Thuốc nào 'trị' quan chức 'nói một đằng làm một nẻo'?

10/09/2015 08:40 AM

“Dân có thực sự làm chủ, thực sự có quyền thì quan chức sẽ không còn dám đứng trên pháp luật. Khi đó mới có thể thực thi được giá trị pháp quyền.”

LTS:Nhìn lại 30 năm Đổi mới văn hóa: thành tựu, những thách thứccần vượt qua, những vấn đề cần tiếp tục đổi mới trong giai đoạn tiếp theo, Tuần Việt Nam có cuộc phỏng vấn với GS.TSKH. Trần Ngọc Thêm, Giám đốc Trung tâm Văn hóa học Lý luận và Ứng dụng, Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia TP. HCM; ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương. Xin giới thiệu Phần 3 bài phỏng vấn.

GS. TSKH Trần Ngọc Thêm

Hình hài một hệ giá trị mới

Thưa Giáo sư, ở phần trước ông đã đề cập đến nguyên nhân của tình trạng xuống cấp, tha hóa về đạo đức là ở con người và nền văn hóa truyền thống. Vậy việc xây dựng con người với tư cách và vai trò là trung tâm  cần được thực hiệnbắt đầu từ đâu? Thực hiện như thế nào?Lấy cái gì làm chuẩn?

GS.TSKH. Trần Ngọc Thêm: Chuẩn để xây dựng con người là hệ giá trị. Thời nào có hệ giá trị của thời đó. Trước đây, với mục tiêu là ổn định thì ta đã có hệ giá trị văn hóanông nghiệp - nông thôn. Bây giờ để đạt mục tiêu phát triển bền vững trong một thế giới phẳng thì phải có hệ giá trị văn hóa công nghiệp - đô thị - hội nhập.

Việc điều chỉnh chuẩn giá trị được thực hiện bằng hai con đường. Thứ nhất là điều chỉnh tự nhiên diễn ra một cách tự phát cùng với sự thay đổi nhận thức và hành động của dân chúng. Thứ 2 là điều chỉnh có định hướng diễn ra dưới tác động có ý thức của hai lực lượng là nhà cầm quyền và tầng lớp trí thức.

Tùy hoàn cảnh cụ thể của từng giai đoạn mà vai trò của hai lực lượng này có thể có sức mạnh tác động khác nhau, có thể đồng hướng với nhau hoặc ngược hướng. Trong mọi trường hợp, ý chí nguyện vọng của dân chúng luôn luôn là nhân tố quyết định, nhất là khi có mâu thuẫn giữa các lực lượng tác động.

Chúng ta hãy xem lại sự điều chỉnh và hình thành hệ giá trị mới trong lịch sử nước ta thì sẽ hiểu.  Chẳng hạn, giai đoạn cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, trong khi nhà cầm quyền thực dân muốn xây dựng hệ giá trị kiểu phương Tây để thực hiện mục đích thực dân, thì tầng lớp trí thức và dân chúng đã thành công trong việc xây dựng một hệ giá trị theo hướng ngược lại: tiếp nhận những tinh hoa của phương Tây để hoàn thiện hệ giá trị truyền thống của mình, phục vụ cho công cuộc giải phóng dân tộc.

Theo Giáo sư ,hệ giá trị mà chúng ta cần xây dựng hiện nay sẽ có hình hàinhư thế nào? Lực lượng nào sẽ là chủ đạo?

GS.TSKH.Trần Ngọc Thêm: Hệ giá trị mà chúng ta cần xây dựng hiện nay phải mang tính chất của một hệ giá trị văn hóa công nghiệp - đô thị - hội nhập với mục tiêu cuối cùng là mang lại cuộc sống hạnh phúc cho toàn dân. Nó sẽ phải được thực hiện bằng sự phối hợp của cả tự phát lẫn tự giác, của cả dân chúng lẫn đội ngũ trí thức và chính quyền.

Căn cứ vào mục tiêu chung được Đảng và Chính phủ vạch ra là “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” nhằm mang lại cuộc sống hạnh phúc cho toàn dân, các mục tiêu cụ thể là thực hiện thành công việc công nghiệp hóa, đô thị hóa và hội nhập. Đội ngũ trí thức sẽ nghiên cứu kỹ những giá trị truyền thống, hiện trạng biến động của chúng, những thói hư tật xấu đang hoành hành và cách khắc phục, các xu hướng của thời đại, nguyện vọng của dân chúng để xây dựng hệ giá trị cho tương lai.

