Sử dụng hợp đồng tương lai phòng ngừa rủi ro về giá

02/07/2015 08:54 AM

Sự biến động giá cả hàng hóa được xem là một trong những rủi ro lớn đối với các DN có các giao dịch mua, bán hàng hóa theo hợp đồng cố định giá trong một thời gian dài. Bởi đối với đa số DN sản xuất, sản phẩm đầu ra thường được ký hợp đồng theo đơn hàng trước khi sản xuất, vì vậy khi giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng, nhưng giá bán sản phẩm đã cố định từ trước thì nguy cơ thua lỗ là rất lớn. Tuy nhiên, các DN có thể phòng ngừa rủi ro này bằng cách sử dụng các sản phẩm tài chính phái sinh, trong đó hợp đồng tương lai là giải pháp hiệu quả.

Hợp đồng tương lai - xu thế tất yếu  

Hợp đồng tương lai là một thỏa thuận mua bán một loại tài sản cơ sở nhất định theo mức giá chuyển giao tài sản đó tại một thời điểm có hiệu lực trong tương lai (thời gian đáo hạn) và việc chuyển giao này sẽ được thực hiện theo các quy định của sở giao dịch có tổ chức.

Hình thức hợp đồng tương lai đã có từ rất sớm, khi thị trường sản phẩm nông nghiệp cần được bảo vệ khỏi rủi ro. Người nông dân đã có hợp đồng theo ngôn ngữ Việt Nam là “bán lúa non”, “bán cà phê non”. Đó là những hợp đồng ký trước thỏa thuận họ sẽ bán sản phẩm cho nhà máy chế biến nông sản khi đến vụ thu hoạch, với mức giá ấn định. Theo đó, nếu đến khi giao hàng mà giá trị trường thực tế thấp hơn giá thỏa thuận trong hợp đồng thì người nông dân được hưởng lợi và nhà máy chịu thiệt; trường hợp ngược lại khi giá thị trường lên cao hơn giá thỏa thuận trong hợp đồng tương lai thì nhà máy được lợi và người nông dân bị thiệt.  

Sau hơn cả thế kỷ được sử dụng trong giao dịch các sản phẩm nông nghiệp và các loại hàng hóa khác, thị trường này đã mở rộng quy mô với các hợp đồng về tài sản tài chính (như tiền tệ, trái phiếu). Đến những năm 80 của thế kỷ 20, đã xuất hiện giao dịch các hợp đồng tương lai đối với các chỉ số của thị trường cổ phiếu, trái phiếu.

Hợp đồng tương lai trên thị trường cổ  phiếu về bản chất cũng giống như hợp đồng kỳ hạn. Tuy nhiên, quy cách của hàng hóa giao dịch trong hợp đồng tương lai được chuẩn hóa và được giao dịch tại các sàn giao dịch tập trung. Cụ thể, sở giao dịch đề ra quy định cho các hợp đồng tương lai về loại tài sản, quy mô hợp đồng, (chính xác số lượng tài sản cơ sở được chuyển giao đối với mỗi đơn vị hợp đồng), loại và đơn vị tiền tệ đối với giá chuyển giao hàng phiên, biên độ giao động giá chuyển giao hàng phiên giao dịch, địa điểm thực hiện việc chuyển giao và thời gian thực hiện việc chuyển giao.

Cơ chế phòng ngừa rủi ro của hợp đồng tương lai

Ngoài đặc điểm mức giá chuyển giao luôn được điều chỉnh theo tình hình thị trường, hợp đồng tương lai đối với giao dịch cổ phiếu, trái phiếu luôn quy định tỷ lệ ký quỹ. Theo đó, khi tham gia các hoạt động mua và bán trên thị trường hợp đồng tương lai, người mua và người bán phải mở tài khoản ký quỹ tại sàn giao dịch. Với mức ký quỹ ban đầu bằng một tỷ lệ phần trăm của giá trị hợp đồng (giá trị hợp đồng = giá giao hàng x khối lượng hàng hóa giao dịch), số dư tài khoản ký quỹ của bên tham gia giao dịch sẽ luôn thay đổi theo giá giao dịch hàng ngày và không được thấp hơn mức ký quỹ bắt buộc - Maintenance margin (thông thường mức ký quỹ bắt buộc nhỏ hơn mức ký quỹ ban đầu, thường bằng khoảng 75% của mức ký quỹ ban đầu do sở giao dịch quy định). Nếu giá giao dịch trên thị trường biến động theo chiều hướng bất lợi cho người tham gia hợp đồng tương lai, thì tài khoản ký quỹ sẽ ngay lập tức khấu trừ mức tổn thất. Ngược lại, nếu giá giao dịch trên thị trường diễn biến thuận lợi thì người đó được cộng thêm phần lợi đó vào tài khoản ký quỹ. Quá trình này cứ tiếp tục đến ngày giao hàng, hoặc đến ngày đóng hợp đồng.  

