Sau nhiều lần khiếu nại, ông Nguyễn Quốc Đồng (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) được Công ty Cấp nước Gia Định thỏa thuận lượng nước cho kinh doanh 11%, lượng nước cho sinh hoạt 89% - Ảnh: Q.Khải
Nhiều trường hợp sau khi khiếu nại mới được đơn vị cấp nước tính giá hợp lý hơn.
Khiếu nại mới được giảm
Ông Ngô Quốc Đồng (40 Phạm Viết Chánh, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết nhà ông mở đại lý vé máy bay từ tháng 6-2013 được Công ty cổ phần Cấp nước Gia Định (Công ty Cấp nước Gia Định) xác định mỗi tháng 16m³ nước cho sinh hoạt, lượng nước còn lại tính giá kinh doanh 16.900 đồng/m³. Ông Đồng khiếu nại thì được công ty giảm xuống còn 7m³/tháng theo giá kinh doanh, lượng nước còn lại tính giá sinh hoạt 5.300 đồng/m³. Vẫn chưa đồng ý vì cho rằng đại lý vé máy bay chỉ có một nhân viên và người này chỉ làm việc qua mạng Internet nên không thể sử dụng mỗi tháng tới 7m3nước, ông Đồng tiếp tục khiếu nại thì được giảm còn 4 m³/tháng theo giá kinh doanh!
Ông Đồng nhẩm tính với cách tính cũ thì gia đình ông mỗi tháng tiêu thụ 40m³, phải trả 524.200 đồng (chưa kể thuế VAT, phí nước thải...), còn với cách tính mới chỉ trả 302.400 đồng, giảm hơn 200.000 đồng. “Tôi và một số người biết được vụ việc nên khiếu nại mới được tính lại giá nước, còn những trường hợp khác không biết, không khiếu nại thì phải chịu thiệt thòi” - ông Đồng nói.
Trước đó, ông Đinh Công Luyện, ngụ P.19, Q.Bình Thạnh phản ảnh bị áp đối tượng sai dẫn đến cách tính giá nước không hợp lý (Tuổi Trẻ ngày 3-3 đã phản ánh) và cũng được Công ty Cấp nước Gia Định tính lại giá mới. Tuy nhiên, sau đó ông Luyện tiếp tục khiếu nại đòi lại khoản tiền chênh lệch mà ông cho rằng mình đã bị thu lố trước đó...
Quy định không rõ ràng
Ông Trần Văn Quang, phó phòng kinh doanh Công ty Cấp nước Gia Định, cho rằng để tránh khách hàng khiếu nại nhiều lần nên mới giải quyết theo hướng trên. Ông Quang nhìn nhận: “Cách giải quyết đó cũng chưa đúng quy định lắm. Còn yêu cầu đòi lại tiền thu lố của khách hàng là chưa có cơ sở để giải quyết”. Tuy nhiên, những khách hàng như ông Luyện và ông Đồng thì cho rằng “Công ty đã áp dụng cách tính mới tức là cách tính trước đó sai, nên phải bồi hoàn khoản tiền chênh lệch mà công ty thu trước đó”.
Nhiều đơn vị cấp nước khác cho biết hiện nay họ vẫn tính tiền nước cho khách hàng theo cách mà Công ty Cấp nước Gia Định đã áp dụng trước đây đối với ông Luyện và ông Đồng.
Tìm hiểu, chúng tôi được biết nguyên nhân dẫn đến các vụ khiếu nại trên là do Quyết định 103 của UBND TP.HCM (ban hành năm 2009 về điều chỉnh giá nước sạch trên địa bàn TP) không quy định rõ cách tính giá nước cho người sử dụng nước vừa sinh hoạt vừa kinh doanh. Một cán bộ Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH một thành viên (Sawaco) cho rằng giá nước hiện nay có sự bù chéo giữa đối tượng kinh doanh và đối tượng sinh hoạt. Vì vậy, việc xác định lượng nước cho đối tượng vừa kinh doanh vừa sinh hoạt theo nguyên tắc: khách hàng chỉ được định mức đầu tiên trong bậc thang sinh hoạt (4m³/người/tháng), phần còn lại phải tính giá kinh doanh để bù chéo qua lại. Với lập luận này, vị này cho rằng cách tính cũ như trước đây Công ty Cấp nước Gia Định áp dụng là đúng.
Còn cách tính mới được áp dụng cho các trường hợp khiếu nại nói trên, theo cán bộ Sawaco này thì Công ty Cấp nước Gia Định áp dụng theo điều khoản khác của Quyết định 103 vừa nêu. Cụ thể quy định: “Đối với các đối tượng phức hợp (bao gồm các đối tượng sử dụng nước cho mục đích sinh hoạt, sản xuất và kinh doanh - dịch vụ) thì doanh nghiệp cấp nước cùng với khách hàng xác định tỉ lệ sử dụng nước cho các mục đích khác nhau theo thực tế”. Tuy nhiên, theo vị này, việc áp quy định vừa nêu đối với các trường hợp vừa sinh hoạt vừa kinh doanh như trên là chưa chính xác, vì “đối tượng phức hợp” theo Quyết định 103 phải thỏa ba yếu tố: “sinh hoạt, sản xuất và kinh doanh - dịch vụ”.
Như vậy, cách xác định lượng nước cho đối tượng vừa sinh hoạt vừa kinh doanh được các đơn vị cấp nước áp dụng thời gian qua là theo cách áp đặt từ ngành cấp nước? Vị cán bộ thuộc Sawaco trả lời cách tính này được áp dụng lâu nay trên cơ sở bù chéo giá chứ không nói rõ tính theo quy định nào. Còn đại diện Công ty cổ phần Cấp nước Chợ Lớn, Công ty cổ phần Cấp nước Thủ Đức cũng cho biết công ty áp dụng “giống như Sawaco” hướng dẫn nhưng cũng không biết theo quy định nào.
Quang Khải
Theo Tuổi Trẻ
Nên tính theo hướng có lợi cho khách hàng Theo luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch - Đoàn luật sư TP.HCM, trong trường hợp quy định chưa có điều khoản cụ thể về cách tính giá nước cho đối tượng sinh hoạt và kinh doanh, nên áp dụng cách tính theo nguyên tắc có lợi cho người dân. Đơn vị cấp nước và khách hàng ngồi lại với nhau xác định lượng nước thực tế cho kinh doanh và lượng nước thực tế cho sinh hoạt. Đó là giải pháp trước mắt, về lâu dài cần bổ sung quy định cụ thể về cách tính cho đối tượng này để tránh khiếu nại và bảo đảm quyền lợi của khách hàng. |