Hệ giá trị này bao gồm hai nhóm chính là những tinh hoa của văn hóa truyền thống vẫn có thể phát huy giá trị trong hiện tại và tương lai; và những tinh hoa của văn hóa nhân loại có thể giúp khắc phục các thói hư tật xấu đang hoành hành, giúp hình thành cách tư duy, cách hành động, lối sống thích hợp với nền văn minh đô thị, văn minh công nghiệp và công cuộc hội nhập vào quá trình toàn cầu hóa. Các giá trị này bao gồm cả giá trị chung cho toàn xã hội lẫn giá trị cho việc hoàn thiện từng cá nhân.

Thưa Giáo sư, hệ giá trị mới làm cáchnào để chuyển biến được cả một nền văn hóa như miêu tả của ông là  nặng về “âm tính”, ưa ổn định? Phải chăngcần thay đổi cả nền văn hóa của dân tộc chúng ta, phải phá rồi xây để chuyển được từ văn hóa âm tính qua dươngtính?

GS.TSKH.Trần Ngọc Thêm: Không hoàn toàn như thế. Không cần phải phá rồi xây, mà chỉ cần chuyển đổi.

Nếu nền văn hóa truyền thống của ta mang tính cộng đồng làng xã thì chúng ta vẫn có thể giữ nguyên tính chất cộng đồng, nhưng chuyển tính chất làng xã thành cộng đồng xã hội, sẵn sàng giúp đỡ, hợp tác với nhau ngay cả khi không quen biết, cùng nhau vì mục tiêu chung.

Nếu nền văn hóa truyền thống mang tính trọng âm và ưa hài hòa, thì chúng ta vẫn có thể giữ nguyên tính ưa hài hòa, nhưng là một sự hài hòa thiên về dương tính.

Nếu nền văn hóa truyền thống cách tư duy và hành động theo kiểu kết hợp xuề xòa, đại khái, thì cần thay vào đó là một tác phong công nghiệp, suy nghĩ và làm ăn bài bản, khoa học.  

Nếu nền văn hóa truyền thống mang đậm tính linh hoạt, nhiều khi tùy tiện, thì cần hướng tính linh hoạt này vào những khuôn khổ, nguyên tắc nhất định trong giới hạn mà pháp luật đã quy định.

Nếu có pháp quyền thực sự, quan cũng như dân đều bình đẳng như nhau trước pháp luật.

Xây dựng triệt để hai giá trị Dân chủ và Pháp quyền

Vậy đâu là những hệ giá trị mới chúng ta có thể bắt đầu đột phá, khởi phát từ đó để giải quyết những phần tiếp theo?  

GS.TSKH.Trần Ngọc Thêm: Theo kết qunghiên cứu của chúng tôi, để thực hiện được các mục tiêu trên, trong giai đoạn trước mắt, có thể tập trung phát triển và xây dựng 10 giá trị cơ bản chia thành 5 nhóm là: (1) Dân chủ và Pháp quyền; (2) Nhân ái và Yêu nước; (3) Trung thực và Bản lĩnh; (4) Trách nhiệm và Hợp tác; (5) Tính khoa học và Sáng tạo.

Hiện nay những thói hư tật xấu nào, những hạn chế nào đang được đánh giá là nghiêm trọng nhất? Và giải pháp khắc phục chúng như thế nào?

GS.TSKH. Trần Ngọc Thêm: Theo kết quả điều tra của chúng tôi (thuộc đề tài Xây dựng hệ giá trị Việt Nam trong giai đoạn mới – PV) với sự tham gia của gần 6.000 người thuộc các tầng lớp, ngành nghề ở cả ba miền thì bệnh giả dối, nói không đi với làm, là tật xấu nghiêm trọng nhất chiếm 81,0%. Kế đến là bệnh thành tích 75,1%. Thứ ba là bệnh thiếu ý thức pháp luật 68,2%.