Trong trường hợp tài khoản ký quỹ thấp hơn mức ký quỹ bắt buộc, chủ tài khoản sẽ phải nộp thêm vào tài khoản để bằng đúng mức ký quỹ ban đầu. Nếu chủ tài khoản không thực hiện yêu cầu ký quỹ bổ sung, sở giao dịch có thể yêu cầu đóng tài khoản. Điều này có nghĩa là người đó sẽ phải chấp nhận lỗ hợp đồng ngay lập tức. Việc yêu cầu các hội viên tham gia giao dịch phải ký quỹ và thực hiện việc đảm bảo mức ký quỹ bắt buộc nhằm giảm thiểu rủi ro thanh toán đối với các bên tham gia giao dịch.  

Về cơ chế phòng ngừa rủi ro của hợp đồng tương lai, tương tự như của hợp đồng kỳ hạn, thể hiện thông qua một số tình huống giao dịch cụ thể như sau: Giả định, ngày 15/5/2014 Công ty xăng dầu A có hợp đồng bán 1 triệu thùng dầu vào 15/8/2014 với giá giao ngay là 60 USD/thùng; giá tương lai 59USD/thùng. Quy mô hợp đồng 1000 thùng dầu. Số hợp đồng tương lai 1000 hợp đồng. Ngày 15/8/2014 công ty tiến hành thanh lý hợp đồng.

Tình huống 1: Giá giao ngay tháng 8 là 49USD/thùng thì công ty sẽ thu được 49 triệu USD, tương ứng công ty lãi 10 triệu USD. Sau khi  thanh lý hợp đồng tương lai. Trường hợp này, tổng giá trị công ty thu được: 49 +10 = 59 triệu USD.

Tình huống 2: Giá giao ngay tháng 8 là 69 USD/thùng. Công ty bán dầu trên thị trường được 69 triệu USD dù lỗ trên thị trường tương lai là 10 triệu USD; tổng giá trị công ty thu được vẫn là 59 triệu USD đó đã ràng buộc giá bán 59 USD/thùng.  

Như vậy có thể thấy, dù giá dầu có biến động như thế nào thì hợp đồng tương lai đều giúp công ty ấn định được mức giá, ấn định được doanh thu. Đồng nghĩa, tùy theo từng nhu cầu phòng ngừa rủi ro, mà DN sẽ có chiến lược sử dụng hợp đồng tương lai cho phù hợp. Theo đó, DN sẽ bán hợp đồng tương lai trong trường hợp DN sở hữu tài sản và sẽ mua hợp đồng tương lai trong trường hợp DN cần mua tài sản và muốn ấn định giá ngay.   

Khi hợp đồng tương lai đáo hạn, giá thị trường của tài sản tăng, đồng nghĩa với giá đầu vào của công ty tăng, công ty bị lỗ trên thị trường hàng hóa. Tuy nhiên, với sự kết hợp của việc giao dịch hợp đồng tương lai, công ty sẽ có lãi trên thị trường tương lai. Như vậy, công ty đã ổn định được mức giá mua tài sản như ban đầu.  

Nếu như ngược lại, giá của tài sản trên thị trường giảm, công ty bị lỗ từ việc giao dịch hợp đồng tương lai, nhưng bù lại, công ty lại có thể mua được tài sản trên thị trường với giá rẻ. Kết hợp với giá trị nhận được từ hợp đồng tương lai, công ty sẽ ổn định được mức giá tài sản như ban đầu.  

Điều này có nghĩa là, việc tham gia giao dịch hợp đồng tương lai sẽ giúp DN đảm bảo giá mua bán tài sản ít chịu ảnh hưởng của rủi ro biến động giá cả trên thị trường. Khi đã ấn định được trước mức giá, chi phí và doanh thu theo hợp đồng, DN chắc chắn sẽ có được thế chủ động trong hoạt động kinh doanh.

Phạm Thị Thanh Hòa

Theo Tạp Chí Thuế

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 20,300

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]