Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng - Đoàn luật sư Hà Nội trả lời bà Dung như sau:
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 94 Luật BHXH năm 2006 (có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2015), người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tiền lương tháng đóng BHXH là tiền lương theo ngạch, bậc, cấp bậc quân hàm và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có). Tiền lương này được tính trên cơ sở mức lương tối thiểu chung (nay là tiền lương cơ sở).
Theo Khoản 1 Điều 35 Luật này, mức hưởng chế độ thai sản bằng 100% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc.
Do tiền lương đóng BHXH không bao gồm phụ cấp khu vực, nên trong mức hưởng chế độ thai sản không có phụ cấp khu vực.
Cơ quan, đơn vị có phải trả phụ cấp khu vực?
Theo Điểm a, Điểm b, Khoản 3 Phần II Thông tư liên tịch số 11/2005/TTLT-BNV-BLĐTBXH-BTC-UBDT ngày 5/1/2005 của Bộ Nội vụ, Bộ Lao động - Thương binh Xã hội, Bộ Tài chính và Ủy ban Dân tộc hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp khu vực, thì phụ cấp khu vực được xác định, tính trả theo nơi làm việc đối với những người đang làm việc và được trả cùng kỳ lương hàng tháng.
Theo đó, thời gian nghỉ sinh con hưởng chế độ thai sản do BHXH chi trả, người lao động không làm việc nên cơ quan, đơn vị không phải trả lương và phụ cấp khu vực cho họ trong thời gian nghỉ việc đó.
Luật sư Trần Văn Toàn
VPLS Khánh Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội
Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