Đáp ứng yêu cầu điều chỉnh pháp luật
Từ ngày 1/7, Bộ Luật hình sự sửa đổi năm 2015 sẽ có hiệu lực thi hành với nhiều điều khoản mới, trong đó, có điều 292 quy định về tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông.
Xung quanh điều Luật này đã ý kiến bày tỏ quan ngại về việc hình sự hóa cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông có thể khiến nhiều người bị xử lý.
Trong khi đó, kinh doanh, cung cấp dịch vụ trên mạng intenet là hướng đi phát triển bắt buộc của cả thế giới, không chỉ nói riêng Việt Nam.
Theo luật sư Phạm Công Út (Tp Hồ Chí Minh), Điều 292 mới được đưa vào Bộ luật Hình sự năm 2015, đã hình sự hóa những hành vi cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông dựa theo các Nghị định trước đây của Chính phủ nhằm quản lý hành chính về các hoạt động này.
Ví dụ: Theo Nghị định 72/2013 của Chính phủ thì để được cung cấp dịch vụ trên mạng máy tính tính, mạng viễn thông như trò chơi điện tử trên mạng, muốn được hợp pháp thì nhà cung cấp dịch vụ này phải là doanh nghiệp, được thành lập theo pháp luật Việt Nam để được cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử thông qua việc thiết lập hệ thống thiết bị và sử dụng hợp pháp phần mềm trò chơi điện tử.
Còn theo quy định tại khoản 1 điều 292 BLHS năm 2015 thì việc cung cấp dịch vụ trò chơi này nếu nhằm mục đích thu lợi từ 50 triệu đồng trở lên, hoặc có doanh thu từ 500 triệu đồng trở lên mà không có giấy phép thì bị xem là hành vi nguy hiểm cho xã hội, bị điều chỉnh bởi Bộ luật Hình sự.
Luật sư Phạm Công Út. Ảnh do luật sư cung cấp.
Còn luật sư Lê Thiệp (Trưởng Văn phòng Luật sư Toàn Cầu, Hà Nội) cũng cho rằng, điều Luật 292 mới trong Bộ Luật Hình sự 2015 đã đáp ứng được yêu cầu điều chỉnh pháp luật đối với quan hệ xã hội này.
Bởi thực chất đây là quy định về xử lý hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động cung cấp dịch vụ trên mạng máy tính, mạng viễn thông, nó đảm bảo răn đe và phòng ngừa tội phạm, lĩnh vực này hoàn toàn mới mẻ ở Việt Nam và trên thế giới.
"Điều Luật này để đảm bảo vai rò quản lý nhà nước, bảo vệ người tiêu dùng và lợi ích xã hội nên xử lý hình sự là phù hợp và đúng đắn.
Còn đối với cá nhân viết hay lập trình trò chơi điện tử thì khác, họ là người sản xuất, là người sáng chế chứ không kinh doanh dịch vụ, chỉ người sử dụng phần mềm này kinh doanh thu lợi bất chính mới bị xử lý hình sự", luật sư Thiệp nói.
Theo luật sư Thiệp, thực tế, hậu quả của những vi phạm trong lĩnh vực cung cấp trái phép dịch vụ trên mạng máy tính, viễn thông là rất nghiêm trọng vì tính dễ tiếp cận, tính phổ biến và sự tiện lợi của nó.
Và có thể ngay lập tức lừa đảo hay xâm hại đến quan hệ sở hữu mà nạn nhân sẽ rất nhiều vì đặc điểm phổ biến của các mạng hiện nay.
Nguyễn Hà Đông có bị xử lý hình sự theo Luật mới?
Với hiện tượng Nguyễn Hà Đông, người sáng tạo phần mềm trò chơi game Flappy Bird từng ồn ào trên các mặt báo do game này giúp Nguyễn Hà Đông kiếm được tới 50.000 USD mỗi ngày, theo luật sư Út, đó là một giấc mơ đối với hầu hết những nhà phát triển game.
"Hành vi này của Đông trước đây chỉ có thể gặp rắc rối bởi quy định về xử phạt hành chính, nhưng sau ngày 1 tháng 7 năm nay sẽ có nguy cơ bị hình sự hóa vì mục đích vụ lợi nhưng chưa được cấp phép hợp pháp.
Như vậy, chúng ta thấy, luật pháp đã phải điều chỉnh liên tục để thích nghi với sự phát triển của xã hội chứ không thể ổn định một cách tuyệt đối, bất di, bất dịch", Luật sư Út nhìn nhận.
Luật sư Út cũng nêu rõ, điều Luật này đặt ra không nhằm hạn chế sự sáng tạo trong lĩnh vực giải trí bằng phương tiện công nghệ thông tin.
Nhưng nếu chỉ sáng tạo mang tính bất vụ lợi, hoặc tính vụ lợi không cao (chưa đến 50 triệu đồng thì không phải là hành vi nguy hiểm cho xã hội, nhưng sự sáng tạo này với "thu nhập khủng lên đến 50.000USD/ ngày) nếu có thì phải xin được cấp giấy phép, nếu không phép thì có thể đối diện với mức án tù tối đa là 05 năm, hoặc bị phạt tiền từ 1,5 tỷ đồng đến 5 tỷ đồng.
"Mà Nguyễn Hà Đông khó nằm ngoài phạm vi bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu không thực hiện ngay việc xin cấp phép", luật sư Út bày tỏ.
Trong khi đó, luật sư Lê Thiệp lại đưa ra ý kiến khác khi cho rằng, người như Nguyễn Hà Đông là người viết phần mềm hay lập trình chương trình máy tính chứ không phải là người kinh doanh dịch vụ.
"Nên trong trường hợp của Đông thì không cần phải xin phép, chỉ đơn vị sử dụng các ứng dụng này vào mục đích kinh doanh mới phải xin phép thôi.
Cái đó là tự do sáng tạo, nhà nước khuyến khích, còn nếu Đông hay ai đó có thu nhập hay hưởng lợi từ việc bán bản quyền thì anh phải nộp thuế rõ ràng", luật sư Thiệp nhấn mạnh.
Điều 292. Tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông 1. Người nào cung cấp một trong các dịch vụ sau đây trên mạng máy tính, mạng viễn thông không có giấy phép hoặc không đúng nội dung được cấp phép, thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc có doanh thu từ 500.000.000 đồng đến dưới 2.000.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm: a) Kinh doanh vàng trên tài khoản; b) Sàn giao dịch thương mại điện tử; c) Kinh doanh đa cấp; d) Trung gian thanh toán; đ) Trò chơi điện tử trên mạng; e) Các loại dịch vụ khác trên mạng máy tính, mạng viễn thông theo quy định của pháp luật. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm: a) Có tổ chức; b) Phạm tội 02 lần trở lên; c) Có tính chất chuyên nghiệp; d) Tái phạm nguy hiểm; đ) Thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc có doanh thu từ 2.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng. 3. Phạm tội trong trường hợp thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên hoặc có doanh thu 5.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm. 4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. |
Hoàng Đan
Theo Tri thức trẻ/Soha