Hiệp hội đề nghị Ngân hàng Nhà nước cho cá nhân, hộ gia đình đã ký hợp đồng vay gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỉ đồng trước ngày 31.3 và đã được giải ngân dang dở được tiếp tục giải ngân đến hết hợp đồng, kể cả các trường hợp nhận nhà sau ngày 31.12.2016.
Theo HoREA, Nghị quyết 02 của Chính phủ cũng đã dự liệu dành từ 20.000 - 40.000 tỉ đồng để thực hiện gói tín dụng ưu đãi này. Thực tế theo thông báo của Ngân hàng Nhà nước, cho đến ngày 10.5, các ngân hàng thương mại đã ký hợp đồng cam kết cho vay là 34.826 tỉ đồng, vẫn còn nằm trong giới hạn nêu trên. Hơn nữa, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 23 cho phép tiếp tục triển khai gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỉ đồng cho đến khi giải ngân hết.
Đối với lãi suất cho vay, Ngân hàng Nhà nước công bố lãi suất gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỉ đồng là 5%/năm áp dụng cho năm 2016, có nghĩa là người mua nhà ở thương mại và cả người mua nhà ở xã hội đều phải chịu lãi suất này. Quy định lãi suất 5%/năm đối với người mua nhà ở thương mại rất là thỏa đáng, nhưng đối với người mua nhà ở xã hội theo gói tín dụng ưu đãi thì chưa thật thỏa đáng, theo HoREA.
Bởi lẽ, lãi suất cho vay nhà ở xã hội theo Quyết định 1013/QĐ-TTg ngày 6.6 quy định là 4,8%/năm áp dụng tại Ngân hàng Chính sách xã hội đến hết ngày 31.12. Do vậy, để đảm bảo sự thống nhất, Hiệp hội đề nghị Ngân hàng Nhà nước ban hành quyết định về lãi suất cho vay nhà ở xã hội cũng là 4,8%/năm áp dụng đến hết ngày 31.12.2016 cho các trường hợp mua nhà ở xã hội trong gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỉ đồng
Riêng đối với chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, HoREA kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho giải ngân tái cấp vốn đối với các hợp đồng tín dụng đã ký trước ngày 31.3 đối với các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, dự án nhà ở thương mại đã chuyển đổi công năng sang nhà ở xã hội mà chủ đầu tư dự án đó đang xây dựng dở dang, và đã bán cho khách hàng mà người mua nhà đã ký hợp đồng vay gói 30.000 tỉ đồng trước ngày 31.3, để hỗ trợ chủ đầu tư hoàn thành công trình bàn giao nhà cho khách hàng.
T.Xuân
Theo Thanh niên