
Đồng thời, trong công tác quản lý tài chính, các bị cáo dùng tiền phí và ngân sách để trả lãi cho các cá nhân làm thất thoát hơn 51,7 triệu đồng. Tuy nhiên, đối chất với đại diện VKSND thị xã ĐX giữ quyền công tố, các bị cáo luôn kêu oan và cương quyết không nhận tội. Bị cáo Quỳnh và Văn cho rằng: Những chứng cứ mà Viện KSND thị xã ĐX đưa ra không thuyết phục, mang tính áp đặt suy diễn một chiều...
Các luật sư bào chữa cho 3 bị cáo đã liên tục phản bác những cáo buộc không thuyết phục của VKSND thị xã ĐX. Các luật sư khẳng định trong vụ án này, các cơ quan tố tụng ở thị xã ĐX đã vi phạm nghiêm trọng quy định tố tụng. Vụ án trên có dấu hiệu vi phạm cả hình thức lẫn nội dung. Đặc biệt, một hành vi vi phạm chỉ được xử lý một lần. Nếu trong quá trình thanh tra, phát hiện thấy dấu hiệu của phạm tội thì thanh tra phải chuyển ngay hồ sơ cho cơ quan CSĐT. Nhưng ở đây, việc xử lý hành chính đã phát huy hiệu lực và đã xong cách đây gần 4 năm, thì không thể nào tiếp tục xử lý hình sự đối với 3 cán bộ trên.
Chưa hết, khi ông Bùi Văn Quỳnh đang khiếu nại oan sai trong quyết định xử lý kỷ luật của UBND thị xã ĐX; lẽ ra, UBND thị xã ĐX phải trả lời cho ông Quỳnh bằng một quyết định, thì UBND thị xã ĐX trả lời ông Quỳnh bằng cách... chuyển hồ sơ sang cơ quan CSĐT; trong khi chính UBND thị xã ĐX đã xử lý hành chính kỷ luật ông Quỳnh cách đây vài năm(?). Từ đó, CSĐT đã khởi tố, bắt tạm giam ông Quỳnh, ông Văn và bà Vân, khi mà cả 3 người đã thực thi xong các quyết định xử lý hành chính của UBND thị xã ĐX.
Hoàng Hưng – Đông Dương