Vợ cũ gặp khó khăn vì Covid-19: Chồng có nghĩa vụ cấp dưỡng?

18/03/2020 14:17 PM

“Tôi và vợ vừa ly hôn, nay cô ấy gặp khó khăn bởi dịch bệnh Covid-19, không có thu nhập để trang trãi cuộc sống; còn tôi thì vẫn có thu nhập ổn định từ việc làm công ăn lương (tiền lương sau thuế là 42 triệu đồng/tháng). Vậy tôi có phải cấp dưỡng cho vợ cũ nếu cô ấy yêu cầu hay không?” – Đây là thắc mắc của bạn đọc có địa chỉ email: Dcthanh***@gmail.com)

Về vấn đề này, Luật sư Phạm Thanh Hữu, Công ty TNHH THƯ VIỆN PHÁP LUẬT tư vấn như sau:

Điều 115 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định: “Khi ly hôn nếu bên khó khăn, túng thiếu có yêu cầu cấp dưỡng mà có lý do chính đáng thì bên kia có nghĩa vụ cấp dưỡng theo khả năng của mình”.

Như vậy, trường hợp vợ cũ của anh rơi vào hoàn cảnh khó khăn, túng thiếu do dịch bệnh Covid-19 gây ra và có yêu cầu anh cấp dưỡng thì anh có nghĩa vụ cấp dưỡng theo khả năng của mình.

Căn cứ vào Điều 116 Luật hôn nhân và gia đình 2014, mức cấp dưỡng do hai bên thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết. Khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi. Việc thay đổi mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

Đồng thời theo Điều 117 Luật hôn nhân và gia đình 2014, việc cấp dưỡng có thể được thực hiện định kỳ hàng tháng, hàng quý, nửa năm, hàng năm hoặc một lần. Các bên có thể thỏa thuận thay đổi phương thức cấp dưỡng, tạm ngừng cấp dưỡng trong trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng lâm vào tình trạng khó khăn về kinh tế mà không có khả năng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

Lưu ý, căn cứ vào khoản 5 Điều 118 Luật hôn nhân và gia đình 2014, nếu vợ cũ của anh đã kết hôn với người khác thì anh không còn nghĩa vụ phải cấp dưỡng.

Điều 118. Chấm dứt nghĩa vụ cấp dưỡng

Nghĩa vụ cấp dưỡng chấm dứt trong các trường hợp sau đây:

1. Người được cấp dưỡng đã thành niên và có khả năng lao động hoặc có tài sản để tự nuôi mình;

2. Người được cấp dưỡng được nhận làm con nuôi;

3. Người cấp dưỡng đã trực tiếp nuôi dưỡng người được cấp dưỡng;

4. Người cấp dưỡng hoặc người được cấp dưỡng chết;

5. Bên được cấp dưỡng sau khi ly hôn đã kết hôn;

6. Trường hợp khác theo quy định của luật.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 8,172

Bài viết về

lĩnh vực Hôn nhân gia đình – Thừa kế

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]