Trong khi đó, lạm phát dự kiến ở mức 8,2% vào thời điểm cuối năm 2013.
Tuy nhiên, WB cũng lưu ý rằng việc tăng trưởng kinh tế chậm lại có thể tạo sức ép tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ và tài khóa từ đó sẽ tạo áp lực lạm phát và làm xói mòn các thành quả mong manh của ổn định kinh tế vĩ mô.
Bên cạnh đó, việc triển khai chậm trễ các chương trình cải cách cơ cấu sẽ làm suy giảm niềm tin của các nhà đầu tư và tiếp tục tác động tiêu cực tới triển vọng tăng trưởng.
Sáng tối lẫn lộn
Đánh giá về tình hình kinh tế Việt Nam 2012, WB cho rằng cái được quan trọng là môi trường kinh tế vĩ mô tương đối ổn định. Lạm phát ở mức vừa phải trong khi tỷ giá khá ổn định trong thời gian dài và dự trữ ngoại hối được cải thiện từ mức 2,2 tháng nhập khẩu (quý I/2012) lên mức khoảng 2,8 tháng nhập khẩu (quý I/2013)
Năm 2012 cũng là năm Việt Nam đạt thặng dư thương mại lần đầu tiên kể từ 1992. Mặc dù nhập khẩu đã cải thiện nhưng mức thâm hụt thương mại 6 tháng đầu năm vẫn ở mức thấp.
Cũng trong năm 2012, Việt Nam đạt thăng dư cán cân thanh toán ở mức kỷ lục - đây là bước chuyển đáng ghi nhận từ mức thâm hụt 11% GDP (năm 2009) sang mức thặng dư 5,9% (năm 2012). Cán cân vãng lai ước tính sẽ tiếp tục thặng dư trong năm nay tuy mức độ sẽ thấp hơn năm 2012.
Trong khi đó, đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm từ 11,8% GDP (năm 2008) xuống khoảng 7,7% GDP trong 6 tháng đầu năm 2013. Việt Nam đối mặt sự cạnh tranh mạnh hơn của các nước trong khu vực trong việc thu hút đầu tư nước ngoài như Thái Lan, Indonesia và các đối thủ tiềm năng mới như Myanmar.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đánh giá Việt Nam là địa chỉ đầu tư hấp dẫn trong tương lai ở khu vực ASEAN.
Những thách thức chính
Một trong những thách thức được nêu trong báo cáo là về tình hình tài khóa. Tình hình ngân sách nhà nước không thuận lợi khi tăng trưởng kinh tế chậm và khó khăn trong sản xuất kinh doanh làm giảm mức thu ngân sách theo kế hoạch, kết hợp với tăng chi cho hỗ trợ doanh nghiệp, hồi phục kinh tế.
Tổng thu ngân sách giảm từ 30% GDP giữa những năm 2000 xuống mức thấp nhất lịch sử 22,8 % GDP năm 2012. Chi đầu tư (kể cả các khoản ngoài ngân sách) dự kiến giảm từ 12,6% GDP năm 2010 xuống 7,8% năm 2012.
Hai thử thách đáng chú ý khác là cải cách cơ cấu và cải cách hệ thống doanh nghiệp nhà nước chậm. Cải cách cơ cấu mới bắt đầu nhưng chưa được thực hiện quyết liệt, khu vực tài chính-ngân hàng vẫn còn mong manh tuy những rủi ro hệ thống đã có phần được cải thiện.
Việc thành lập Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) là bước đi cụ thể của Chính phủ trong việc xử lý nợ xấu, tuy nhiên, xử lý nợ xấu đòi hỏi cách tiếp cận tích cực và dài hạn.
Trong khi đó, tiến độ cải cách và cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước vẫn hết sức chậm chạp sau hai năm kể từ ngày Chính phủ phê duyệt chủ trương và lộ trình cải cách.
"Hiện tại các cơ quan hữu quan mới đang triển khai xây dựng và hoàn thiện các quy định pháp lý nhằm thiết lập một khuôn khổ tổng thể để quản lý và điều hành các doanh nghiệp Nhà nước. Quá trình cải cách doanh nghiệp Nhà nước khó có thể thành công nếu không có một cơ chế điều phối liên ngành hữu hiệu và tăng cường tính minh bạch", báo cáo viết.
Hoài Ngân
VnEconomy