Bệnh giả dối, nói không đi với làm sẽ được khắc phục nếu xây dựng được các giá trị Trung thực và Bản lĩnh. Con người có bản lĩnh thì mới có thể trung thực, nhìn thẳng vào sự thật, từ bỏ thói ưa nịnh, thích khen (tôi đã có lần trao đổi trên diễn đàn của Tuần Việt Nam).

Bệnh thành tích (có phần liên quan đến tính giả dối) có thể được khắc phục nhờ giá trị Trung thực và Trách nhiệm. Người có tinh thần trách nhiệm sẽ không chạy theo thành tích bằng bất cứ giá nào. Người trung thực sẽ không nói không thành có, nói ít thành nhiều, sẽ không ưa nổ, chém gió.

Tương tự như vậy, bệnh thiếu ý thức pháp luật có thể được khắc phục nhờ giá trị Pháp quyền.

Tôi xin đặc biệt nhấn mạnh thêm, kết quả 30 năm Đổi mới về văn hóa cho thấy một thực tế rằng, sự phát triển của đất nước đã “đụng” phải trần vì thiếu phần “gốc” vững mạnh, bền vững. Gốc đó là văn hóa và nhân vật trung tâm của văn hóa -  con người.

Có lẽ đây là bài học quý giá, có giá trị nhất trong suốt 30 năm Đổi mới vừa qua!

Thưa Giáo sư, về mặt quản lý, cần phải thay đổi như thế nào để không rơi vào trạng thái như giai đoạn vừa qua “nhận thức không đi đôi với hành động”? Vì để hội nhập chúng ta phải thay đổi từ môi trường văn hóa cho đến con người, một công việc vô cùng rộng lớn và khó khăn với khối lượng khổng lồ?

GS.TSKH.Trần Ngọc Thêm: Để cho nhận thức và hành động đi đôi, về mặt lãnh đạo và quản lý cần cần xây dựng một cách triệt để hai giá trị Dân chủ và Pháp quyền. Trong đó, dân chủ là giá trị có ý nghĩa quyết định.

Dân chủ là một trong ba đặc trưng của thể chế chính trị Việt Nam hiện đại, nhưng lại là đặc trưng duy nhất chưa được thực hiện một cách đầy đủ. Thiếu một nền dân chủ thực sự, sự tự do mà Đổi mới mang lại, có nguy cơ dẫn đến vô tổ chức, mất kiểm soát. Truyền thống dân chủ làng xã như “phép vua thua lệ làng” của văn hóa truyền thống Việt Nam trong bối cảnh pháp luật không nghiêm và trình độ dân trí chưa cao đang có nguy cơ phát triển quá đà. Trong nhiều trường hợp dẫn đến bệnh vô chính phủ như “Thủ kho to hơn thủ trưởng”, “Trên bảo dưới không nghe”..

Thực hiện được dân chủ thực sự như các nghị quyết của Đảng ta đã khẳng định thì sẽ khắc phục được bệnh vô chính phủ ở bên dưới, và kiểm soát được quyền lực ở bên trên, khắc phục được nạn quan liêu, cửa quyền. Có dân chủ thực sự thì sẽ đảm bảo được sự bình đẳng, công bằng và các quyền tự do cơ bản như tự do chính trị, tự do kinh tế, tự do lựa chọn dịch vụ, quyền con người. Bởi vậy mà dân chủ cũng là giá trị xã hội quan trọng hàng đầu, phổ biến ở mọi xã hội hiện đại.

Dân có thực sự làm chủ, thực sự có quyền thì quan chức sẽ không còn dám đứng trên pháp luật. Khi đó mới có thể thực thi được giá trị pháp quyền. Nếu có pháp quyền thực sự, quan cũng như dân đều bình đẳng như nhau trước pháp luật, thì quan chức sẽ phải nghiêm túc hơn khi nói và làm, sẽ không còn dám “nói một đằng làm một nẻo”, quản lý sẽ minh bạch, xã hội sẽ đi vào nền nếp, niềm tin của dân chúng sẽ được khôi phục, và con người mới sẽ sớm hình thành.

Đây cũng có thể xem là hai công cụ hữu hiệu để khắc phục tình trạng “nói không đi đôi với làm” hết sức tai hại như thời gian qua!

Xin cảm ơn ông đã chia sẻ!

Duy Chiến

Theo Vietnamnet

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 5,186

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]