Chuyên gia Kinh tế Phạm Chi Lan:"Chính phủ mới phải thay đổi cả tư duy đến phương pháp vận hành bộ máy quản lý".
Thưa bà, tuy về tổng thể, kinh tế vĩ mô vẫn đang khá ổn định nhưng những tháng gần đây, đã xuất hiện những tín hiệu không tích cực: Tốc độ tăng trưởng kinh tế đang chậm lại, chỉ số giá tiêu dùng tăng...Chính phủ mới cần làm gì trong bối cảnh này ?
Chúng ta biết rằng, Chính phủ mới hiện phải đứng trước rất nhiều khó khăn như: nợ công cao, bội chi ngân sách, một số chính sách còn dang dở và đặc biệt áp lực hội nhập đang ngày một lớn, làm thế nào Chính phủ có thể vượt qua "chướng ngại" này. Câu trả lời là chỉ có sức mạnh DN mới giúp đất nước này vượt qua khó khăn.
Chúng ta hay nói “thời cơ chín muồi”, “bước ngoặt” hay “đột phá”. Lúc này đây, thời cơ chín muồi để chúng ta thay đổi mình, không thể chậm trễ hơn. Áp lực trong nước đang phả vào gáy chúng ta: chất lượng tăng trưởng thiếu bền vững, năng suất lao động thuộc hạng kém nhất ASEAN; nguồn lực kinh tế lâu nay dồn nhiều vào doanh nghiệp Nhà nước nhưng khu vực này đang khá chật vật trong câu chuyện cải tổ lại mình chứ chưa nói gì đến khẳng định giá trị, sức ảnh hưởng; khu vực DN tư nhân đang được “thả nổi”, đứng ngoài vô số chính sách; khu vực FDI tạo nên giá trị xuất khẩu lớn cho đất nước, song thâm dụng vốn, nhân công và tài nguyên nặng nề, nhập khẩu cao khiến Việt Nam không thể xây dựng được nền công nghệ phụ trợ như ý muốn.
Đối với xu hướng toàn cầu hóa, 10 năm qua Chính phủ đã quyết tâm gia nhập hầu hết các hiệp định quốc tế, đẩy mạnh liên kết vùng – khu vực và dấn thân sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu để làm động lực cải cách, phát triển. Tuy nhiên, độ mở của nền kinh tế đang vượt trên trình độ của DN trong nước; thế giới dường như quá mênh mông, bao la đối với DN Việt Nam nói chung. Đây là một “bẫy” giá trị, bẫy “hội nhập” mà nhiều nước gặp phải. Nếu đi sau, Việt Nam giẫm lại gót chân cũ của họ, chúng ta chẳng trách ai được. Nên phải nhìn ra vấn đề, bước qua nó.
Áp lực trong nước, thách thức quốc tế đã và đang đòi hỏi Chính phủ, bộ ngành và địa phương phải nắm lấy thời cơ này, để đổi mới và tạo bước ngoặt. Không ai khác, chính vận mệnh đất nước đã và đang đặt không chỉ lên vai Thủ tướng, nội các mới và các cơ quan Nhà nước phải làm mới mình.
Trong cuộc đối thoại với cộng đồng DN tuần trước, trong các thông điệp của Thủ tướng đưa ra: Cắt bỏ giấy phép con, điều kiện kinh doanh trái thẩm quyền đã và đang làm nhức nhối dư luận; phi hình sự hóa các quan hệ kinh tế và đặc biệt là đẩy nhanh thủ tục phá sản DN? Có ý kiến đưa ra là Thủ tướng đang phải ôm quá nhiều việc và phải đóng nhiều vai?
Trước mắt, khi Thủ tướng mới nhậm chức những việc này cần làm và lên làm để nêu gương, làm mẫu. Nhưng về lâu dài, cần các lãnh đạo Bộ đứng mũi chịu sao, giao trách nhiệm và dám nhận trách nhiệm với Chính phủ, với dân.
Riêng về những việc cụ thể, tôi rất mừng vì Thủ tướng làm tận tay những việc “cỏn con”. Tôi cho rằng thông điệp của người đứng đầu Chính phủ ở đây coi sinh mạng và tài sản của bất cứ công dân nào, hình thức kinh doanh nào cũng cần được đối xử công bằng trước pháp luật và cần được coi trọng. Những vụ việc cụ thể đã được báo chí nêu nhiều nhưng lãnh đạo cấp cao có ý kiến còn khá ít, nay Chính phủ phải đổi mới, có tiếng nói quyết định.
Thông điệp của Thủ tướng đề nghị các Bộ, ban ngành và địa phương mở diễn đàn đối thoại, tiếp nhận và xử lý các phản biện chính sách với chuyên gia, doanh nghiệp và người dân được nhiều chuyên gia đánh giá cao. Tuy nhiên, cũng có nhiều người hoài nghi về kết quả thực chất ở các địa phương, quan điểm của bà về vấn đề này như thế nào?
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi còn là Phó Thủ tướng là người từng chỉ đạo lập Đề án 30 về Cải cách Thủ tục hành chính trong cơ quan Nhà nước. Đây là đề án rất cụ thể, thiết kế được nhiều vấn đề được xem là gai góc nhất, trọng tâm nhất của thủ tục hành chính của Việt Nam. Tuy nhiên, đề án này không thực hiện được vì động chạm đến lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ địa phương khiến chính sách đúng nhưng hiệu quả triển khai thì “đầu voi, đuôi chuột”.
Việc đưa ra diễn đàn, đường dây nóng là rất tốt, thể hiện một nhà nước lắng nghe. Chính sách ban hành ra phải được đối tượng thụ hưởng đóng góp, phản biện. Xuất phát điểm của một nhà nước kiến tạo bao giờ cũng làm bước đầu là như vậy: coi trọng doanh nghiệp như một tế bào. Tuy nhiên, thay đổi tư duy đã khó, thay đổi cách làm càng khó hơn.
Diễn đàn với nhân dân qua đường dây nóng, qua internet qua báo chí là cách tiếp cận của nhiều nước. Tôi cho rằng, Bí thư TP HCM làm được đấy thôi, Đà Nẵng làm được đó thôi. Hãy giao trách nhiệm và quy trách nhiệm người đứng đầu. Chẳng nhẽ các Bộ trưởng cứ nghe dân nói dát tai mãi sao hay Bí thư tỉnh, Chủ tịch một số tỉnh quanh năm đi dự hội nghị, nhưng tỉnh mình thu ngân sách chưa năm nào đủ chi cả. Năm nào cũng xin tiền ngân sách chi thường xuyên là thế nào?
Trong nhiều năm làm nghiên cứu, tư vấn cho Chính phủ, cho cơ quan Nhà nước, bà có những kiến nghị gì gửi lên Thủ tướng trong thời gian tới?
Tôi cho rằng, lúc này chúng ta cần cần "liệu cơm, gắp mắm", “trông giỏ, bỏ thóc" khi sử dụng đồng tiền ngân sách. Tiền bây giờ với Việt Nam là quý lắm, thế giới định nghĩa lại Việt Nam không còn là nước nghèo nên họ không cho không nữa đâu. Sức dân và DN chỉ có vậy mà tại sao 1 năm có hàng chục đoàn kiểm tra? Họ đăng đàn nói thẳng với Thủ tướng là “kiểm thì ít, tra thì nhiều!”. Tôi thấy hoàn toàn đúng.
Những dự án nào kém hiệu quả, ngay cả với khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chúng ta cũng nên cho phá sản, dừng các dự án không khả thi, chỉ chiếm đất. Thà cho nó "chết" ngay còn hơn sống dở.
Các báo cáo về nợ công, ngân sách và năng lực cạnh tranh của các tổ chức quốc tế, đa phương đối với nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn này đang kém nhiều nước trong khu vực. Chính phủ cần nhìn về phía DN như mắt xích quan trọng nhất để vực dậy nền kinh tế và hãy trông mong, đặt niềm tin vào khu vực tư nhân với tất cả sức mạnh của mình có thể làm được. Không nền kinh tế nào trên thế giới chọn DN nước ngoài làm trụ đỡ cả.
Trân trọng cảm ơn bà !
Nguyễn Tuyền
Thực hiện
Theo Dân trí